Ký sự chiến tranh của nhà báo chiến trường

Chọn đúng dịp kỷ niệm 42 năm Giải phóng niềm Nam, ngày 27/4, nhà báo Trần Mai Hạnh tác giả cuốn tiểu thuyết tư liệu 'Biên bản chiến tranh 1,2,3,4.75' giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách đã được tái bản lần 3, bổ sung thêm nhiều tư liệu quý.

“Biên bản chiến tranh 1,2,3,4.75” ra mắt bạn đọc lần đầu vào tháng 4/2014, tái bản lần 2 vào tháng 4/2015. Ngay từ khi ra mắt, tác phẩm được đông đảo bạn đọc đón nhận. Để dựng lên biên bản của một cuộc chiến giành độc lập dân tộc kéo dài trong suốt gần 20 năm, nhà văn Trần Mai Hạnh đã phải mất rất nhiều thời gian và công sức, chắt lọc kho tư liệu đồ sộ, gặp gỡ nhiều nhân chứng, bên cạnh đó là thời khắc lịch sử trưa 30/4/1975, khi các mũi tấn công tiến vào dinh Độc Lập, tác giả khi đó là phóng viên chiến trường đã may mắn chứng kiến. “Những sự kiện lịch sử chỉ diễn ra có một lần, cũng như đời mỗi con người chỉ sống có một lần. Nhưng để hiểu hết chân giá trị của lịch sử, để hiểu đúng một con người lại cần có thời gian, nhiều khi không thể chỉ đánh giá một lần. Lịch sử và cuộc sống luôn là một dòng chảy liên tục bất tận. Trong cuộc sống hiện tại ngày hôm nay có nền tảng và những giá trị tinh thần vô giá của quá khứ, đồng thời nó cũng chứa đựng mầm sống và sức sống mãnh liệt của tương lai” – nhà báo Trần Mai Hạnh tâm sự.

Tác phẩm “Biên bản chiến tranh 1,2,3,4.75” đã đem đến cho nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh nhiều giải thưởng lớn: Giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015. Đúng dịp kỷ niệm năm 2017, cuốn sách được dịch và in bằng tiếng Anh góp phần giới thiệu, quảng bá rộng tác phẩm văn học viết về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc cùng khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam. Dịch giả Mạnh Chương, người dịch tác phẩm sang tiếng Anh chia sẻ: “Với lượng tư liệu đồ sộ, quý giá về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, nhất là trong những ngày tháng cuối cùng của chế độ Sài Gòn, nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh đã nên một tác phẩm sống động, hấp dẫn”. Ông Phạm Chí Thành - quyền Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật khẳng định: “Biên bản chiến tranh 1,2,3,4.75” vừa có giá trị về văn học, vừa có giá trị về lịch sử, báo chí, tài liệu nguyên bản được xem là tuyệt mật ở thời điểm đó của chế độ Việt Nam cộng hòa và Hoa Kỳ.

Thanh Khánh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ky-su-chien-tranh-cua-nha-bao-chien-truong-286808.html