Kỹ nghệ trò chuyện với con

Cuộc sống bận rộn khiến nhiều cha mẹ không còn thời gian quan tâm, chăm sóc con cái chu đáo. Không những thế, một số phụ huynh còn cảm thấy không có cả thời gian trò chuyện với con.

Ảnh minh họa

Hậu quả là, giữa cha mẹ và con cái sẽ hình thành một khoảng cách mà nhiều người cho rằng, đó là “khoảng cách thế hệ” do những khác biệt về nhận thức, suy nghĩ, sở thích... Mặt khác, khoảng cách về tâm lý theo lứa tuổi; về kiến thức văn hóa, kiến thức sư phạm; về văn hóa truyền thông như Internet, điện thoại di động... cũng góp phần tạo nên khoảng cách giữa phụ huynh và con trẻ.

Dần dần, nhiều bạn trẻ cảm thấy không thoải mái, tự nhiên khi trò chuyện với ba mẹ. Mỗi khi có chuyện buồn, gặp khó khăn, trở ngại hay vướng mắc trong cuộc sống... con cái ít tâm sự với cha mẹ mà thường tìm đến bạn bè để giải tỏa.

Một số ít, do không có bạn bè, không biết chia sẻ với ai nên cảm thấy bức xúc và bế tắc. Từ đó, dẫn đến những trở ngại về tâm lý theo hai xu hướng trái ngược nhau: Hoặc chán nản, buồn bã, trầm cảm... Hoặc ngược lại, trở nên phản kháng, nổi loạn, làm càn...

Ngoài ra, còn những nguyên nhân khác khiến con cái không thích nói chuyện với cha mẹ. Đầu tiên là việc nhiều phụ huynh đã không biết cách trò chuyện với con do tự cho mình cái quyền là “bề trên” chứ không phải là bạn, không tôn trọng khi đối thoại với con.

Nhà gần nhau nên tôi nhận thấy, cứ vào bữa cơm là hai đứa con nhà hàng xóm bưng 2 tô cơm đi đâu đó ăn chứ không ngồi vào mâm. Cô chị tên Mây thường ra ngồi ngoài hè. Còn thằng em tên Sơn bưng sang nhà bên cạnh. Có lần, tôi hỏi Mây lý do tại sao không ăn cùng ba mẹ cho vui.

Cô bé buồn bã nói: “Vui gì mà vui hả dì? Cứ đến bữa cơm là ba mẹ lại bắt đầu “mở máy”. Hết kể lể chuyện dạo này vật giá đắt đỏ đến chuyện làm lụng nuôi con vất vả, rồi quay sang càm ràm bản thân mệt mỏi, nhiếc móc con cái lười biếng, lôi những khuyết điểm từ hồi nảo hồi nào ra nói... Ngồi đó, làm sao tụi con ăn được?”.

Thành, đứa con trai 12 tuổi của chị Đông mỗi khi bị mẹ “chất vấn”: “Sao ngày nào cũng thấy các bạn con về từ hồi nào rồi mà con về trễ vậy? Lại chui vào hàng Net chơi điện tử phải không?”, thì Thành, hoặc làm như câm điếc, lẳng lặng bỏ vào nhà. Hoặc, nó nhăn mặt, đáp: “Con chơi hồi nào? Mẹ có thấy không mà nói?”. Hoặc: “Phải! Con chơi đó, thì sao nào? Học hoài cũng phải cho người ta thư giãn chứ!”. Chị Đông chỉ biết kêu trời: “Ai dạy mà nó hỗn hào quá! Mẹ nói câu nào, nó trả treo câu đó!”.

Riêng tôi biết rõ nguyên nhân việc Thành “trả treo” mẹ. Đó là do ngay từ khi Thành còn nhỏ, mỗi khi nó đi học về, chị Đông thường hỏi con: “Hôm nay được mấy điểm? Sao có chừng đó thôi? Tháng này đứng thứ mấy? Liệu mà học! Tháng sau mà không giỏi hơn thì đừng có về nhà nữa!”. Lúc đó Thành nghe vậy còn sợ. Nhưng lớn hơn, nó chai dần. Để tránh “chạm mặt” mẹ, tan học, Thành lang thang ngoài đường đến tối mịt.

Theo các chuyên gia tâm lý, để được con coi là bạn, để con có thể tâm sự, chia sẻ buồn vui, các bậc cha mẹ cũng cần phải học. Để xóa nhòa khoảng cách giữa cha mẹ và con cái, cha mẹ hãy tôn trọng con, yêu con đúng cách. Ngoài ra, phải dành thời gian cho con để chơi cùng con, lắng nghe và thấu hiểu con. Mặt khác, cần tạo môi trường tốt cho con phát triển bằng cách làm gương tốt cho con, tạo cho con một tổ ấm yêu thương.

Bên cạnh đó, khi nói chuyện với con, cha mẹ phải biết bỏ qua những lỗi lầm, đừng nhắc đi nhắc lại chuyện đã qua của con. Phải biết chấp nhận cá tính, tôn trọng những sở thích, cảm xúc của trẻ.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/ky-nghe-tro-chuyen-voi-con-post176792.html