Kỷ cương - Động lực của cải cách hành chính

Với Hà Nội, năm 2013 đã từng, và giờ - năm 2017 tiếp tục được xác định là "Năm kỷ cương hành chính".

"Kỷ cương hành chính" là vấn đề không mới. Bởi đơn giản, đây là những quy định, chế tài bắt buộc phải có để tạo ra và duy trì trật tự của một bộ máy hành chính.

Điều tưởng hiển nhiên, vấn đề không mới, nhưng thực tiễn phát triển và những nhiệm vụ mới lại đang đặt ra nhiều câu hỏi mới cần giải đáp.

Trước hết là có gì mới trong năm kỷ cương thứ 2 này ở Hà Nội?

So sánh nội dung Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 3-2-2017 với Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 4-1-2013 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội dễ thấy ngay cái mới đầu tiên là tính cụ thể, sâu sắc, quyết liệt được nâng cao hơn rất nhiều.

Cụ thể là ở chỗ, 4 nội dung chính - rà soát quy định, sắp xếp tổ chức bộ máy, trách nhiệm mỗi cá nhân trong bộ máy hành chính, tổ chức thực hiện - đều có những quy định rất chi tiết.

Ảnh minh họa

Ví dụ như những yêu cầu: "Cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, công vụ phải tuân thủ trật tự và thứ bậc hành chính, đúng thẩm quyền; thực hiện đúng, đủ chức trách và nhiệm vụ được giao, không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công; không đùn đẩy né tránh trách nhiệm...";

Hoặc: "Yêu cầu từng cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị căn cứ vị trí việc làm và nhiệm vụ phân công phải xây dựng kế hoạch công tác cụ thể cho tuần, tháng, quý, năm, báo cáo thủ trưởng đơn vị để quản lý, theo dõi, chỉ đạo, giám sát"...

Sâu sắc là bởi lần này, yêu cầu đối với cán bộ, công chức, viên chức không chỉ ngắn gọn về thực hiện "có trách nhiệm, nghiêm túc, đầy đủ các quy định của cơ quan về kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí", mà được cập nhật, cụ thể hóa chi tiết hơn với những quy định mới của Bộ Chính trị về vai trò nêu gương cũng như quy tắc ứng xử của thành phố mới ban hành.

Tính quyết liệt mới về kỷ cương hành chính 2017 có thể hình dung rõ hơn qua việc quy định sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm và gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ này với đánh giá chất lượng cán bộ trong bộ máy.

Đặc biệt, nếu soi chiếu thêm nội dung của "Kế hoạch siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đổi mới lề lối, phong cách làm việc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức Hà Nội" sắp ban hành sẽ còn thấy thêm nhiều điểm mới khác vừa sắc về lý, vừa sâu về tình.

Tại sao phải siết chặt kỷ cương hành chính?

Câu trả lời ở đây không gì khác chính là xuất phát từ mục tiêu của công tác cải cách hành chính nhằm làm cho hệ thống hành chính trở nên hiệu quả hơn, phục vụ dân tốt hơn.

Cải cách hành chính gắn liền với ba trụ cột: Thủ tục hành chính, chất lượng đội ngũ nhân sự và mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; nhưng suy cho cùng, đều liên quan tới yếu tố con người.

Cán bộ, công chức, viên chức có trung thực và "chí công vô tư" - thì thủ tục hành chính ban hành ra mới thật sự vì dân, mang lại lợi ích cho nhân dân, chứ không phải để "hành dân".

Mỗi cá nhân trong bộ máy hành chính có thật sự "cần, kiệm, liêm, chính" và "dĩ công vi thượng"... thì mới có động lực vượt lên "cái tôi" bản năng để thật sự là "công bộc" của dân, góp phần biến cơ quan công quyền thành "ngôi nhà ấm áp" của dân.

Vẫn không là ai khác, nếu họ chịu khó học tập, thì mới có thể có đủ trình độ về công nghệ thông tin để tham gia vào quản lý, vận hành và khai thác một "chính quyền điện tử" thông thoáng, thuận tiện, hiệu quả và là xu thế tất yếu hiện nay.

Bởi thế, bộ máy hành chính mạnh và hiệu quả chắc chắn sẽ tự "hất văng" ra khỏi nó những nhân sự yếu kém về chuyên môn, vô kỷ luật, thiếu đạo đức...

Hà Nội cần kỷ cương hành chính đến mức nào?

Sự cần thiết đó có thể ví như cần nước để uống và không khí để thở.

Mức độ cần thiết bắt nguồn từ chính những gì mà thành phố đã có và sẽ phải có. Trước hết, đó là trách nhiệm trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị do Đảng, Nhà nước giao cho.

Hà Nội đã và đang quyết liệt cải cách toàn diện nền hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ. Hàng loạt biện pháp nhằm tập trung gỡ khó cho sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo ở các doanh nghiệp mới... được thành phố triển khai.

Và kết quả thu về rất tích cực: Năm 2015 Hà Nội có 18.340 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Năm 2016, con số đó là hơn 23.000, tăng 19% so với năm 2015.

Ba tháng đầu năm 2017, ước có thêm 5.800 doanh nghiệp mới thành lập, tăng 12% so với cùng kỳ. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội cũng được cải thiện đáng kể: Năm 2015 xếp thứ 24/63, tăng 2 bậc so với năm trước; năm 2016 xếp thứ 14, tăng thêm 10 bậc và lần đầu tiên lọt vào nhóm có chất lượng điều hành tốt.

Nhu cầu kỷ cương hành chính ở Hà Nội còn xuất phát từ việc khắc phục cho được những hạn chế đang trì néo để bứt phá phát triển nhanh, bền vững hơn nữa.

Đó là chuyện vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa thật sự hết mình với công việc, thậm chí đó là công việc lớn, trọng tâm. Đơn cử như việc thành phố đang quyết liệt lập lại trật tự đô thị, vẫn còn có những cấp ủy, chính quyền chưa trách nhiệm cao, chỉ đổ lỗi cho người dân nhiều hơn là thẳng thắn với hạn chế của mình trong lãnh đạo, quản lý đô thị.

Đó là chuyện trong 10 chỉ số đo lường kết quả PCI năm 2016, tuy Hà Nội đã vượt được mức của 5 chỉ tiêu, nhưng ở 5 chỉ số còn lại, thành phố hoàn toàn có thể làm để đạt kết quả tốt hơn.

Có kỷ cương hành chính tốt chắc chắn sẽ thúc đẩy sửa nhanh những hạn chế, yếu kém trong bộ máy.

Với bề dày truyền thống nghìn năm văn hiến, siết chặt kỷ cương hành chính còn là việc làm tất yếu để gìn giữ và phát huy truyền thống đó của Hà Nội.

Kỷ cương không có nghĩa chỉ dừng ở ban hành những hệ thống văn bản với hàng loạt điều quy định, với rất nhiều khẩu hiệu, bảng thông báo..., mà "thước đo" hiệu quả thật sự nằm ở chính sự tự giác và trách nhiệm cao của mỗi con người trước công việc được giao, trong ứng xử đầy nhân văn mang đậm nét riêng truyền thống Thăng Long - Hà Nội trong cơ quan, ở gia đình, ngoài xã hội.

Xây dựng và duy trì kỷ cương hành chính ở Hà Nội cũng phải hướng tới và đạt cho được mục tiêu lớn nhất đó.

Kỷ cương - động lực của cải cách hành chính!

Long Hà/ Hanoimoi

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn/ky-cuong---dong-luc-cua-cai-cach-hanh-chinh_n20950.html