Kỷ niệm 195 năm Ngày sinh của Các Mác (5.5.1818 - 5.5.2013): Bác Hồ với Các Mác

(CATP) Trước khi vĩnh biệt đất nước và nhân dân, Bác Hồ đã gửi lại câu di ngôn đầy xúc động: “Tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin”. Hồ Chủ tịch là người học trò trung thành và lỗi lạc của chủ nghĩa Mác, là người Việt Nam đầu tiên có công to lớn góp phần du nhập, truyền bá học thuyết Mác vào cách mạng các nước phương Đông và triệt để vận dụng nó sát hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể trên đất nước ta với ý chí tiến công mạnh mẽ, đầy tính năng động và sáng tạo. Đây chính là cội nguồn, là nơi phát tích ra tư tưởng Hồ Chí Minh.

Ảnh Các Mác, Ăngghen và Lênin được Bác Hồ treo tại lớp huấn luyện chính trị ở thành phố Quảng Châu - Trung Quốc, từ năm 1925 đến năm 1927 (nguồn: tác giả bài viết chụp năm 2008)

Tuy cùng ra đời trong thế kỷ 19, nhưng Bác Hồ sinh sau Các Mác tới sáu con giáp. Các Mác sinh ngày 5-5-1818 tại Trèves - một thành phố nhỏ nằm trên bờ sông Môden của Đức. Còn Bác Hồ chào đời ngày 19-5-1890 ở vùng quê nghèo huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Khi Bác Hồ rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước, Các Mác đã qua đời 28 năm. Thế nhưng, dường như lịch sử đã có sự sắp đặt những điểm hẹn đẹp lạ lùng cho các danh nhân thời đại.

Nơi đầu tiên Các Mác đến sống lưu vong để hoạt động ở hải ngoại là thành phố Paris - “trái tim của cách mạng” thuở đương thời. Gia đình Các Mác cư ngụ sáu năm trong một căn nhà nhỏ ở phố Vannô bên tả ngạn sông Xen. Tại đây, Mác đã dốc sức nghiên cứu khoa học và hoạt động cách mạng rất sôi nổi. Tiếp bước theo con đường của Mác, 69 năm sau - vào cuối năm 1917, Bác Hồ tới “Thủ đô ánh sáng” của nước Pháp để tầm sư học đạo. Người cũng đã sống sáu năm ở Paris, trong một buồng chật hẹp tại số 9 ngõ Compoint. Ở đây, Bác đã hòa mình trong làn sóng đấu tranh chính trị của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Pháp, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp.

Một điều hết sức lý thú là, những năm tháng hoạt động trên đất Pháp, Bác Hồ có dịp được kết bạn với cháu ngoại Các Mác là Giăng Lôngghê. Giăng Lôngghê là con trai đầu lòng của Gienny - con gái cả của Mác, người đã từng gắn bó với phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân từ thuở thiếu thời. Cha của Giăng Lôngghê là Sáclơ Lôngghê - một nhà báo Pháp, Hội viên Hội Liên hiệp công nhân quốc tế và là chiến sĩ Công xã Paris.

Trong các cháu ngoại của Người, thời thơ ấu của Lôngghê đã được Các Mác yêu quý nhất. Ở Paris, Giăng Lôngghê hành nghề trạng sư và nhiều năm làm Tổng biên tập tờ báo Dân chúng (Le Populaire). Có thể nói, cùng với Gaxtông Môngmútsô, Giăng Lôngghê là người thầy trong việc trau dồi Pháp văn và bồi dưỡng nghệ thuật viết báo cho Bác Hồ. Một điều chắc chắn là, thông qua mối quan hệ tâm giao với Giăng Lôngghê, Bác Hồ đã có biết bao cơ hội để khai thác những tư liệu lịch sử vô cùng quý giá trong cuộc đời, thân thế và sự nghiệp hoạt động cách mạng vĩ đại của Các Mác.

Khi Các Mác bước lên vũ đài chính trị cùng với Ăngghen, hoàn cảnh lịch sử thời đó chưa cho phép giai cấp vô sản giành chính quyền tại chính quốc, cũng như chưa cho phép nhân dân các nước thuộc địa tổ chức khởi nghĩa thành công để lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân. Tuy nhiên, Mác và Ăngghen hết sức quan tâm nghiên cứu phong trào đấu tranh của các dân tộc thuộc địa, trong đó có đất nước ta. Trong nhiều trước tác lý luận nổi tiếng như: “Hệ tư tưởng Đức”, “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản”, bộ “Tư bản” cũng như trên báo chí và qua thư từ trao đổi với bạn bè, chúng ta thấy tên nước An Nam (cả Bắc kỳ và Nam kỳ) đã được Mác và Ăngghen nhắc tới.

Những di sản vô cùng quý giá của Các Mác và Ăngghen về vấn đề dân tộc và thuộc địa đã được V.Lênin phát triển rực rỡ trong “Luận cương về những vấn đề dân tộc và thuộc địa”. Khi được đọc toàn văn bản luận cương này đăng liên tiếp trên hai số báo Nhân đạo của Đảng Cộng sản Pháp năm 1920, Bác Hồ xúc động viết: “Luận cương đã làm cho tôi cảm động, phấn khởi và tin tưởng biết bao. Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng tối mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào đang bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta””.

Đó chính là ngày lịch sử mà Bác Hồ đã đến với Các Mác, với chủ nghĩa Mác - Lênin sau mười năm bôn ba đi tìm đường cứu nước.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=942&id=494413&mod=detnews&p=