Ký kết chương trình phối hợp năm 2010-2011

Tổng LĐLĐVN và Bộ LĐTBXH đã thống nhất để ký kết chương trình phối hợp công tác năm 2010-2011 bao gồm 7 nội dung.

Trong đó, chương trình quan tâm tới việc tăng cường phối hợp tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành tại các cơ sở, địa phương, các khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng kinh tế trọng điểm, đảm bảo thực thi nghiêm chính sách, pháp luật liên quan đến việc làm, đời sống của người lao động; đồng thời phối hợp hỗ trợ DN và người lao động nhằm duy trì SXKD, đảm bảo việc làm và thu nhập cho NLĐ. Ngày 25.6, tại Hà Nội, Tổng LĐLĐVN và Bộ LĐTBXH đã tiến hành họp liên tịch để kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện chương trình phối hợp công tác giữa hai bên năm 2009-2010 và thảo luận để ký kết chương trình phối hợp năm 2010-2011. Tham dự về phía Tổng LĐLĐVN có Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng; các phó chủ tịch: Nguyễn Hòa Bình, Hoàng Ngọc Thanh, Nguyễn Văn Ngàng, Mai Đức Chính, Nguyễn Thị Thu Hồng; các đồng chí trong Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN và lãnh đạo các ban chuyên môn của Tổng LĐLĐVN. Về phía Bộ LĐTBXH có Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân; các thứ trưởng: Nguyễn Thanh Hòa, Nguyễn Trọng Đàm và lãnh đạo các cục, vụ chức năng của bộ. Góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội Hai bên nhất trí cho rằng, việc thực hiện chương trình phối hợp công tác giữa Tổng LĐLĐVN và Bộ LĐTBXH năm 2009 - 2010 tiếp tục đi vào chiều sâu, mở rộng trên nhiều lĩnh vực, đạt được nhiều kết quả góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội và sự ổn định, phát triển chung của đất nước, nhất là trong thời gian nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi sau khủng hoảng tài chính thế giới. Hai bên đã phối hợp chặt chẽ, kịp thời trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Các văn bản đều đạt chất lượng, đúng tiến độ góp phần tháo gỡ những khó khăn cho DN, ổn định SX, đảm bảo việc làm, thu nhập cho NLĐ. Các lĩnh vực phối hợp liên ngành đặt ra năm 2009 được lựa chọn đúng trọng tâm và phù hợp như: Phối hợp tham gia nghiên cứu xây dựng, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện các chính sách, pháp luật LĐ; giải quyết tranh chấp LĐ, đình công; tăng cường quan hệ LĐ lành mạnh tại DN; nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ NLĐ bị mất việc, chính sách bảo hiểm thất nghiệp; thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm, các hoạt động nhân đạo từ thiện, phòng, chống tệ nạn xã hội... Hai bên đã phối hợp tốt trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, cũng như công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật của ngành tại cơ sở, giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và kịp thời phát hiện những phát sinh mới, những tồn tại phục vụ công tác hoạch định, xây dựng chính sách, pháp luật... Tuy nhiên, hai bên cũng thẳng thắn nhìn nhận những khuyết điểm, tồn tại trong việc thực hiện một số chương trình phối hợp. Đó là trong hoạt động phối hợp mới chỉ tập trung rõ nét ở cấp trung ương; bộ máy quản lý nhà nước về LĐ, biên chế CBCĐ ở cấp huyện chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao; một số văn bản hướng dẫn luật còn chưa kịp thời, khó thực hiện trên thực tế, các chế tài đảm bảo thực hiện nghiêm pháp luật LĐ còn chưa đủ mạnh... 7 chương trình phối hợp năm 2010-2011 Hai bên đã thảo luận và đi đến thống nhất để ký kết triển khai thực hiện 7 chương trình, nội dung phối hợp trong năm 2010-2011, trong đó nhấn mạnh đến việc tăng cường phối hợp tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành tại các cơ sở, địa phương, các KCN-KCX, vùng kinh tế trọng điểm, đảm bảo thực thi nghiêm chính sách, pháp luật liên quan đến việc làm, đời sống của người LĐ. Năm 2010 sẽ tập trung ưu tiên thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực ATVSLĐ, BHXH, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, lao động - tiền lương. Hai bên sẽ tăng cường kiểm tra việc sử dụng LĐ là người nước ngoài, sử dụng LĐ trên các công trình trọng điểm quốc gia; tình hình trả lương, thưởng trong các tập đoàn, TCty, DNNN... đồng thời phối hợp hỗ trợ DN và NLĐ nhằm duy trì SXKD, bảo đảm việc làm và thu nhập cho NLĐ. Tổng LĐLĐVN và Bộ LĐTBXH sẽ tham gia đề xuất với Chính phủ các giải pháp nhằm giải quyết thực trạng DN thiếu LĐ, trong khi NLĐ vẫn thiếu việc làm. Hai bên sẽ chỉ đạo các sở LĐTBXH phối hợp với LĐLĐ tỉnh, thành phố nắm bắt tình hình hoạt động của các DN, nhất là các DN gặp khó khăn để nắm chắc tình hình việc làm của NLĐ, từ đó có biện pháp hỗ trợ như điều chuyển NLĐ bị mất việc làm sang làm việc ở các DN có nhu cầu tuyển dụng; giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách đối với NLĐ bị mất việc làm nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Hai bên cũng sẽ tiếp tục phối hợp xây dựng, ban hành một số chính sách, luật pháp có liên quan tới DN, người LĐ và CĐ; phối hợp chặt chẽ hơn trong giải quyết các vấn đề về quan hệ LĐ; tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật LĐ, giải quyết tranh chấp LĐ, ATVSLĐ, dạy nghề, xuất khẩu LĐ, BHXH, bình đẳng giới... * Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng: Bức xúc lớn nhất của người LĐ và cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các cuộc tranh chấp LĐ và đình công chính là vấn đề tiền lương. Thực tế lương của người LĐ trong các DN FDI rất thấp, chỉ nhỉnh hơn mức lương tối thiểu từ 5-10%. Điều đó khiến cho đời sống của người LĐ rất khó khăn. Tổng LĐLĐVN và Bộ LĐTBXH cần phối hợp để tham mưu cho Chính phủ điều chỉnh các quy định về tiền lương, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát chế độ, chính sách về việc làm, tiền lương, BHXH... để đảm bảo đời sống người LĐ. * Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Kim Ngân: Căn cứ vào 18 nội dung kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, cần cụ thể hóa thành các nội dung cụ thể trong chương trình phối hợp của Bộ LĐTBXH và Tổng LĐLĐVN giai đoạn 2010-2011. Hai bên cũng tăng cường kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật LĐ trong khu vực kinh tế tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài về hợp đồng lao động, BHXH, bảo hộ lao động... kịp thời phát hiện những sai phạm, những vấn đề mới phát sinh để xử lý và điều chỉnh, phục vụ công tác hoạch định chính sách ở hai cơ quan.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/home/ky-ket-chuong-trinh-phoi-hop-nam-20102011/20106/189781.laodong