Ký ức đô thị - những mất mát không bao giờ lấy lại

Ngày hôm nay, khi ta quyết định chặt đi một hàng cây cổ thụ, nghĩa là chặt đi các ràng buộc của rất nhiều kỷ niệm của công dân thành phố. Rồi các tòa nhà cổ hoặc cũ hoàn toàn có thể tu bổ để bảo vệ những giá trị tinh thần bồi đắp cho thủ đô xứng đáng là có văn hóa. Các công trình mới có thể đẹp, xa hoa, hào nhoáng, nhưng phải mất hàng chục, hàng trăm năm, ký ức mới thực sự hình thành. Nghĩa là hàng thập kỷ trống hoác cho một thế hệ buồn không biết mình thuộc về đâu.

Một trong những chức năng mà không gian đô thị mang lại, không chỉ là nơi trú ngụ, sinh hoạt vật chất mà nó còn lưu giữ lại những ký ức mà thị dân chia sẻ với nhau. Tại những khu dân cư tốt, tỷ lệ trộm cắp ít thường là nơi người dân đoàn kết và cùng chia sẻ các giá trị chung. Sự đổ vỡ của các khu dân cư trong một thành phố nếu không do tác động chiến tranh thì thường là có tác nhân từ những quy hoạch phi nhân văn. Khi một đường cao tốc cắt ngang khu dân cư, đi cùng với đó là những đổ vỡ về ký ức, tình làng nghĩa xóm những mối quan hệ vô hình tạo nên giá trị cuộc sống.

Dẫu vô hình là vậy, nhưng người ta vẫn có thể đo đếm thông qua các khảo sát xã hội và so sánh các con số thống kê nhân khẩu học, thống kê các vụ trộm cướp cũng như thống kê diện tích không gian công cộng, diện tích đường sá bình quân trên đầu người.

Khi quy hoạch một thành phố nếu chỉ để những kỹ sư cầu đường vẽ trên bản đồ, công việc chính của họ sẽ là mở rộng bề ngang xa lộ để đáp ứng nhu cầu đi lại của xe cộ trong vòng 10, 20,50 năm nữa. Nhu cầu này, thực chất lại bị thao túng trong kế hoạch sản xuất của các tập đoàn sản xuất xe hơi, tập đoàn dầu khí và các tập đoàn vận tải hàng hóa tiêu dùng. Sự thao túng này diễn ra một cách thầm lặng trong các đoạn phim quảng cáo về một chiếc xe hơi tiện ích, thức ăn nhanh và mặt hàng tiêu dùng tiện ích mà con người sẽ mua nhiều hơn thực tế thiết yếu của họ. Khi mua càng nhiều, thị dân càng cần một chiếc xe hơi để chứa đồ đạc. Khi ngày càng nhiều xe hơi, tỷ lệ của một thành phố sẽ được mở rộng để đáp ứng vận tốc di chuyển của chiếc xe. Từ đó, khoảng cách giữa hai vỉa hè sẽ ngày càng xa nhau, đến một ngày nó tạo nên một tỷ lệ phi nhân văn.

Tỷ lệ của một thành phố nhân văn được đo bằng bước chân con người, nơi họ có thể đi bộ để mua một tờ báo, một món ăn nhanh vừa bụng và các món hàng xách tay không quá nặng mà họ có thể xách lên xe bus về nhà. Nếu chịu khó quan sát, các kiến trúc sư quy hoạch một thành phố vì con người sẽ luôn tạo ra các bóng râm trong không gian công cộng. Các cột trụ bê tông có chiều cao khác nhau để người đi đường có thể ngồi, dựa lưng, tỳ tay hoặc thu mình vào một góc để đọc sách. Một thành phố khuyến khích con người đi bộ, dừng lại để giao tiếp và tạo nên thói quen giao lưu, trao đổi các hoạt động thể chất sẽ góp phần giảm đi sự trầm cảm, tỷ lệ tội phạm đồng thời qua đó tăng các nhu cầu mua sắm thiết thực cho những cơ thể lành mạnh nhờ đạp xe và đi bộ.

Thành phố nơi dành cho con người dừng lại, là thành phố có linh hồn

Những tỷ lệ mà thành phố Hà Nội đã từng có là hoàn hảo để trở thành đô thị nhân văn. Nó đối lập với các thành phố thành công trong quy trình biến con người lệ thuộc vào xe hơi và hoàn toàn thất bại trong việc tạo ra không gian sống thực thụ. Sau 100 năm đô thị hóa, những khu dân cư đánh số thứ tự theo bảng chữ cái từ 0-1 giống nhau chằn chặn đã góp phần biến con người thành những nhân vật zombie trong điện ảnh. Sự giống nhau một cách đơn điệu của các khu chung cư góp phần hủy hoại sự đa dạng trong cảnh quan sống của con người. Thiếu các ngõ nhỏ nơi hàng quán vỉa hè có thể sinh sôi đã đẩy họ vào các trung tâm mua sắm nhôm kính lạnh lẽo không giao tiếp.

Quy hoạch đô thị của Hà Nội đang đi theo sự thất bại của những thành phố hiện đại vô hồn. Đáng sợ hơn, các không gian ký ức bị tàn phá khủng khiếp trong vòng 10 năm trở lại đây để tạo ra những vùng xám bê tông tàn tạ. Còn gì buồn khi ta ngồi trên đảo vàng rồi thảy xuống sông, háo hức dập khuôn thiên hạ để kỳ vọng xây đắp một thiên đường.

Xem thêm:

Ped way – cầu nối nhân văn trong đô thị

Vì sao người Hà Nội vẫn chọn đi xe máy và những nan đề giao thông công cộng

Quốc Đạt

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-khong-gian-song/ky-uc-do-thi-nhung-mat-mat-khong-bao-gio-lay-lai