Kỳ quái với những thứ vũ khí lạ mắt nhất từng được chế tạo

Bom chứa dơi sống, tàu sân bay có thể lặn rồi trồi lên mặt nước, tên lửa do bồ câu dẫn đường là những vũ khí ra đời trong Thế chiến II gây hiệu quả bất ngờ.

Một số loại vũ khí kỳ lạ nhất đã được con người sáng chế và sử dụng trong những cuộc chiến hay nhiệm vụ ám sát...

Trong Chiến tranh thế giới 2, những chú chó mang theo khối thuốc nổ nặng 9kg là thứ vũ khí kỳ lạ nhưng vô cùng đáng sợ được Hồng Quân Liên Xô sử dụng phổ biến để chống lại những xe tăng của phát xít Đức. Theo đó, Liên Xô biến những con chó thành chiến binh tự sát. Những con vật này được gắn một quả bom gắn ngòi nổ ở bên trên. Khi chúng chui vào gầm xe tăng, ngòi nổ sẽ quệt vào thân xe và kích hoạt khối thuốc nổ nặng 9kg. Hậu quả là xe tăng bị phá hủy và tiêu diệt tổ lái bên trong.

Đức quốc xã từng bỏ ra rất nhiều tiền để chế tạo khẩu siêu pháo lớn nhất thế giới có tên Gustav. Nặng hơn 1.300 tấn, Gustav là loại pháo hoạt động trên đường ray xe lửa lớn nhất từng được con người chế tạo. Pháo Gustav có nòng dài hơn 30,4m, sử dụng đạn kích cỡ 787,4mm, dài 3,65m, đạt tầm bắn hiệu quả 32,1km. Đạn này có hai biến thể là đạn nổ nặng 5 tấn và đạn xuyên giáp nặng 7 tấn. Nhược điểm của vũ khí này là mất nhiều thời gian khai hỏa và cần đến hàng trăm binh sĩ triển khai do kích thước to lớn của vũ khí.

Một loại súng phun lửa đã được Đế Chế Byzantine sử dụng. Họ cho lắp ráp một loại vũ khí có tên “lửa Hy Lạp” vào các chiến hạm. Theo các ghi chép, lửa Hy Lạp được cho là có chứa hỗn hợp chất lỏng dễ bắt lửa gồm: dầu đốt, lưu huỳnh, vôi sống và một số nguyên liệu khác. Trong chiến trận, quân đội Byzantine sử dụng "lửa Hy Lạp" nhằm tạo ra một luồng lửa lớn dài tới cả chục mét khiến kẻ địch bị thương vong nặng nề.

Súng son môi là một khẩu súng nổi tiếng có mặt thời Chiến tranh Lạnh. Nhìn bề ngoài nó giống một cây son bình thường nhưng thực chất là một khẩu súng sử dụng đạn 4,5mm. Cơ quan tình báo Liên Xô KGB thiết kế và sản xuất súng son môi cho nữ điệp viên sử dụng trong những nhiệm vụ ám sát.

Súng Harmonica gây chú ý bởi hình dáng của nó tương tự một dụng cụ âm nhạc. Để sử dụng loại vũ khí đặc biệtnày, xạ thủ cần dùng tay để đẩy băng đạn nằm ngang trên thân súng. Người xạ thủ cần vô cùng khéo léo để viên đạn không nằm sai vị trí. Nếu viên đạn nằm sai vị trí thì việc nổ súng sẽ thổi bay những ngón tay của người siết cò.

Phóng to

Bom dơi do quân đội Mỹ phát triển để chống Đế quốc Nhật trong Thế chiến II. Từng quả bom chứa 40 con dơi đang ngủ đông. Mỗi con bị buộc với một quả bom Napalm nhỏ và thiết bị hẹn giờ. Sau khi ném từ máy bay, quả bom có hệ thống dù riêng đủ để tạo ra khoảng thời gian cho bầy dơi bay đến bất kỳ nơi nào chúng có thể đậu. Sau đó, bom gắn trên cơ thể con dơi sẽ phát nổ để phá hủy mục tiêu đó.

Hải quân Nhật sản xuất ngư lôi Kaiten và sử dụng từ năm 1944 đến 1945. Đây là loại thủy lôi có người lái, thuộc chương trình vũ khí tự sát mà Nhật Bản triển khai mạnh mẽ đến khi chiến tranh kết thúc. Sau khi phóng từ tàu ngầm, một thủy thủ sẽ điều khiển thủy lôi hướng về mục tiêu kẻ địch để gia tăng sức hủy diệt đến mức tối đa.

Tên lửa do bồ câu dẫn đường là dự án của nhà khoa học B.F.Skinner (Mỹ). Mỗi tên lửa sẽ gắn hệ thống thấu kính ở phía trước mũi để phản chiếu hình ảnh mục tiêu đến màn hình bên trong. Nhiệm vụ của bồ câu là mổ vào mục tiêu trên màn hình. Những cú mổ sẽ quyết định đường bay của tên lửa. Sau một thời gian nghiên cứu và thử nghiệm, Bộ Quốc phòng Mỹ quyết định hủy dự án do tính phi thực tế của nó.

Hoàng Anh (tổng hợp)

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/ky-quai-voi-nhung-thu-vu-khi-la-mat-nhat-tung-duoc-che-tao-229100/