Kỳ tích khai phá 'rốn phèn' miền Tây: Cần hệ thống thủy lợi đồng bộ

Để đối phó với hạn, mặn, lũ lụt có thể xảy ra và nhằm phát triển lâu dài vùng Tứ giác Long Xuyên (TGLX), ngành chức năng các địa phương trong vùng cho rằng phải gấp rút đầu tư thêm cơ sở hạ tầng và tái cơ cấu nông nghiệp.

Gấp rút đầu tư hạ tầng thủy lợi

Mặc dù đã có nhiều đổi thay sau công cuộc khai hoang, phát triển sản xuất, nhưng 10 năm qua vùng TGLX đã gánh chịu nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH), tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán và lũ. Bên cạnh đó, thực tế, nhiều công trình hạ tầng về thủy lợi, giao thông trong vùng đã không còn phù hợp với tình hình hiện nay, đặc biệt là chương trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

Hệ thống cống đập không hoàn chỉnh khiến vụ lúa thu đông của người dân thị xã Châu Đốc
(An Giang) gặp khó khăn. Ảnh: Huỳnh Xây

Những năm qua, vùng TGLX được Chính phủ, Bộ NNPTNT hỗ trợ đầu tư xây dựng một số công trình thoát lũ, kiểm soát lũ như kênh Vĩnh Tế, kênh Tuần Thống – T5, kênh Cần Thảo, tuyến đê Nam Vĩnh Tế ngăn lũ tràn biên giới từ Châu Đốc đến kênh Hà Giang, cùng với các đập tràn Xuân Tô, đập cao su Trà Sư, Tha La,…

Cụ thể, đập cao su Trà Sư và đập Tha La ở tỉnh An Giang sau hơn 15 năm vận hành điều tiết lũ đã xuất hiện nhiều vết nứt, không đảm bảo công tác vận hành. Trong khi đó hiện nay nhà sản xuất cũng không còn sản xuất đập cao su để thay thế. Ở một số vùng sản xuất lúa ở An Giang, tuyến đê bao đầu tư chưa đồng bộ, hoàn chỉnh đã khiến cho việc sản xuất luôn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là sức ép của lũ trong vụ lúa thu đông (lúa vụ 3). Trong khi đó, việc kiểm tra, duy tu sửa chữa tuyến đê bao trên rất tốn kém và phức tạp.

Theo ông Trần Anh Thư – Giám đốc Sở NNPTNT An Giang, TGLX là vùng sản xuất nông nghiệp lớn. Thế nhưng, hạ tầng thủy lợi nơi đây chưa kép kín đã làm cho vùng gánh chịu hậu quả rất nặng nề của thiên tai. Vì vậy, rất cần một hệ thống hạ tầng chung. Chẳng hạn như có đường thoát lũ từ kinh Trà Sư (An Giang) đến kinh Tha La (Kiên Giang) dài 45km, có hệ thống giao thông nội đồng kiên cố đảm bảo làm 2 vụ lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản.

Đồng tình với ý kiến ông Thư, ông Trần Quang Củi – nguyên Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang thông tin: “Thời gian qua, do hệ thống thủy lợi, cống ngăn mặn trên địa bàn tỉnh này chưa được khép kín, đặc biệt chưa đồng bộ với địa phương giáp ranh là An Giang. Vì vậy, nếu An Giang làm quá nhiều cống dọc theo sông Hậu thì Kiên Giang sẽ xảy ra thiếu nước trầm trọng. Vì vậy, rất cần đầu tư một hệ thống thủy lợi có sự đồng bộ, giải quyết cơ bản vấn đề về ngăn mặn, thoát lũ và phát triển sản xuất cho cả 3 địa phương…”.

Ngành nông nghiệp các địa phương An Giang, Kiên Giang và TP.Cần Thơ cho biết: Thời gian qua, cơ cấu mùa vụ, lịch thời vụ của các địa phương không giống nhau nên việc vận hành các công trình để đáp ứng nhu cầu chung gặp khó khăn, bất cập. Ngoài ra, các cánh đồng lúa trong vùng TGLX đang là những cánh đồng manh mún của riêng 3 tỉnh, cần được chuyển thành những cánh đồng lớn liên tỉnh.

Lập đề án trình Chính phủ

Liên quan đến thực trạng trên, tỉnh An Giang đã “tiên phong” đề xuất với Chính phủ Đề án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng TGLX và được Chính phủ đồng ý chủ trương.

Tuy nhiên, do xét thấy đây là dự án lớn, không chỉ riêng của An Giang mà của cả vùng TGLX nên Chính phủ đã giao cho các địa phương trong vùng cùng với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với các đơn vị có liên quan hoàn thiện báo cáo đề án trình Chính phủ.

Ông Thư khẳng định: “Đề án trên hết sức cần thiết trong điều kiện BĐKH diễn ra ngày càng khắc nghiệt bởi nó ảnh hưởng đến việc sản xuất của hàng nghìn ha đất nông nghiệp và nhằm phát triển lâu dài về đời sống kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng vùng TGLX”.

Tuy nhiên, ông Củi cho rằng, do liên quan đến nhiều địa phương nên phải đảm bảo tính liên kết vùng và phù hợp với quy hoạch thủy lợi chung. “Đề án phải tập trung giải quyết được 3 vấn đề chính là: Thoát lũ, nguồn nước và ngăn mặn” – ông Củi nhấn mạnh.

Thông tin từ Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết: Tới đây sẽ gửi đề án trên trình Chính phủ có quyết định cụ thể về đơn vị đứng ra chủ trì thực hiện và xem xét nguồn vốn.

Theo phóng viên tìm hiểu, trước đó, tháng 2.2016, lãnh đạo 3 địa phương An Giang, Kiên Giang và TP.Cần Thơ cùng với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đã họp bàn về đề án. Theo đó, báo cáo dự thảo đề xuất, cần khoảng 3.630 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng TGLX. Về nguồn vốn, nhiều ý kiến cho rằng, cần tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ thêm từ WB 6, WB9 – các dự án quản lý thủy lợi phục vụ phát triển nông thôn vùng ĐBSCL…

Trước BĐKH, tác động “tù hãm” của một số công trình đê bao cục bộ và yêu cầu phát triển mới, ông Trần Hữu Hiệp – Ủy viên chuyên trách kinh tế Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng cho rằng: “Phải thực hiện đồng bộ giữa các địa phương. Không thể làm riêng lẻ từng tỉnh mà cần liên kết phối hợp liên tỉnh để giải bài toán tổng hợp và đặt trong mối quan hệ tổng thể cho cả vùng ĐBSCL”.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/ky-tich-khai-pha-ron-phen-mien-tay-can-he-thong-thuy-loi-dong-bo-697262.html