Kỹ thuật lấy sỏi ống mật chủ không cần phẫu thuật

Nếu như trước đây, những người mắc bệnh sỏi đường mật thường phải phẫu thuật thì ngày nay, người bệnh được áp dụng phương pháp nội soi mật tụy ngược dòng – một kỹ thuật chuyên biệt giúp điều trị các bệnh lý sỏi ống mật chủ, nhiễm trùng đường mật do sỏi…

Không phải đụng dao kéo

Theo TS.BS Vũ Trường Khanh, Phó Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai: Nội soi mật tụy ngược dòng – Endoscopic Retrograde Cholangio Pancreatography (ERCP) là một kỹ thuật tiên tiến đang được triển khai trong lĩnh vực nội soi, đòi hỏi bác sĩ phải có tay nghề cao, giúp chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý ở đường tiêu hóa, đặc biệt là lấy sỏi trong ống mật chủ mà chỉ một số bệnh viện lớn như Bạch Mai, 108, Việt Đức… thực hiện thường quy kỹ thuật này.

Anh Nguyễn Văn A. (52 tuổi, ở Phú Thọ), là một trong những bệnh nhân được áp dụng kỹ thuật ERCP ở Bệnh viện Bạch Mai. Anh A cho biết: “Gần đây tôi có biểu hiện đau ách, cứ nghĩ mình bị đau dạ dày. Sau khi khám ở bệnh viện tỉnh mới phát hiện có sỏi gần 1cm ở ống mật chủ.

Nội soi mật tụy ngược dòng là một phương pháp an toàn tối ưu.

Nghe nói ở Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai có phương pháp hút sỏi qua đường miệng rất đơn giản mà không phải mổ nên tôi đến đây điều trị luôn. Bác sĩ bảo: lấy sỏi ở đầu ống mật chủ giống như việc nội soi dạ dày, sau đó lấy viên sỏi ra mà không phải đụng dao kéo nên tôi rất mừng”.

TS.BS Vũ Trường Khanh cho biết, kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng đã được triển khai ở Bệnh viện Bạch Mai từ lâu, song gần đây, nhờ có trang thiết bị đầy đủ và hiện đại nên kỹ thuật này mới được tiến hành thường quy, chủ yếu được áp dụng cho bệnh nhân có sỏi ở trong ống mật chủ hoặc trong một số trường hợp bị tắc mật do ung thư.

“Bác sĩ sẽ dùng ống nội soi nhỏ, mềm, đầu được gắn camera, đưa qua miệng bệnh nhân xuống thực quản, dạ dày và phần đầu ruột non, nơi có lỗ của đường mật – tụy chảy xuống ruột non. Thông qua lỗ này bác sĩ bơm thuốc cản quang, chụp hình đường mật.

Qua cách nội soi này có thể tiếp cận tận vùng sâu ống mật chủ, hình ảnh nhìn thấy giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác vị trí, kích thước, số lượng sỏi mật hoặc hình ảnh giun trong đường mật, ung thư đường mật… sau đó dùng rọ quặp chặt lấy viên sỏi kéo ngược ra qua đường miệng một cách dễ dàng”, bác sĩ Khanh phân tích.

An toàn tối ưu

Với loại sỏi có kích thước dưới 1cm, các bác sĩ có thể lấy ra luôn chỉ mất khoảng 15-20 phút. Còn trường hợp sỏi lớn trên 1cm, bác sĩ phải tán nhỏ ra, rồi đẩy chảy xuống theo đường ruột. Nếu còn cặn, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc nhuận mật để tống hết cặn đó ra.

Với những sỏi to, trước tiên phải tiến hành đặt stent tạm thời để cho mật lưu thông, chống nhiễm trùng, làm hết đau cho bệnh nhân, đồng thời sau đó để cho sỏi mòn đi và mềm ra, sau 3-6 tháng mới lấy viên sỏi đó ra. Với những trường hợp ung thư đường mật, ung thư đầu tụy giai đoạn cuối không còn khả năng phẫu thuật khiến tắc mật, bệnh nhân sẽ được đặt stent trong mật để dẫn lưu thông, giúp bệnh nhân tiêu hóa được thức ăn, cải thiện chất lượng cuộc sống.

“Hiện nay đa số bệnh nhân có sỏi trong ống mật chủ được lựa chọn phương pháp ERCP để điều trị bởi khá an toàn và tối ưu nếu bác sĩ nội soi được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm, giúp bệnh nhân không phải nằm viện lâu. Tuy nhiên, sau khi thực hiện nội soi, người bệnh có thể gây khó chịu nhẹ như: buồn nôn, trướng bụng và cũng có thể gây ra một số biến chứng như: chảy máu đường mật; viêm đường mật; viêm tụy; tổn thương đường mật; thủng tá tràng”, TS.BS Vũ Trường Khanh cho hay.

TS.BS Vũ Trường Khanh cũng lưu ý, dù phương pháp này tối ưu nhưng người mắc sỏi mật có thể bị tái phát. Chưa kể, nếu trường hợp không thể áp dụng kỹ thuật ERCP, việc điều trị phải mổ đi mổ lại thì ngay cả phẫu thuật viên cũng rất ngại vì sau phẫu thuật nhiều lần.

“Hiện nay, nguyên nhân dẫn đến sỏi mật chủ yếu là do chế độ dinh dưỡng mất cân bằng, người béo dễ bị dư thừa cholesterol, dẫn đến lắng đọng cholesterol trong túi mật và tạo thành sỏi. Hiện nay, rất nhiều người còn trẻ béo phì đã có nguy cơ bị sỏi túi mật, thậm chí chỉ 25-27 tuổi đã bị sỏi mật. Do vậy, cần có chế độ ăn uống, tập luyện hợp lý giúp kiểm soát tốt lượng cholesterol trong máu để phòng ngừa bệnh lý này”, TS.BS Vũ Trường Khanh chia sẻ.

Lưu Hường

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/ky-thuat-lay-soi-ong-mat-chu-khong-can-phau-thuat/