KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH TỔNG BÍ THƯ LÊ DUẨN (7-4-1907 - 7-4-2017): - Quê hương thấm đẫm ân tình

'... Anh đang đứng giữa cánh đồng nứt nẻ

Nỗi khát khao cháy bỏng trong tim

Như nỗi lòng của người dân Triệu Hải

Mong nước về cho cuộc sống hồi sinh..."

(Trích bài thơ " Anh đang đứng giữa công trường", kỷ niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn đến thăm công trường Đại thủy nông Nam Thạch Hãn của tác giả Phạm Văn Sải, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 202 Bến Hải tham gia xây dựng công trình trên).

Bảy mươi chín tuổi đời, gần sáu mươi năm hoạt động cách mạng kiên cường, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn (1907 - 1986) đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng CNXH. Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí Lê Duẩn được ghi vào lịch sử vẻ vang của Đảng, của dân tộc với những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, đồng chí Lê Duẩn được nhân dân tôn kính. Đối với Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị, mặc dù thời gian trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo không nhiều nhưng đồng chí Lê Duẩn đã để lại nhiều dấu ấn đậm sâu, tạo bước ngoặt to lớn trên quê hương cách mạng kiên cường. Trong dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Tổng Bí thư Lê Duẩn, chúng tôi vô cùng xúc động được những người một thời dời núi, ngăn sông làm nên đại công trình thủy nông Nam Thạch Hãn chia sẻ về nhà lãnh đạo tài năng, tinh tế và là con người của tình thương, lẽ phải bằng tất cả nhớ thương và tự hào.

Tổng Bí thư Lê Duẩn, là hiện thân sinh động của một chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất,một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng ta (ảnh: Tư liệu).

Ông Phạm Văn Sải (80 tuổi, TT Cam Lộ, Quảng Trị) không giấu được xúc động khi được gợi nhắc về lần gặp Tổng Bí thư Lê Duẩn của gần 40 năm trước. Thời điểm đó, ông là Sư đoàn trưởng Sư 202 Bến Hải, là 1 trong 4 sư đoàn tham gia xây dựng công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn được đồng chí Lê Duẩn đến tận lán trại thăm và động viên khi đang thi công kênh chính dẫn nước về tưới mát cho vùng Triệu Phong - Hải Lăng - TX Quảng Trị sớm thoát cảnh khô cằn, nứt nẻ và biến vùng rộng lớn này thành vựa lúa của cả Bình Trị Thiên. Xin được nói thêm về công trình này, vào năm 1976, trong một lần về thăm quê hương Quảng Trị, Tổng Bí thư Lê Duẩn nghẹn ngào trước cảnh làng mạc bom đạn cày xới, ruộng đồng hoang khô, đời sống vô cùng khó khăn. Từ thực tế, đồng chí Tổng Bí thư nhận thấy phải xây dựng một công trình thủy lợi để phục vụ cho sản xuất, khai hoang phục hóa, xóa đói giảm nghèo là vấn đề cấp thiết đối với Quảng Trị. Sau gợi ý và đề xuất này của đồng chí Tổng Bí thư, Bộ ngành T.Ư tiến tới đầu tư xây dựng công trình Nam Thạch Hãn. Đây là công trình huy động lực lượng của toàn tỉnh Bình- Trị- Thiên, thanh niên độ tuổi từ 17 đến 30 và được tổ chức dưới hình thức quân sự hóa.

Mặc dù được khởi công từ tháng 3 - 1978 nhưng công tác chuẩn bị về lực lượng, nhân công... đã được khẩn trương triển khai suốt 1 năm ròng trước đó. Hàng vạn thanh niên của Bình-Trị-Thiên lúc bấy giờ xung phong vào xây dựng đại công trình không khác một chiến dịch tiến công. Do hoàn cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, công nhân, bộ đội, thanh niên xung phong lăn lộn trên công trường phải ăn độn khoai sắn, thiếu thốn trăm bề. Trong đó, Sư đoàn 202 Bến Hải mà ông Sải làm chỉ huy thường trực 2.500 người, có lúc lên 4.000 người. Gian nan, khổ cực không biết mấy mà kể, nhiều người cũng đã hy sinh ngay trên công trường nhưng không khí lao động hết sức sôi nổi. Sau bao nỗ lực vất vả, 1 đập chính, 7 đập phụ với cao trình trên 21m, 1 đập tràn rộng 135m cùng với hệ thống kênh chính dần hình thành. Nhà nhà đợi mong phép mầu thành hiện thực trên quê hương mình. Giai đoạn xây dựng đang trong cao điểm thì đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn một lần nữa về thăm quê. Thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến công trình này, đồng chí Lê Duẩn trực tiếp ra công trường kiểm tra tình hình và hỏi thăm, động viên các lực lượng. "Đó là năm 1981, bác thăm một đại đội của Sư Bến Hải khi đang thi công kênh chính tại H. Triệu Phong. Không chỉ hỏi thăm ân tình, lắng nghe những khó khăn, gian khổ, bác còn vào tận lán trại để tìm hiểu bếp ăn, chốn ngủ của thanh niên xung phong. Khi lật giở phần cơm của một tổ sản xuất đang để sẵn trên bàn, thấy 1 vò nước vối cùng khoai, sắn là chính, hoàn cảnh ấy khiến bác đã rưng rưng nghẹn ngào: "E không thể làm kịp...", ông Sải bồi hồi nhớ cảnh xúc động khó phai ấy.

Ngay ngày hôm sau, chương trình phát thanh của Sư đoàn Bến Hải đã chuyển tải về chuyến thăm của Tổng Bí thư cùng những lời chia sẻ chân thành. "Sự động viên quý giá ấy đã trở thành động lực lớn lao, giúp hàng ngàn thanh niên vượt qua khó khăn, nguy hiểm, đưa phong trào lao động sản xuất trên đại công trình rầm rộ hơn", ông Sải nhớ lại. Và ngay trong tập thơ Hương đồng nội của mình, ông Sải đã có những vần thơ da diết nhớ về Tổng Bí thư Lê Duẩn bằng tất cả sự yêu thương tôn kính như thế:

"...Tôi nhớ mãi một ngày hè nắng nhạt

Bóng anh dài in đậm dọc bờ kênh

Anh đang đem đến cho công trường

Một nguồn lực một niềm tin mới lạ"

Trích bài thơ "Anh đang đứng giữa công trường"

Còn ông Lê Văn Hoan- nguyên Bí thư H. Triệu Hải giai đoạn 1977 - 1983, có những năm tháng gắn bó với công trình Nam Thạch Hãn cũng dâng tràn nhớ thương về Tổng Bí thư Lê Duẩn. "Nhờ sự quan tâm động viên của Tổng Bí thư mà công trình sớm hoàn thành để đưa vào sử dụng, cả một vùng đất đổi thay từ đó", ông Hoan chia sẻ. Hồi nhớ của ông Hoan đưa chúng tôi trở về Triệu Phong - Hải Lăng lần nữa. Đứng trên con kênh Triệu Long (H. Triệu Phong), nước ào ào rộn rã, cụ ông Lê Thế Phương (75 tuổi) cứ xuýt xoa: "Sau khi hòa bình lập lại, cả vùng ni khô cằn, đói kém. Nhưng khi con nước đập Nam Thạch Hãn xuôi về, làng xóm đổi thay. Nhiều người di dân vào Nam trước đó cũng đã theo nhau về tái thiết quê hương. Bây chừ nhà báo thấy đó, Triệu Phong - Hải Lăng là vựa lúa, ấm no, tự hào lắm".

Chia sẻ thêm về tình hình KT - XH trên quê hương Tổng Bí thư Lê Duẩn, bà Nguyễn Triều Thương- Chủ tịch UBND H. Triệu Phong phấn khởi cho biết từ lợi thế hệ thống thủy lợi, nguồn nước dồi dào, quá trình sản xuất nông nghiệp của huyện ngày càng hiệu quả, tăng năng suất, đặc biệt là lúa chất lượng cao chiếm 80%, góp phần nâng cao giá trị nông sản. Đến nay, toàn huyện có gần 12 ngàn ha lúa, tăng hơn 300 ha so với năm ngoái. Ngoài ra, diện tích trồng hoa màu cũng được mở rộng, đưa sản lượng lương thực tăng thêm gần 3.500 tấn vào năm 2016. Nhà nhà phấn khởi, tin tưởng ủng hộ vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Những ngày tháng Tư này, về đâu trên quê hương Triệu Đông hay Triệu Thành, nơi đồng chí Lê Duẩn được sinh ra và lớn lên, càng cảm nhận rõ không khí náo nức hướng về 110 năm ngày sinh của người con xuất sắc của quê hương. Triệu Thành cũng là 1 trong 5 xã của H.Triệu Phong về đích nông thôn mới sớm và người dân coi thành quả này cũng là sự tri ân với những người đã cống hiến trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập cho đất nước, mà trong đó có người con ưu tú Lê Duẩn, là tấm gương kiên trung với ước mong cháy bỏng xây dựng nước ta thành một nước XHCN giàu mạnh, nhân dân no đủ, hạnh phúc, đời đời tỏa sáng trong lòng dân.

Bảo Hà

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_164292_que-huong-tha-m-da-m-an-ti-nh.aspx