Ký hợp đồng lao động 3 tháng trở lên phải đóng BHXH

Thời gian qua, nhiều bạn đọc đang làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp đã gửi đến trang Lao động – Việc làm Báo SGGP nhiều thắc mắc liên quan đến chính sách và pháp luật lao động. Chúng tôi đã chuyển câu hỏi đến Sở LĐTB-XH TPHCM và được bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - Tiền công giải đáp như sau:

° Hỏi: Doanh nghiệp chúng tôi sử dụng 9 lao động thường xuyên, ký hợp đồng trả lương khoán thì có phải đăng ký đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) hay không? (Nguyễn Đình Long, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh). ° Bà NGUYỄN THỊ DÂN: Theo quy định của pháp luật lao động hiện hành, doanh nghiệp có sử dụng lao động làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên và HĐLĐ không xác định thời hạn thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc. ° Công ty có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với người lao động đang điều trị bệnh hay không? (Nguyễn Thanh Thủy, quận Bình Tân). ° Trường hợp của anh được quy định tại Điều 38 Bộ luật Lao động đã sửa đổi, bổ sung năm 2002 nêu rõ: Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ nếu người lao động làm theo HĐLĐ không xác định thời hạn ốm đau đã điều trị 12 tháng liền; người lao động làm theo HĐLĐ xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng ốm đau đã điều trị sáu tháng liền và người lao động làm theo HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng ốm đau đã điều trị quá nửa thời hạn HĐLĐ mà khả năng lao động chưa hồi phục. Khi sức khỏe của người lao động bình phục thì được xem xét để giao kết tiếp HĐLĐ. ° Tôi được ký hợp đồng thử việc 1 năm, sau đó được ký HĐLĐ lần 2 thời hạn 1 năm. Thế nhưng lần ký HĐLĐ thứ 3 cũng chỉ được ký với thời hạn 1 năm. Cho tôi hỏi cơ quan tôi tiếp tục ký HĐLĐ như thế có đúng luật không? Thời gian ký hợp đồng thử việc thời hạn 1 năm có đúng không? (Nguyễn Thị Chung, phường 15, quận Tân Bình). ° Theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Lao động, điều 7 Nghị định 44/2003/NĐ-CP ngày 9-5-2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về HĐLĐ, thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng không được quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên; không được quá 30 ngày đối với chức danh nghề cần trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ; không được quá 6 ngày đối với những lao động khác. Do đó, việc doanh nghiệp ký hợp đồng thử việc một năm đối với chị là không đúng với các quy định pháp luật đã nêu. Theo quy định tại khoản 2 điều 27 Bộ luật Lao động, khi HĐLĐ có xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận ký HĐLĐ mới là HĐLĐ thời hạn thì chỉ được ký thêm một thời hạn không quá 36 tháng. Sau đó nếu người lao động tiếp tục làm việc thì phải ký HĐLĐ không xác định thời hạn. HỒ VIỆT ghi

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/chinhtri/2010/9/236905/