Ký hợp đồng thời vụ có được đóng BHXH?

Khoản 1, Điều 2 Luật BHXH 2014 quy định đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc gồm: Người làm việc HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng…

Ảnh minh họa - Nguồn: IE

Facebook T.H hỏi: NLĐ ký hợp đồng thời vụ có được DN đóng BHXH không?

Luật sư Lại Xuân Cường - Văn phòng luật sư Quốc Thái, Đoàn luật sư TP. Hà Nội trả lời: Khoản 1, Điều 2 Luật BHXH 2014 quy định đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc gồm: Người làm việc HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa NSDLĐ với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động; Căn cứ theo các quy định trên, nếu DN có ký HĐLĐ với NLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng… thì DN phải đóng BHXH cho NLĐ. Trường hợp người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng thì DN hiện nay chưa phải đóng BHXH cho NLĐ. Tuy nhiên đến ngày 1.1.2018 NLĐ phải bắt buộc đóng BHXH.

Bạn đọc có số điện thoại 054389xxx gọi đến đường dây nóng của Văn phòng TVPL Báo Lao Động phản ánh: Bạn bị bệnh, phải nghỉ điều trị dài hạn 30 ngày. Nay bạn tiếp tục phải điều trị thêm 5 ngày thì có được chế độ ốm đau không?

Văn phòng TVPL Báo Lao Động trả lời: Điều 26 Luật BHXH quy định về thời gian hưởng chế độ ốm đau như sau:

1. Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với NLĐ quy định tại các điểm a, b, c, d, và h khoản 1, Điều 2 của luật này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau: a) Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;

b) Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐTBXH, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

2. NLĐ nghỉ việc do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau: Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hằng tuần; hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau quy định tại điểm a khoản này mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH.

3. Thời gian hưởng chế độ ốm đau đối với NLĐ quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 2 của luật này căn cứ vào thời gian điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

Căn cứ vào các quy định nêu trên, bạn có thể tính được ngày được hưởng chế độ ốm đau của mình tùy thuộc vào số năm đã đóng BHXH và điều kiện làm việc. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý, trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định thì không được hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại Điều 25 Luật BHXH.

Hãy liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19008088 để nhận được câu trả lời nhanh chóng kịp thời hoặc gửi email cho chúng tôi: tuvanphapluat@laodong.com.vn hoặc đến 51 Hàng Bồ, HN và 39 Trương Định, P6, Q3, TPHCM vào thứ 3, thứ 6 hàng tuần để được tư vấn trực tiếp.

Q.Hùng - N.Dương (ghi)

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/tu-van-phap-luat/ky-hop-dong-thoi-vu-co-duoc-dong-bhxh-594532.bld