Kỹ sư Bùi Hiển: "Tôi sẽ làm máy bay không người lái"

Song song với việc xin giấy phép sang Mỹ để mua động cơ hoàn thiện cho máy bay Giấc mơ, ông Hiển sẽ làm thêm máy bay không người lái.

Dự án mới với hi vọng mới

Ngày 23/9, chia sẻ với Đất Việt, kỹ sư Bùi Hiển (Bình Dương) - cha đẻ của máy bay "made in Vietnam" cho biết: "Hiện tại, tôi đang nhờ người quen hỏi giúp về thủ tục xin đi ra nước ngoài mua vật tư, cách làm ra sao, để có hướng đi mua, rồi ra liên hệ với các cơ quan quản lý ngoài Hà Nội.

Bây giờ phải đi mua thôi, tại vì những thủ tục này bắt buộc phải có, vì các nhà lãnh đạo khoa học công nghệ khẳng định dù đăng ký phương tiện hay bản quyền thì đều phải có đầy đủ các giấy tờ nhập khẩu chứng minh nguồn gốc máy móc.

Với các thiết bị quan trọng như đĩa điều khiển, động cơ chính thì phải có nguồn gốc nhập khẩu chính thức thì xin hồ sơ đăng ký dễ dàng hơn".

Bên cạnh đó, theo ông Hiển, về kinh phí, đã có nhiều người rất muốn đầu tư, thậm chí đầu tư vô điều kiện, nhưng sau này khi công trình được công nhận thì sẽ phải có tên của những người đầu tư.

Kỹ sư Bùi Hiển bên chiếc máy bay "Giấc Mơ"

Trước mắt phải huy động bạn bè để làm, sau này có kết quả cụ thể lúc đó nhà nước công nhận rồi mới tính đến việc đầu tư đi làm thương mại. Tất nhiên sau này sẽ phải coi như một thành quả của nhiều người chứ không còn là của một người.

"Có nhiều người tiềm lực kinh tế lớn, muốn đầu tư không giới hạn, nhưng tôi chỉ dự trù kinh phí rồi xin đầu tư, chứ không lãng phí.

Theo tính toán ban đầu, tôi định mua 3 thiết bị với tổng chi phí 700-800 triệu đồng, nếu không tính thuế, còn nếu tính thuế nhập khẩu thì sẽ gấp đôi hoặc gấp 3, khi đó lớn quá tôi không thể chi ra để mà làm một công trình nghiên cứu như vậy.

Bộ cánh hiện nay đang sử dụng cũng hơn 100 triệu để tránh lãng phí, tôi sẽ tháo ra rồi sử dụng vào việc thiết kế máy bay trực thăng không người lái. Vì theo đề xuất của Hội hàng không vũ trụ muốn làm một sản phẩm như vậy, thì tôi sẽ làm.

Thực tế chưa một nước Đông Nam Á nào làm được sản phẩm này, nhưng tôi tin chắc mình sẽ làm được, khi hoàn thiện công trình máy bay Giấc Mơ này, tôi sẽ bắt tay làm ngay.

Vì với công trình này, không cần giấy phép nhập khẩu động cơ, xin giấy phép bay thử dễ vì không có liên quan tính mạng con người", ông Hiển tiết lộ thêm.

Sự ủng hộ của phi công Việt kiều Mỹ

Trong một diễn biến liên quan khác, theo ông Hiển chia sẻ, thì hiện nay có một số phi công là Việt kiều Mỹ sống ở thành phố cũng đã lên thăm và xem mô hình máy bay của ông Hiển, họ vô cùng ngưỡng mộ và thích thú.

Dù đã trở về bên Mỹ, nhưng họ điện thoại về thường xuyên cập nhật tình hình bay thử nghiệm của ông Hiển.

Ông Hiển cho hay: "Nếu bây giờ tôi qua Mỹ mua đồ thì họ sẽ dẫn đi các hãng máy bay danh tiếng cho mình tham khảo giá cả, phù hợp hãng nào thì mua, chỗ ăn ở cũng không phải lo lắng.

Cùng với đó, họ cũng giúp tôi trong việc tìm hiểu, tư vấn nên lựa chọn hãng nào, động cơ nào phù hợp vì vốn dĩ họ là phi công hàng mấy chục năm.

Khi thấy tôi bay được khỏi mặt đất, các nhà phi công này đều chúc mừng, say mê và muốn hỗ trợ phát triển thêm. Tôi vẫn biết máy bay của mình chưa an toàn, chưa thể bay cao, bay xa, nên các phi công cũng góp ý nên đi mua động cơ hoàn chỉnh để đảm bảo.

Giờ chỉ cần khi mua về không bị đánh thuế nhập khẩu là tốt đủ đường, tôi đang gặp nhiều thuận lợi, trong cái khó khăn vẫn còn nhiều may mắn. Tôi chỉ e ngại động cơ mình đang sử dụng đời hơi lâu năm 2009, không biết bây giờ còn máy tương đương hay không".

Video kỹ sư Bùi Hiển bay các loại hình:

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/su-kien/ky-su-bui-hien-toi-se-lam-may-bay-khong-nguoi-lai-3319355/