Ký ức \'Đông Dương\'

Thông tin minh tinh điện ảnh Catherine De Neuve - người từng được đề cử Oscar cho vai nữ chính trong bộ phim 'Đông Dương' quay tại Việt Nam - trở lại Việt Nam lần này trong vai trò khách mời đặc biệt của Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội (HANIFF 2016) không gây nên bất cứ một cơn sốt nào trong cộng đồng mạng và ngay cả trên truyền thông. Những tiếp xúc ít ỏi của bà với giới điện ảnh, báo chí và công chúng trong buổi chiếu 'Đông Dương' phiên bản 4K gợi ký ức về một thời kỳ nghệ thuật có vẻ đã xa vời

Cảnh trong phim “Đông Dương”.

Cảnh trong phim “Đông Dương”.

24 năm trước, báo chí không nhiều, nhưng cũng đủ để đọc được những hình ảnh về bộ phim “Đông Dương” quay ở Việt Nam, với đạo diễn lừng danh Régis Wargnier. Tôi còn nhớ đã tìm mua ở Xunhasaba những tờ Paris Match có in ảnh Catherine De Neuve đang ở đỉnh cao của sự nghiệp diễn xuất với mái tóc vàng óng, làn môi đỏ tươi rạng rỡ.

Những tờ tạp chí của Pháp khi ấy lúc mua được ở Việt Nam là sau khi đã xuất bản ở Pháp phải đến cả 1, 2 tuần sau, thậm chí là cả tháng. Catherine De Neuve với danh vị một minh tinh, trở thành biểu tượng của sắc đẹp Pháp, khuôn mặt bà được khắc thành bức phù điêu Marianne - biểu tượng của Cộng hòa Pháp, thay cho một biểu tượng khác, diễn viên gạo cội Brigitte Bardot lúc ấy đã một thời vang bóng.

Đóng phim từ năm 13 tuổi, nhưng điều đặc biệt là đỉnh cao sự nghiệp của Catherine De Neuve không đến khi bà ở tuổi 18 đôi mươi mà chính 10 năm rực rỡ nhất, in đậm dấu son trong những bộ phim trở thành kinh điển của bà kéo dài từ lúc bà 40 đến độ 50 tuổi.

Đó là cái khác chăng giữa nghệ thuật đích thực và sự hào nhoáng của showbiz ngày nay. Khi mà chỉ cần trẻ đẹp, sexy người ta đã có thể nổi tiếng như cồn, dù không có một chút tài cán nào.

Đầu thập niên 1990, hình ảnh Catherine De Neuve đến Việt Nam đóng phim “Đông Dương” đăng trên báo chí Việt Nam thời ấy, cũng là một thông tin làm xốn xang những người yêu điện ảnh.

Đặt giả dụ nếu vào thời mạng xã hội phát triển như hiện nay, không hiểu nó có phải là một tin hot so với tiêu chí ngày nay hay không? Nhưng vào thời điểm ấy, tin các diễn viên Trịnh Thịnh, Như Quỳnh… được chọn đóng trong “Đông Dương” đã được coi là một vinh dự đặc biệt.

Cùng với một người Việt khác, sống ở Pháp được chọn đóng cùng minh tinh, một gương mặt cực kỳ điện ảnh và Á đông, Phạm Linh Đan, lúc ấy mới 18 tuổi. Những ngày ở Việt Nam, đi lại ở phố cổ, không biết Catherine De Neuve đã nói những gì. Chỉ biết nhiều năm sau, nhà sử học Dương Trung Quốc vẫn hay dẫn lời Catherine khi nói về Hà Nội, rằng: Hà Nội vừa đẹp vừa hoang dã…

Năm 1993, “Đông Dương” đoạt giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Cho tới nay, Pháp là quốc gia sở hữu tới 12 tượng vàng Oscar hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc, kém quốc gia đứng đầu là Italy 2 tượng. Nhưng “Đông Dương”, tiếc thay lại là lần cuối cùng giúp điện ảnh Pháp lên ngôi trong suốt 24 năm qua, chưa lần nào tượng vàng Oscar về thêm tay người Pháp.

Và cho dù nổi tiếng rực rỡ ở nước Pháp và thế giới, “Đông Dương” cũng là lần đầu tiên và duy nhất, Catherine De Neuve được đề cử Oscar cho vai bà chủ đồn điền Éliane Devries. Nhiều người nói rằng khi chuẩn bị làm phim Đông Dương, việc đạo diễn Régis Wargnier mời ngôi sao hàng đầu của nước Pháp Catherine Deneuve trong vai chính đủ thấy tầm quan trọng của nhân vật đối với ý nghĩa chung của toàn bộ tác phẩm.

Thành công cho tượng vàng Oscar của “Đông Dương” còn kể đến khả năng diễn xuất đặc biệt của diễn viên vào vai con gái bà điền chủ, vai diễn đầu đời của Phạm Linh Đan – trước đó chưa hề được học qua diễn xuất – với vóc dáng nhỏ bé, nhưng rắn rỏi kiên cường.

24 năm sau, xem “Đông Dương” trong phiên bản 4 k, chỉ một hình ảnh Vịnh Hạ Long mở ra ở đầu bộ phim, đã đủ tan chảy trái tim người Việt. Một Vịnh Hạ Long thật khác, dường như cũng đã là ký ức rồi, thật xa xôi so với Hạ Long bây giờ.

“Đông Dương”, nói không ngoa là tuyệt phẩm về hình ảnh đất nước và con người Việt Nam. Từ Vịnh Hạ Long tới Tam Điệp, Đình Bảng, Huế, Phát Diệm… Từ những người phụ nữ, đàn ông thời thuộc địa, đến những thanh niên Tây học, dường như cũng đã xa xôi ở đâu đó rồi, chắc là trên các tấm bưu thiếp Pháp hồi đầu thế kỷ 20.

“Đông Dương” gợi lên một ký ức giống hệt như khi xem phim “Người tình” cũng của đạo diễn người Pháp, cũng quay ở Việt Nam, rằng, cũng cảnh ấy, người ấy của Việt Nam mình mà qua những thước phim, lại khiến người ta ngỡ ngàng về vẻ đẹp của nó, vừa thân thuộc vừa lạ lẫm. Chỉ có thể thốt lên là nó quá đẹp, quá tình, quá điện ảnh… Và chợt ngẫm nghĩ vì sao ta không tìm thấy nó trong những bộ phim Việt Nam.

Tất nhiên, không thể phủ nhận, cả “Đông Dương” hay “Người tình” đều phảng phất đâu đó một tinh thần thuộc địa. Nhưng ở Đông Dương bao trùm lên là sự thấu hiểu, trân trọng lịch sử và văn hóa Việt Nam của ê-kíp làm phim nước Pháp. Trong phim, địa vị của người Việt thời thuộc địa không hề bị Régis Wargnier hạ thấp.

Ở tuổi 73, Catherine De Neuve trở lại nơi đã quay bộ phim khiến bà được đề cử Oscar đầu tiên và duy nhất. Không ai có thể chống lại tuổi tác, nhưng rõ ràng, người ta cảm nhận được từ bà toát ra thần thái của một nghệ sĩ lớn, không bị lu mờ bởi nhan sắc tuổi trẻ của những người đẹp đứng gần bà.

Vừa tháng trước ở nước Pháp, Catherine De Neuve đã được trao giải Lumìere - giải thưởng được người Pháp coi là “Nobel dành cho điện ảnh thế giới”. Vinh dự đặc biệt này đã từng được trao cho những tên tuổi lừng danh như Clint Eastwood, Quentin Tarantino, Pedro Almodovar, Martin Scorsese...

Catherine tiêu biểu cho một thế giới nghệ sĩ chuyên tâm cho lao động nghệ thuật, gặt hái vinh quang từ tài năng chứ không phải chỉ có mỗi nhan sắc. Một thế giới khác với những khái niệm ngôi sao ngày nay. Giống như khi xem “Đông Dương”, nó cho thấy có những điều đã thuộc về ký ức xa xôi.

Cẩm Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa-the-thao/ky-uc-dong-duong/132456