Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV: Quy định chặt chẽ hơn trình tự, thủ tục đấu giá tài sản

GD&TĐ - Ngày 24/10, Quốc hội họp toàn thể tại Hội trường nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật Đấu giá tài sản; thảo luận về dự án Luật này.

Ngăn chặn tình trạng “quân xanh, quân đỏ”

Theo Báo cáo giải trình, liên quan tới vấn đề xử lý vi phạm, hủy kết quả đấu giá, bồi thường thiệt hại (Chương VI), một số ý kiến đề nghị phải có các quy định chế tài chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, tránh gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến tính hợp pháp của tài sản đưa ra đấu giá, xử lý trách nhiệm những trường hợp tham gia đấu giá có hành vi vi phạm, người trúng đấu giá không nhận được tài sản.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp thu, chỉnh lý theo hướng quy định chặt chẽ hơn trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, tách bạch những vấn đề liên quan đến trước và sau khi tổ chức cuộc đấu giá như niêm yết việc đấu giá tài sản, đăng ký tham gia đấu giá, xác định giá khởi điểm, xử lý tiền đặt trước và chuyển quyền sở hữu tài sản...

UBTVQH bổ sung tại Khoản 4 Điều 72 quy định hủy kết quả đấu giá tài sản theo quyết định của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp đấu giá tài sản thuộc sở hữu Nhà nước khi có căn cứ về hành vi vi phạm trong quá trình tổ chức đấu giá tài sản.

Cần quy định trách nhiệm chính quyền địa phương bảo vệ phiên đấu giá

Sau phần trình bày báo cáo của Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp ý kiến về dự án Luật Đấu giá tài sản.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thu Trang (đoàn Nghệ An) đóng góp ý kiến về trình tự, thủ tục bán đấu giá. Đại biểu Trang đánh giá, dự thảo lần này có bước đột phá ngăn chặn thông đồng, dìm giá, quân xanh quân đỏ đang nhức nhối trong đấu giá tài sản hiện nay. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn phiên đấu giá, đại biểu Trang kiến nghị: Các buổi đấu giá, đặc biệt là các phiên đấu giá bất động sản đang bị chi phối bởi các đối tượng mà chúng ta gọi là “cò”; mặc dù không tham gia trực tiếp nhưng bằng mọi cách uy hiếp cơ quan đấu giá. Chính vì thế, cần phải quy định trách nhiệm cụ thể của chính quyền địa phương, lực lượng công an và các tổ chức trong việc bảo vệ phiên đấu giá nhất là những phiên đấu giá tài sản có giá trị lớn.

Về yêu cầu năng lực của đấu giá viên, theo đại biểu Quốc hội Phạm Quang Dũng (đoàn Nam Định), dự thảo Luật đã quy định đấu giá viên là cử nhân tài chính, ngân hàng… thì không nên quy định năm kinh nghiệm.

Đại biểu Dũng cũng cho rằng, Bộ Tư pháp nên ban hành phạm vi, nội dung đào tạo chứ không nên tập trung 6 tháng học lý thuyết để tránh lãng phí nguồn lực. Cải tiến được việc này cũng là tăng hiệu quả, hiệu suất của việc học tập. Không nhất thiết cứ phải ngồi 6 tháng học phần lý thuyết.

Về thực hành nghề tiêu chí 6 tháng với đấu giá viên, sát hạch qua thực hành, đại biểu Dũng đề nghị, mỗi học viên sau khi hoàn thành lý thuyết nên quy định tham gia điều hành đấu giá 100 hoặc 70 cuộc thì hiệu quả tốt hơn là việc quy định cứng thời gian 6 tháng.

Sau phần thảo luận của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Cũng trong ngày 24/10, Quốc hội nghe Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/ky-hop-thu-2-quoc-hoi-khoa-xiv-quy-dinh-chat-che-hon-trinh-tu-thu-tuc-dau-gia-tai-san-2469951-b.html