Kỷ niệm 40 năm Hiệp định Paris (27-1-1973/27-1-2013): Nhân tố quyết định thành công

Nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc đàm phán và việc ký kết Hiệp định Paris là đường lối ngoại giao tài tình từ chủ trương đường lối đến lựa chọn cán bộ do Bác Hồ và Bộ Chính trị, Ban Chấp hành trung ương Đảng đề ra. Xung quanh vấn đề này, ông Trịnh Ngọc Thái, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp, nguyên Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, nguyên thư ký của Bộ trưởng Xuân Thủy - Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đàm phán tại Hội nghị Paris về Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Đại đoàn kết.

Để chuẩn bị cho cục diện này, Đảng và Bác Hồ đã đề nghị cử ông Lê Đức Thọ làm Cố vấn đặc biệt và ký sắc lệnh cử Bộ trưởng Xuân Thủy làm Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông có thể nói rõ thêm về lý do tại sao lại có sự lựa chọn này?

Ông Trịnh Ngọc Thái: Quyết định như vậy bởi Bác biết rất rõ ông Lê Đức Thọ là người hết sức thẳng thắn và không khoan nhượng. Ông là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Hồi ấy, ông là người am hiểu tình hình chiến sự ở miền Nam hơn ai hết. Điều này có tác dụng rất quan trọng trong quá trình đàm phán theo tinh thần "vừa đánh vừa đàm”. Ông Xuân Thủy là người làm ngoại giao rất lâu năm, ngoài ra còn có khả năng thuyết phục mọi người rất tốt từ hồi làm công tác dân vận ở Mặt trận Tổ quốc. Những ngày bị Pháp bắt giam trong Nhà tù Sơn La, ông Xuân Thủy làm Chủ bút tờ báo Suối reo, sau làm Chủ nhiệm báo Cứu Quốc (tiền thân của báo Đại Đoàn Kết), là nhà thơ. Đến nay kiều bào ta bên đó vẫn còn rất nhớ đến ông. Còn nhớ trong suốt gần 6 tháng đầu đàm phán, ta chỉ duy nhất có một nội dung yêu cầu Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, rồi sau mới bàn đến các vấn đề khác. Vậy mà cứ mỗi phiên họp ông lại có một bài phát biểu mới, không bài nào trùng lặp bài nào, có dẫn chứng đầy đủ và rất thuyết phục vạch trần thủ đoạn xảo trá của đế quốc Mỹ đối với nhân dân ta. Từ đó, ta tranh thủ được bạn bè tiến bộ trên thế giới ủng hộ cuộc chiến tranh chính nghĩa của mình.

Vậy còn sự lựa chọn bà Nguyễn Thị Bình làm Trưởng đoàn thì sao, thưa ông?

- Bà Nguyễn Thị Bình là đảng viên lâu năm, nắm rất chắc tình hình chiến sự miền Nam và đường lối lãnh đạo của Đảng. Bà đã từng hoạt động rất sâu và rộng trong quần chúng nhân dân, để lại ấn tượng rất mạnh, đầy sức thuyết phục đối với khách quốc tế và dư luận, công luận trên thế giới. Bà còn là một phụ nữ hết sức sắc sảo mà mềm mỏng, được báo chí mệnh danh là "Nữ hoàng cộng sản”.

Lựa chọn ba người như vậy, Bác Hồ có ý để họ bổ sung cho nhau. Trước khi đi, Bác đã dặn dò cặn kẽ từng người một. Bác dặn phải có cố vấn quân sự để nắm chắc tình hình chiến sự để phối hợp đấu tranh trên bàn Hội nghị Paris, phải thận trọng, kiên trì, vững vàng nhưng khôn khéo khi đàm phán với Mỹ…

Sự chỉ đạo của Bác từ trong nước, theo ông có tác động thế nào đối với quá trình đàm phán của ta ở Paris?

Ở trong nước, Bác thường xuyên họp với Bộ Chính trị để nghe báo cáo tình hình chiến sự ở miền Nam và diễn biến của cuộc đấu tranh ngoại giao. Bác nhắc phải vạch trần luận điệu bịp bợm của Johnson, đập mạnh tuyên bố của chính quyền Sài Gòn. Bác tiếp khách quốc tế, trả lời phỏng vấn, viết thư, viết báo, ra lời kêu gọi đồng bào trong nước và nhân dân thế giới.. "Đế quốc Mỹ chán rồi, nhưng rút ra thế nào? Thua mà danh dự, đó là điều Mỹ muốn.” - Bác nói. Để chứng minh cho sự thất bại của Mỹ như nói trên, Bác viết trên báo Nhân dân ngày 10-6-1968: "Bốn trụ cột chiến tranh xâm lược thì bốn tướng Mỹ Harkin, Taylor, MacNamara và Westmolen đều đã thất bại mà sụp đổ”. Bác nói phải cảnh giác Mỹ vẫn có thể ném bom trở lại miền Bắc, nên ta phải chuẩn bị sẵn sàng và phải đẩy mạnh tuyên truyền ở Hội nghị Paris…

Hồ Chủ tịch đã qua đời, nhưng tư tưởng ngoại giao của Người vẫn tiếp tục tỏa sáng, soi đường cho chúng ta trong suốt quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Paris để đi đến thắng lợi cuối cùng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xin cảm ơn ông!

Ông Hà Đăng- Nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng -Văn hóa TƯ, thành viên đoàn đàm phán Paris về Việt Nam:

Nam - Bắc một nhà trên bàn đàm phán

Việt Nam vốn là một nước thống nhất. Sau thắng lợi trong chiến tranh chống Pháp, theo Hiệp định Geneve (1954), nước ta bị chia làm hai miền Nam, Bắc. Cho nên, tuy vẫn cùng một Đảng lãnh đạo nhưng ta lại phải chia ra làm hai: Đảng Lao động Việt Nam ở miền Bắc còn Đảng Nhân dân Cách mạng ở miền Nam. Tương tự như vậy, cùng là một chính phủ, một mặt trận, một quân đội, một đường lối ngoại giao… nhưng ta vẫn phải chia ra làm hai cho hai miền. Tuy hai nhưng vẫn là một. Lẽ ra nếu cuộc tổng tuyển cử được diễn ra đúng theo Hiệp định Geneve thì nước ta đã được thống nhất trở lại sau hai năm kể từ ngày Hiệp định được ký kết, nhưng điều này đã không diễn ra do Mỹ can thiệp quân sự vào miền Nam Việt Nam, phá hoại Hiệp định này, dựng nên chính quyền Sài Gòn, thành lập quốc gia riêng ở miền Nam Việt Nam. Cũng từ đó, khi tiến hành đàm phán ở Paris những năm sau đó, đã hình thành hai đoàn của Việt Nam từ hai miền Nam, Bắc cùng tham gia hội nghị 4 bên với Mỹ và ngụy Sài Gòn. Tuy là hai đoàn nhưng cũng vẫn chỉ là một.

Trong quá trình đàm phán, tuy nói là đoàn của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam nhưng cũng toàn là người của bên này thôi, gọi là người miền Nam nhưng phần lớn là cán bộ tập kết ra Bắc từ hồi năm 1954. Chỉ có ít người thuần túy ở miền Nam thì cũng là cán bộ của ta hoạt động ở trong đó rồi bị địch bắt, được giải thoát hồi tổng tiến công và nổi dậy năm 1968. Mỗi tuần Hội nghị Paris có một phiên họp vào ngày thứ năm. Sau mỗi phiên họp, hai đoàn ta lại họp với nhau tổng kết phiên họp vừa qua và rút kinh nghiệm và chuẩn bị cho những phiên họp tới. Bài phát biểu của hai đoàn cuối cùng đều được đưa qua anh Xuân Thủy và anh Lê Đức Thọ duyệt trước khi sử dụng.

Trần Ngọc Kha (ghi)

Trần Ngọc Kha

(Thực hiện)

[Kỷ niệm 40 năm Hiệp định Paris (27-1-1973 – 27-1-2013)]

[ Bước ngoặt 1972: Thành công của sự chỉ đạo chiến lược ]

[Thắng lợi của chủ trương "vừa đánh vừa đàm”]

[Những câu chuyện về Hội nghị Paris: ]

[Những câu chuyện về Hội nghị Paris: ]

[ Giai thoại về cái bàn đàm phán]

[Đảng Cộng sản Pháp và các cuộc đàm phán tại Paris]

["Suýt chết ngất !”]

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=60369&menu=1427&style=1