KỶ NIỆM 20 NĂM TP ĐÀ NẴNG TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG: - Thuận lòng dân...

Còn nhớ, tại lễ mít-tinh kỷ niệm 35 năm giải phóng thành phố Đà Nẵng vào ngày 29-3-2010, cố Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh từng nói...

Nhiều cây cầu mới qua sông Hàn, không chỉ nối những bờ vui mà còn đánh thức cả một vùng phía Đông rộng lớn. (Trong ảnh: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng lãnh đạo TP.Đà Nẵng thăm hỏi, động viên cán bộ, công nhân đang thi công cầu Rồng tháng 9-2013).

Khơi dậy sức mạnh đồng thuận

Những ngày này, Đà Nẵng bước vào thời gian đếm ngược đến ngày 1-1-2017 - mốc cực kỳ quan trọng đánh dấu tròn 20 năm thành phố trực thuộc Trung ương. Nhìn lại 20 năm qua, hẳn những người có trí tưởng tượng phong phú nhất, cũng sẽ phải ngỡ ngàng trước sự thay chuyển diệu kỳ, đáng khâm phục của thành phố nơi đầu biển cuối sông này. Có thể nói, cách đây 20 năm, ngày 1-1-1997 được xem như một cột mốc lịch sử vô cùng quan trọng, đánh dấu và mở ra thời cơ và vận hội mới, tiếp thêm sức mạnh để Đà Nẵng vững bước tiến vào cuộc bứt phá, trỗi dậy của mình. Nói như cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh tại lễ kỷ niệm 35 năm giải phóng thành phố, cũng là thời điểm sau 13 năm chia tách, nhờ đoàn kết nội bộ, đồng thuận trong xã hội, kế thừa những thành quả của các thời kỳ trước, Đảng bộ và nhân dân thành phố đã nỗ lực không ngừng, đạt được những thành tựu to lớn và tương đối toàn diện. “Trong những thành tựu đạt được, tốc độ đô thị hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị được xem là nổi bật nhất. Từ chỗ quay lưng với biển, chúng ta đã kiến thiết để Đà Nẵng có hai mặt tiền là biển và làm cho sông Hàn ngày càng đẹp hơn. Vận hành cùng nhịp thời gian hối hả, cả thành phố như một đại công trường, ở đó mỗi người dân, mỗi cán bộ, đảng viên đều hăng hái xây dựng, làm cho thành phố ngày càng thay da, đổi thịt, ngày càng xanh, sạch đẹp; diện mạo đô thị ngày càng đổi thay rõ nét”, đồng chí Nguyễn Bá Thanh từng khẳng định.

Nhớ lại thời kỳ đầu bắt tay vào công cuộc xây dựng và phát triển thành phố, ông Phan Viết Thông, Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy (lúc ấy là Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng - PV) cho rằng, có 2 khía cạnh cần đề cập. Đó là, về phía Trung ương, lãnh đạo thành phố đã mạnh dạn đề xuất và được Trung ương tạo nhiều cơ chế, chính sách để Đà Nẵng bứt phá đi lên. Ví như Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị, hướng Đà Nẵng trở thành đô thị động lực miền Trung - Tây Nguyên chẳng hạn. Thứ hai, là những người đứng đầu thành phố đã biết khai thác tiềm năng, thế mạnh, khơi dậy và huy động được các nguồn lực, nhất là nguồn lực trong dân, theo kiểu “Dễ trăm lần không dân cũng chịu; Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Theo ông Thông, từ cách tiếp cận này, thành phố đã tạo được dấu ấn rất lớn trong thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” và chủ trương “khai thác quỹ đất tạo vốn để phát triển cơ sở hạ tầng”. “Phương châm này cũng có nhiều khía cạnh, nhưng tạo được sự đồng thuận của dân là rất lớn. Phải nói, lãnh đạo của thành phố có một tư duy mới, khi đưa ra chủ trương hợp với lòng dân, người dân thấy có lợi cho bản thân và cho sự phát triển của thành phố, và chính cái lợi cho thành phố sẽ mang lại cái lợi cho bản thân mình thì họ không thể không đồng thuận”, ông Thông nhìn nhận.

Những cây cầu mới, cũng là biểu tượng mới của Đà Nẵng sau 20 năm trực thuộc Trung ương. Ảnh: Ngọc Hợi

Bài học vì dân là đầu tiên và muôn thuở

Chính sự đồng thuận này, mà chỉ sau một thời gian ngắn, tất cả các con đường nội thành khi mở rộng, nâng cấp, người dân đã tự nguyện hiến đất, thành phố không phải đền bù. Hàng ngàn căn hộ chung cư được xây dựng mới; hàng trăm kilômét đường giao thông mới được thảm nhựa; hàng chục khu dân cư mới ra đời. Từ Sơn Trà đến Điện Ngọc, dọc con đường ven biển là những khu du lịch cao cấp. Nhiều trường học, bệnh viện được xây mới khang trang. Nhiều cây cầu mới qua sông Hàn được xây dựng, không chỉ nối những bờ vui mà còn đánh thức cả một vùng phía Đông rộng lớn. Những xóm nhà chồ ở bờ Đông sông Hàn, những khu nhà ổ chuột ở Bàu Thạc Gián, những con đường làng nắng bụi, mưa lầy, những kiệt hẻm tối tăm, nhếch nhác đã lùi vào quá khứ. Tất cả đã và đang làm cho thành phố mỗi ngày một đẹp hơn và phục vụ thiết thực đời sống nhân dân. Tất cả đều thấm đẫm mồ hôi, công sức, đều gắn liền với sự chung tay, góp sức đầy sáng tạo, quên mình của người dân thành phố. Tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên bức tranh sống động, những dấu ấn tuyệt vời về một thành phố vừa có bề dày lịch sử, vừa năng động trẻ trung, giàu tiềm năng và triển vọng, đang vươn mình trỗi dậy...

Để có được sự đồng thuận lòng dân, ông Thông cho rằng không khó, quan trọng là cách làm, biết làm và làm vì đại cuộc. Với Đà Nẵng, lãnh đạo thành phố đã chủ động đối thoại với các tầng lớp nhân dân, lắng nghe và tìm cách giải quyết một cách tích cực, kịp thời những bức xúc đặt ra từ cuộc sống. Để xây dựng thành phố được như hôm nay, trên 110 ngàn hộ dân trong diện giải tỏa, di dời, dù còn đôi chút ít băn khoăn, trăn trở nhưng đã tự nguyện bàn giao mặt bằng cho các dự án, công trình. “Đó là một trong những thành công rất lớn, là minh chứng sống động, hùng hồn về sự tuyệt vời của lòng dân Đà Nẵng, làm nổi bật một hiện tượng đáng quý, đáng trân trọng ở Đà Nẵng trong suốt thời gian vừa qua, đó là: Đảng nói, dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động, dân theo; Chính quyền làm, dân ủng hộ”, ông Thông đúc kết.

Dẫu biết rằng, trong cái tiên phong, đi đầu, cái mới bao giờ cũng khó khăn, gian nan, vất vả. Nhưng nếu không có sự khó khăn, gian nan ấy thì liệu có được thành quả xứng đáng như ngày hôm nay. Sự táo bạo trong cách nghĩ, cách làm, biết làm và dám chịu trách nhiệm, trong phương châm đi tắt đón đầu; cách đối xử mang đậm tính nhân văn đối với nhân dân của lãnh đạo thành phố, sự đồng thuận cao của nhân dân là những thành công mà Đà Nẵng đã làm được trong những năm qua. Đó là những nhân tố quan trọng làm nên những kỳ tích Đà Nẵng anh hùng. Những thành quả đó chính là kết tinh của sự chung lưng đấu cật, sự cống hiến hết mình của các tầng lớp nhân dân thành phố. Từ các bậc cao niên đến các cháu nhi đồng; từ những người áo thợ đến bà con nông dân; từ đội ngũ trí thức, sinh viên, học sinh đến các doanh nhân; từ nhân dân các phường nội thành đến các xã vùng ven; từ các làng chài ven biển đến các bản thôn miền núi. Tất cả đã hiến dâng công của, sức lực, tâm huyết, tài năng, trí tuệ, lao động sáng tạo không ngừng vì tương lai tươi sáng của thành phố. Họ xứng đáng là tác giả và cũng là chủ nhân của những đổi thay diệu kỳ ấy.

Chúng tôi muốn nhắc lại lời của cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh, rằng “cái được lớn nhất của Đà Nẵng là được lòng dân”. Chính lòng dân ấy, chính sự đồng thuận ấy là nguồn lực mạnh mẽ ủng hộ, cổ vũ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố. Thêm một lần nữa khẳng định, bài học tin ở dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân, hết lòng vì dân là bài học đầu tiên và muôn thuở, là bài học của mọi lúc mọi nơi...

Doãn Hùng

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_158653_thua-n-lo-ng-dan.aspx