Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 33: Khi các chiến binh mong muốn hòa bình

Trong thiên nhiên, con này ăn con kia rồi bị con khác ăn lại, là do sự sắp đặt của tạo hóa nhằm chế ước sự phát triển thái quá của một số giống loài để bảo đảm cho sự sống được cân bằng. Ta gọi là cân bằng sinh thái, chẳng có thiện ác gì ở đây cả.

Cũng để giữ sự cân bằng này, tạo hóa còn ban khả năng tự vệ cho nhiều giống loài. Như thú ăn cỏ, khi đẻ con thì đứa con biết chạy ngay sau khi rời bụng mẹ, trong khi thú ăn thịt không được sự ưu ái đó. Nếu như hươu nai con không biết chạy ngay mà cứ nằm ỳ nhiều ngày mới mở được mắt như chó sói non thì giống hươu nai đã tuyệt chủng từ đời tám hoánh.

Những con sâu bé nhỏ thì được ban cho màu xanh để che bớt mắt chim chóc, con nào không có màu xanh thì ban cho lông lá để ra oai, mục đích là giúp chúng duy trì dòng dõi ở mức “cho phép”, nếu để sinh sôi vô tội vạ thì hàng loạt giống cây sẽ tuyệt chủng, còn nếu để chim chóc ăn hết thì còn đâu những cánh bướm khoe sắc với thiên nhiên, thụ phấn cho cây trái và mang mộng hồ điệp đến cho con người.

Xin nói qua một chút cái vườn của chúng tôi. Nơi đây ngày xưa là một mảnh của rừng nguyên sinh, nghe nói có cả hổ báo, sau năm 1975 vẫn còn nai, hoẵng và heo rừng, đã bị người ta phá sạch, khi chúng tôi đến cách đây 5 năm chỉ còn trơ cát trắng, xen một ít cây rừng còn sót lại cùng một cái bàu và vài vùng trũng với nhiều mầm mống hoang dã, vẫn còn những con thú nhỏ như chồn, sóc, dưới bàu còn nhiều gà nước, cò và thỉnh thoảng còn nhìn thấy sếu; riêng rắn và chuột thì vô số kể.

Nếu bạn có ý định tạo cho mình một vườn rừng, nghĩa là biến vườn thành rừng chứ không phải ngược lại, bạn nhất định phải tuân thủ một số nguyên tắc: Thứ nhất, phải nuôi dưỡng hoặc trồng mới cho bằng được những loài cây có bộ rễ sâu, càng sâu càng tốt, làm như vậy để khôi phục lại nước ngầm.

Thứ hai, để cho cây cỏ mọc tự nhiên, không loại bỏ bất cứ thứ cây cỏ nào. Thứ ba, không giết hại bất cứ con gì, kể cả sâu rầy, bọ cạp, rắn rết, chuột bọ. Thứ tư, không dùng thuốc trừ sâu diệt cỏ, phân hóa học và mọi thứ hóa chất trong vườn. Nếu không muốn bị sâu rầy chuột bọ phá sạch thì bạn không nên trồng cây ăn trái và các loại rau củ thành từng đám, mà trồng xen giữa cây rừng và cỏ dại. Và bạn phải chấp nhận chỉ thu hoạch được một phần, phần còn lại dành cho côn trùng, chuột bọ và chim chóc. Thời gian đầu bạn sẽ vô cùng mệt mỏi vì việc trồng trọt hầu như chẳng có kết quả gì, nhưng sau khoảng 5 năm, bạn sẽ thấy những điều kỳ diệu.

Chúng tôi đã kiên trì như vậy hơn 5 năm. Giờ thì chim chóc rất nhiều, từ chào mào, chích chòe, dồng dộc, họa mi, cu gáy, chim sâu, đến tu hú, bìm bịp… Tổ chim đầy trên những ngọn cây, nơi bờ bụi, trên mái nhà, trên cả những buồng chuối. Chim về mang theo nhiều hạt giống của những loài cây cỏ mới. Trên những cành tre, cành mít, bụi duối, cây phượng, ong rừng cũng về xây những tổ to trĩu mật. Và sâu rầy tự nhiên giảm hẳn. Rau đậu, cây lá và cỏ dại có đủ cho người, cho đàn heo cỏ, đàn dê và mấy con bò. Chúng tôi không chỉ có rau đậu do mình trồng mà có vô số những rau dại mọc tự nhiên ăn rất ngon như rau dền, rau sam, chùm bao, thù lù, cải trời, rau đắng, sen và súng … cùng rất nhiều những cây thuốc. Điều quan trọng nhất là trong khu vườn đó tất cả những vật nuôi được quay về với thể trạng tự nhiên của chúng. Suốt 5 năm, đàn heo cỏ của chúng tôi không có bất cứ thứ bệnh tật gì, đàn gà thì vô nhiễm với mọi thứ dịch. Được “hưởng phước” nhiều nhất có lẽ là lũ chó.

Chó Phú Quốc vốn là giống chó săn. Ở đây có đủ thứ để phát huy bản năng săn bắt của chúng. Những ngày đầu, thằng Bim, con Tu-ti và đám “tiền bối” như thằng Chuối, thằng Ổi, gặp con gì bụp luôn con đó, không chỉ rắn, chuột mà cả gà vịt và heo con, chúng còn lặn xuống ao bắt cả rùa. Dần dần, chúng tự phân biệt con nào là “người nhà” và con nào không phải. Đến bây giờ thì chúng đã hiểu thêm, ngay cả những con không phải “người nhà” cũng không được sát hại vô cớ. “Sếp nhất” nhà tôi vô cùng sợ rắn, nhưng không chủ trương diệt rắn.

Đám chó hiểu điều đó nên chỉ tấn công những con rắn vào sân vào nhà và làm mất trật tự trên các lối đi, chứ không truy cùng diệt tận. Lũ rắn, dù là rắn độc, cũng không phải loài xấu xa như thiên hạ nghĩ. Chúng rất hiền, chỉ cắn người khi bị giẫm đạp hoặc bị uy hiếp. Có rắn trong vườn sẽ hạn chế sự sinh sôi của lũ chuột. Đám chó lớn xử sự công bằng với lũ rắn, chúng không bao giờ bị rắn cắn và dù có bị rắn độc cắn cũng không hề gì, nhưng chó nhỏ thì khác. Con Sen, là đứa con út của mẹ Tu-ti, suốt ngày bám chân Sếp, khi Sếp đi vắng nó bám chân tôi, tối lên giường ngủ với Sếp.

Nó là đứa vô cùng tinh nhạy, rất dị ứng với người lạ, nhưng có lần thiền sư Lê Mạnh Thát đến chơi, lần đầu tiên thầy Thát tới đây nhưng nó không hề sủa mà còn xoáy tít đuôi chồm lên người thầy như gặp lại người thân từ trước. Nó đâu có đọc được những gì thầy Thát viết, nó chỉ cảm nhận nơi thầy sự an lành và tin cậy. Một buổi sáng, Sếp khóc ré lên khi nhìn thấy con Sen sùi bọt mép. Nó bị một con rắn độc cắn vào mồm, có lẽ khi ra vườn nó đã đùa với con rắn đó, mà con rắn thì đâu có biết con Sen đùa giỡn. Tôi ôm nó vào nhà, tìm mọi cách chạy chữa nhưng đã quá muộn, nó kiên cường sống thêm được 3 ngày rồi mới về cõi Phật, khi chưa đầy 5 tháng tuổi. Thương con Sen mà không thể giận được con rắn.

Đối với lũ chuột cũng vậy, ở đây có những con chuột đồng to bằng bắp chân, rất hay ăn gà, ngày trước tôi có đặt bẫy, nhưng nhìn con chuột nằm trong bẫy, cả Sếp và chị tôi đều nói “thấy nó dễ thương quá”, tôi lại thả ra, từ đó không bẫy chuột nữa. Nhưng lũ chuột thì không biết điều. Hơn 100 cây dừa tôi trồng, mới trồng thì chuột không cắn, phải đợi hơn 1 năm khi dừa lên cao quá đầu chúng mới bắt đầu cắn.

Chúng cắn tiện những tàu dừa, cắn sâu vào gốc, mà đâu phải cắn để ăn, chúng cắn để mài răng, bởi vì chuột mà không cắn cái gì đó để mài răng thì sau 3 ngày răng của chúng sẽ dài ra không ăn được, chúng sẽ chết.

Phải nói cho công bằng, chuột vốn không phải là thứ phá hoại mùa màng, sở dĩ chúng phá hoại mùa màng là do con người triệt phá hết những nơi chúng ở. Tôi hiểu điều đó, trong vườn tôi cũng có một không gian tương đối rộng và an toàn cho chuột, nhưng ngặt nỗi là ở xung quanh bên ngoài vườn chúng tôi rất ít môi trường an toàn cho chúng, nên lũ chuột lại kéo thêm về đây, đám rắn không đủ sức cân bằng lũ chuột. Lũ chuột đâu có hiểu được đạo lý của tôi, rằng chúng có thể cắn những thứ khác chứ không được cắn dừa. Chúng cắn của tôi không biết bao nhiêu là cây bắp, bắp trồng chỉ thu hoạch được 1/3, còn lại là chúng vừa ăn vừa mài răng, tôi không lấy đó làm bực bội, nhưng cắn hỏng cây dừa thì phải mất 1 năm mới trồng lại được cây dừa tương tự.

Bởi vậy chúng tôi phải dắt chó đi săn chuột. Nói là đi săn, nhưng chủ yếu là răn đe để đuổi chuột. Nhưng chuột đâu có sợ chó, thấy chó là chúng rúc xuống hang, khi chó đi khỏi, chúng lại lên cắn dừa. Mà chó thì không được phép đào hang để tìm chuột. Thằng Ổi là đứa thông minh nhất, ngửi thấy mùi chuột mà tìm không được chuột, nó ghếch chân đái vào gốc dừa. Gốc dừa nào nó đã đái vào rồi thì chuột không tới nữa.

Thằng Ngò - Ảnh: Hoàng Hải Vân

Những đứa khác cũng bắt chước, mỗi lần dắt đi săn đứa nào cũng nhè gốc dừa mà đái. Riêng thằng Ngò thì không theo đám đông, khi cả đám đi săn nó cứ vểnh râu nằm ngủ trên bàn, khi đám thợ săn giải tán rồi nó mới âm thầm đi làm nhiệm vụ. Sau khi mang về một con chuột to đặt dưới hàng hiên làm chiến lợi phẩm, nó nhảy lên bàn ngủ tiếp. Thằng Ngò không phải không muốn sống hòa bình với lũ chuột, bất đắc dĩ lắm nó mới ra tay cảnh cáo, bằng một biện pháp mạnh hơn, chứ không truy cùng diệt tận.

(còn tiếp)

Hoàng Hải Vân

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/ky-su-nguoi-nuoi-cho-ky-33-khi-cac-chien-binh-mong-muon-hoa-binh-849304.html