Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV: Cần xã hội hóa nhiều hơn lĩnh vực du lịch

GD&TĐ - Ngày 8/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Luật Du lịch (sửa đổi). Dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến lần này gồm 10 chương, 79 điều (bổ sung 56 điều, quy định mới 21 điều và giữ nguyên 2 điều).

Luật hiện hành bộc lộ hạn chế, bất cập

Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Qua hơn 10 năm thực hiện Luật Du lịch, tình hình kinh tế - xã hội nước ta cũng như tình hình thế giới có nhiều thay đổi. Việt Nam đã và đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Ngành Du lịch đã có bước chuyển biến quan trọng, tuy nhiên, sự phát triển của ngành Du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Nhiều vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn khiến cho Luật Du lịch hiện hành bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Đảng và Nhà nước ta có chính sách phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn.

Chủ trương này đòi hỏi ngành Du lịch trong thời gian tới phải có sự phát triển mạnh mẽ về quy mô cũng như chất lượng. Để đảm bảo thực hiện điều đó, cần xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng, cơ chế đặc thù, tạo động lực, môi trường thuận lợi thúc đẩy du lịch phát triển.

Bên cạnh đó, việc ban hành Hiến pháp năm 2013 đòi hỏi hệ thống pháp luật phải được rà soát và sửa đổi phù hợp. Trong những năm gần đây, nhiều văn bản pháp luật đã được sửa đổi và ban hành. Để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, việc sửa đổi Luật Du lịch là yêu cầu tất yếu khách quan.

Ngành Du lịch phải tự nuôi được mình

Đóng góp ý kiến về dự án Luật Du lịch, đại biểu Quốc hội Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an cho biết ông rất băn khoăn khi nói du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, ngân sách Nhà nước đầu tư rất nhiều nhưng tiền thu lại được thì không tương xứng.

Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng dù lượng du khách nước ngoài vào Việt Nam được coi là nhiều nhưng chỉ mới tính số lượng mà không chú ý đến chất lượng.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, với việc miễn visa, nhiều du khách nước ngoài coi Việt Nam như quê, làng xã của mình, thích vào lúc nào là vào.

Nhưng khi vào họ đã chuẩn bị hết một chương trình, các đơn vị ở Việt Nam không có ảnh hưởng gì… Bộ trưởng Tô Lâm dẫn chứng về sự thiếu hiệu quả của du lịch Việt:

“Ví dụ như Thái Lan, mặc dù giá người ta rất thấp nhưng không ai đi Thái Lan mà không mang theo ít nhất 500 - 1.000 USD, sang mua bán hàng hóa. Chứ sang Việt Nam họ chả mua được thứ gì, hàng hóa rất ít”.

Đại biểu Tô Lâm phân tích thêm: Chúng ta làm đường đến các khu du lịch rất tốt, để khuyến khích khách du lịch đi. Tất cả đều phải ngân sách Nhà nước bỏ ra nhưng nếu hạch toán lại kỹ lưỡng thì Nhà nước không thu lại được phần vốn đó.

Điện, đường Nhà nước đầu tư, khách nước ngoài vào sử dụng nhưng lại không thu được nhiều tiền. Chúng ta xây dựng môi trường trong lành, tôn tạo danh lam thắng cảnh phục vụ cho người Việt Nam thì được, nhưng người nước ngoài thì tất cả những việc đó phải đóng thuế. Công ty du lịch phải thu được…

Thượng tướng Tô Lâm đề nghị cần phải xã hội hóa nhiều hơn nữa trên lĩnh vực du lịch. Ông cho rằng các công ty du lịch lẽ ra phải đóng thuế, ngành Du lịch phải tự nuôi được mình và phải đóng thuế, xây dựng lại cơ cở hạ tầng thì hiện đang được miễn giảm nhiều, rồi có cả quỹ bình ổn du lịch.

Trong ngày 8/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/ky-hop-thu-2-quoc-hoi-khoa-xiv-can-xa-hoi-hoa-nhieu-hon-linh-vuc-du-lich-2537987-b.html