Ký sự Trường Sa... - Bài cuối: Vững vàng nơi đầu sóng

Khúc hát Thuyền Chài

Như dự báo trước đó, khi tàu KN 491 rời đảo Núi Le về hướng đảo Làng Chài, một cơn giông xuất hiện. Gió thông thốc thổi. Biển mịt mù. Ngay sau cơn giông, Đài chỉ huy phát đi thông báo, có đàn cá heo xuất hiện trước mũi tàu. Mọi người đổ xô lên boong, tay lăm lăm điện thoại, máy ảnh, máy quay phim. Thế nhưng chờ mãi không thấy nó đâu. Mãi đến chập tối, sau bữa cơm chiều, mọi người mới hò reo khi đàn cá heo 5 con đang đua trước mũi tàu. Với những người đi biển, cá heo xuất hiện thường gắn với điềm lành. Đêm. Tàu neo gần đảo Thuyền Chài. Các thủy thủ bắt đầu thả câu bắt cá. Nơi đây được cho là khá nhiều cá, nhất là cá ngừ. Theo kinh nghiệm, ở đâu xuất hiện cá chuồn bay là ở đó có cá ngừ. Cá ngừ rất thích cá chuồn. Gặp cá chuồn, chúng đuổi theo, đó là lý do cá chuồn phải bay trên mặt nước. Mỗi chuyến đi biển như thế này, các thủy thủ đều tranh thủ giăng câu. Có khi chỉ vài con, lại có khi thu về cả tạ.

Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Nhà giàn DK1.

Sau một đêm neo đậu, tàu 491 KN đón bình minh trong không gian bao la của biển. Thuyền Chài đã trước mặt. Đảo này có 3 điểm, gồm A, B và C. Theo kế hoạch, chúng tôi đến điểm A. Tại tầng 2 của nhà lâu bền, một nhóm các thành viên của Đoàn Đà Nẵng như các anh Nguyễn Quang Thanh (Giám đốc Sở TT&TT); Phan Văn Kha (Giám đốc Sở Công Thương), Nguyễn Công Tiến (Phó giám đốc Sở Ngoại vụ), Trần Chí Cường (Phó giám đốc Sở Du Lịch)... đang trò chuyện với đại úy Khải. Trong câu chuyện về mình, Hoàng Cao Khải kể, anh cưới vợ, đã sinh con đầu lòng, nhưng vẫn chưa thấy mặt con. Biết quê Khải ở Quảng Bình, huyện Lệ Thủy, anh Phan Hải, Giám đốc giày BQ liền thông báo sẽ tặng giày cho các con anh đến hết phổ thông. Phan Hải xin số điện thoại và gọi trực tiếp cho vợ Khải. Nói dăm câu, anh đã chuyển máy, vì nghẹn ngào cảm xúc. Thế nhưng, một người lính khác thì không được như vậy. Khi nghe cô ca sĩ Hồng Cẩm cất tiếng hát về quê hương Hà Tĩnh, đại úy Đỗ Tiến Dũng đã ngân ngấn lệ. Dũng cũng gắng đáp lễ bằng một bài hát về quê hương, nhưng cũng không cất lên thành lời. Dũng lấy tay che mắt, gương mặt chữ điền vạm vỡ, rám nắng. Trên chiếc giường cá nhân, ngồi kế bên là chị Hồng Thắm (Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ thành phố), anh Tô Hùng (Trưởng ban đô thị HĐND TP), anh Công Tiến (Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ) và Hồng Cẩm (Đội Văn nghệ Biên phòng), cả năm người hát say mê trong một cảm xúc dâng trào. Hồng Thắm, Hồng Cẩm khóc đã đành, cả Tô Hùng, Công Tiến cũng rơm rớm.

Đảo Thuyền Chài.

Lỗi hẹn với nhà giàn

Hình ảnh và cảm xúc này lại một lần nữa, tái hiện, không phải trên đảo, mà là trên tàu kiểm ngư KN 491. Hôm nay là ngày cuối cùng trong hành trình đến với Trường Sa, theo kế hoạch, sẽ lên thăm nhà giàn DK1. Sau sự kiện Gạc Ma ngày 14-3-1988, các cụm kinh tế - khoa học kỹ thuật - dịch vụ (gọi tắt là nhà giàn DK1) được thành lập trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. 28 năm qua, các chiến sĩ đã gác lại tình cảm riêng tư, hoài bão và khát vọng tuổi trẻ, trực tiếp bám biển, chốt giữ, làm nhiệm vụ trên các nhà giàn; không chỉ đối mặt với âm mưu xâm lấn của kẻ thù mà còn với muôn vàn khó khăn gian khổ, khắc nghiệt của biển cả. Trong các cơn bão diễn ra hồi các năm 1990, 1996, 1998 và 2008 đã quật ngã nhà giàn, nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, trong đó, có những người lính đã nhường chiếc áo phao và miếng lương khô cuối cùng cho đồng đội để vĩnh viễn nằm lại biển khơi.

Buổi lễ tưởng niệm được tổ chức trang trọng trên boong tàu, cách nhà giàn DK1/11 chừng hơn 500 mét. Tiếng của Chuẩn đô đốc Nguyễn Đức Nho nghèn nghẹn trên nền nhạc Hồn tử sĩ: "Hôm nay, giữa biển, trời, trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, trước tượng đài anh linh của cán bộ, chiến sĩ Hải quân ưu tú đã ngã xuống, chúng tôi càng trân trọng công sức, mồ hôi, xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam đã sớm ra biển, để khai thác, làm chủ biển, biến tiềm năng của biển thành nguồn sống cho dân tộc...; càng hiểu hơn, để đưa dân tộc trở thành quốc gia mạnh về biển, các thế hệ hôm nay còn phải vượt qua nhiều khó khăn thách thức; cán bộ, chiến sĩ nhà giàn vẫn phải chấp nhận hy sinh, trụ vững nơi đầu sóng, nơi cấu thành hình hài không thể chia cắt của đất nước". Sau gần một buổi chờ đợi, nhưng do sóng lớn, đoàn công tác đành lỗi hẹn với nhà giàn. Các xuồng cao tốc chở hàng hóa, nhà giàn dùng cẩu đưa lên. Vậy là có một cuộc gặp gỡ qua bộ đàm có một không hai. Phó Bí thư Võ Công Trí xúc động chào hỏi cán bộ chiến sĩ qua bộ đàm; các anh chị em văn công cũng gửi tình cảm yêu thương qua bộ đàm. Những giọt nước mắt cứ lăn dài trên má, ngay cả với những người đàn ông rắn rỏi nhất.

Đại tá Lê Thanh Hải-Thành ủy viên, Phó Giám đốc CATP (thứ 3 từ trái sang)tặng quà cho đại diện các đơn vị đóng quân trên đảo Trường Sa.

Vĩ thanh

Là quốc gia ven biển, từ xa xưa, các thế hệ cư dân Việt cũng như các vương triều phong kiến đã vươn ra biển, phát triển kinh tế, mở rộng giao thương, làm chủ biển Đông. Ngay từ thế kỉ XVI, các chúa Nguyễn đã cho lập các đội Hoàng Sa, Bắc Hải phái cử đến các đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Côn Lôn, Hà Tiên nhằm khai thác sản vật và khẳng định chủ quyền. Tại Đảo Đá Tây, tôi được ghé thăm và thắp hương tại đền thờ Lý Thường Kiệt. Khắc sâu vào phiến đá là lời hịch núi sông: "Nam quốc Sơn hà Nam đế cư. Tiệt nhiên định phận tại thiên thư. Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm. Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư". Năm trăm năm sau Lý Thường Kiệt, một người Việt kiệt xuất khác, Trạng trình Nguyễn Bình Khiêm đã có câu sấm truyền cho hậu thế: "Vạn lý Đông minh quy bả ác/Ức niên Nam cực điện long bình". Tạm dịch là "Biển đông vạn dặm giang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình".

Sau chuyến đi này, thành phố Đà Nẵng sẽ có hoạt động cụ thể và ý nghĩa hơn để hướng về Trường Sa. Đó như là cách để chung tay cùng cả nước giữ lấy Trường Sa, đòi lại Hoàng Sa.

Trường Sa - Đà Nẵng. Tháng 6- 2017

Hồng Quang Năm

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_167425_ba-i-cuo-i-vu-ng-va-ng-noi-da-u-so-ng.aspx