Kỷ niệm của tôi và câu chuyện Poster phim

(TGĐA) - Trong nghệ thuật thiết kế đồ họa quảng cáo điện ảnh, mỗi poster cinéma thực sự là một bức tranh nghệ thuật. Thời kỳ trước năm 1954, để quảng cáo cho phim sắp chiếu, ngoài những đoạn annonce (quảng cáo) phim chiếu trước khi vào phim chính, các rạp chiếu bóng ở Hà Nội đều có poster như các phim Kingkong, Rashomon, Đồng lương khủng khiếp (Le Salaire de la peur), Hát dưới mưa (Singin’ in the rain), Cuốn theo chiều gió (Gone with the wind)….rất nghệ thuật.

(TGĐA) - Trong nghệ thuật thiết kế đồ họa quảng cáo điện ảnh, mỗi poster cinéma thực sự là một bức tranh nghệ thuật. Thời kỳ trước năm 1954, để quảng cáo cho phim sắp chiếu, ngoài những đoạn annonce (quảng cáo) phim chiếu trước khi vào phim chính, các rạp chiếu bóng ở Hà Nội đều có poster như các phim Kingkong, Rashomon, Đồng lương khủng khiếp (Le Salaire de la peur), Hát dưới mưa (Singin’ in the rain), Cuốn theo chiều gió (Gone with the wind)….rất nghệ thuật.

Sang thời bao cấp (trước năm 1975), tiền làm phim được bao cấp từ A-Z riêng kinh phí quảng cáo cho phim thì không có, điều này rất vô lý so với thế giới, vì vậy nghành đồ họa quảng cáo phim Việt Nam không phát triển. Làm xong phim, người ta chỉ chăm chăm lo khâu duyệt, nếu được lãnh đạo OK, phim giao cho phát hành coi như hết nhiệm vụ, không quan tâm tới chuyện phim phát hành ra sao, có bán được hay không vì mọi chi phí đã có tiền Nhà nước. Những đứa con tinh thần cứ thế tự trôi nổi mặc cho phát hành lo liệu. Tôi còn nhớ như in trước lúc lên đường dự Lễ kỉ niệm 30 năm ngành tư liệu phim Algérie vào năm 1984, Mối tình đầu là bộ phim được chọn, ngoài mấy chục hộp phim mang theo để chiếu, đoàn điện ảnh Việt Nam không hề có poster phim. Phát hành phim tức tốc làm ngay poster phim Mối tình đầu (The first love) chỉ sắp xếp các hình ảnh của Ba Duy, Diễm Hương, cố vấn Mỹ cho kín poster, dẫu sao đây cũng là poster phim đầu tiên của Việt Nam được sáng tạo có tính cách nghệ thuật nhất.

Poster phim Việt Nam thời bao cấp đều là bức tranh giới thiệu đầy đủ từ vai chính đến vai phụ. Họ quên mất rằng poster phim là sản phẩm nghệ thuật quan trọng của ngành đồ họa quảng cáo. Một poster phim phải bố cục chặt chẽ, chủ đề phim phải được thể hiện sắc nét, ý đồ đạo diễn phải được nhấn mạnh qua bàn tay tài năng của người họa sĩ đồ họa. Chẳng thế mà đạo diễn người Mỹ Stanley Kubrick đã nhấn mạnh: “Nghệ thuật poster phim là rút gọn thành một hình những gì đạo diễn đã thực hiện với 350.000 hình”.

Năm 1992 khi đi dự Liên hoan phim ba lục địa ở Nantes (Pháp), tôi không sao quên được tấm poster để trước rạp có in hình cây đèn thần vàng chóe đang phun khói thành hàng chữ “14e Festival des 3 continents”. Chúng ta đều biết mỗi lần sát tay vào cây đèn thần, thần đèn hiện lên và mọi điều ước sẽ được đáp ứng. Phải chăng kỳ Liên hoan này sẽ mang tới nhiều điều kỳ diệu trong sáng tạo nghệ thuật.

NSND Thế Anh

Để làm poster phim Mối tình đầu, ở Đức làm khác . Một tờ “One hundred dollars” được phóng to phủ kín poster, hai dòng chữ Die ester liebe (Mối tình đầu) màu đỏ và đen được gạch chéo, việc bán mình cho cố vấn Mỹ của Diễm Hương là sai lầm? Dẫn đến bi kịch mối tình đầu của Ba Duy.

Một chân dung của em bé Hà Nội được in đậm chính giữa poster, hai bàn tay của sĩ quan tên lửa bảo vệ em bé, trước mặt là bông hoa hồng, phía trên là dòng chữ Das Mādchen aus Hanoi (Em bé Hà Nội). Bố cục thật chặt chẽ đủ nói hộ đạo diễn cả bầu trời Hà Nội bảo vệ em bé mỗi lần giặc Mỹ đến gây tội ác.

Năm 1980, tôi lại may mắn mang phim đi chiếu tuần lễ phim Việt Nam ở CHDC Đức. Họ giúp ta làm lại poster, lá cờ đỏ sao vàng được phóng to xung quanh là hình những răng cưa phim, bên trên in đậm chữ “Tage des Films der Sozialistischen Republic Viet Nam”. Kỳ lạ thay, tấm poster rất phim đã hiện lên thật giản dị, trang trọng quảng bá Tuần lễ phim VN ở Đức.

Suốt thời gian ở Đức, mọi poster phim từ Mối tình đầu, Em bé Hà Nội, Không nơi ẩn nấp họ đều giúp ta làm lại khiến chất điện ảnh được nâng cao, rất đẹp, rất “cinéma”, khác xa các poster Việt Nam rất ấu trĩ và sơ sài.

Thời bao cấp có hai poster phim Việt Nam được coi là chất lượng nhất: Đường về quê mẹ (Bông sen vàng 1973) của họa sĩ Phạm Quang Vĩnh, và Không nơi ẩn nấp của họa sĩ Mai Long .

Trên nền màu đỏ, hàng chùm bom B52 đen ngòm trút xuống, phía dưới là chiến sĩ công binh Dư cầm máy bộ đàm gào lên “bán rồi, mua rồi” với nụ cười rạng rỡ. Bom càng rơi công binh càng sướng vì trận địa giả đã dụ được bom đạn địch trút xuống, nhấn được vẻ lạc quan Cách Mạng của bộ đội Việt Nam anh hùng. Họa sĩ Mai Long lại khắc họa bóng dáng biệt kích lúc ẩn lúc hiện trong rừng, trước mặt là chú bé chăn trâu thổi sáo, một tín hiệu rất đặc trưng của chiến tranh du kích Việt Nam, tiếng sáo vang xa báo hiệu có giặc tới.

Poster phim Điện Biên Phủ của đạo diễn Pierre Schoendoerffer rất cổ điển. Đặc trưng trận Điện Biên Phủ là Pháp sử dụng hàng đoàn máy bay Dakota tiếp viện đạn được, vũ khí và những sư đoàn tinh nhuệ cho tướng De Castrie. Vì vậy poster phim in hình chiếc máy bay Dakota đen ngòm, lũ lượt sĩ quan xếp hàng lên máy bay ra trận, phía dưới là hàng chữ Điện Biên Phủ màu trắng .

Năm 1997 trong lúc thực tập đạo diễn ở Pháp (Studio cirneá – Formation) tôi may mắn lại có dịp tham quan Viện bảo tàng Pháp trưng bày các poster phim nổi tiếng thế giới. Tôi như đắm chìm vào thế giới nghệ thuật thứ bảy muôn màu kỳ diệu .

Ấn tượng nhất với tôi là poster phim 37°2 le matin, được L’internaut – tạp chí điện tử có lượng truy cập lớn nhất nước Pháp chọn poster phim đẹp nhất của nghệ thuật thứ bảy. Phim do đạo diễn Jean Jacque Beinex chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Philippe Djian, công chiếu năm 1986. Poster phim thể hiện gương mặt đăm chiêu của nữ diễn viên chính Beatrice Dalle trên bầu trời rạng đông của một vùng đất xa lạ. Poster đã nhận giải Cezar 1987 dành cho poster xuất sắc nhất. Ngoài ra còn lọt vào top 10 bích chương các phim Manhattan, Apocalypse now, Hồi ký của một Geisha, Trân châu cảng, Grand Bleu, Star Wars, Dirty dancing, Pulp fiction Trainspotting.

Sự say mê nghiên cứu các poster điện ảnh thế giới càng làm cho tôi đắm chìm sâu hơn nữa vào “Thế giới nghệ thuật thứ bảy muôn màu kỳ diệu”.

NSND Thế Anh

Nguồn TGĐA: http://thegioidienanh.vn/index.php?catid=34:phia-sau-ong-kinh&id=5020:k-nim-ca-toi-va-cau-chuyn-poster-phim&Itemid=27&option=com_content&view=article