Kỳ cuối: Xe buýt sẽ được “yêu” nhiều hơn?

(PL&XH) - Điểm dừng chân cuối cùng hành trình trên xe buýt của chúng tôi là trụ sở TCty Vận tải Hà Nội (Transerco). Ông Nguyễn Trọng Thông, Phó TGĐ đã sẵn sàng cho một cuộc phỏng vấn.

Thưa ông, hỏi điều này nhiều khả năng ông sẽ trả lời "có" nhưng vẫn xin hỏi: Nếu là cán bộ viên chức bình thường, ông có chọn xe buýt thời điểm này để đi làm không?

Có phương tiện vận chuyển hành khách công cộng nào vừa rẻ, vừa tránh được mưa nắng lại an toàn hơn xe buýt nhỉ?

Vậy lý giải sao khi hành khách đi xe buýt chiếm 80% là sinh viên?

Đối tượng là học sinh, sinh viên được ưu tiên mua giá rẻ hơn (vé liên tuyến 50.000 đồng/tháng; vé 1 tuyến 25.000 đồng/tháng). Còn cán bộ công nhân viên chức vẫn có thói quen đi làm chủ yếu bằng xe máy để dễ giải quyết những việc riêng, hoặc việc chung cần đi ra ngoài nhiều. Tuy nhiên, tôi tin rằng thời gian tới tỷ lệ cán bộ công nhân viên chức đi làm bằng xe buýt sẽ nhiều hơn.

Ông Nguyễn Trọng Thông: Hy vọng trong thời gian tới, cán bộ công nhân viên sẽ đi làm bằng xe buýt nhiều hơn.

Thực tế xe buýt hiện đang quá tải, nhất là những giờ cao điểm, như Transerco thừa nhận: Xe 80 chỗ phải chở 200 người. Vậy có là nghịch lý không khi năng lực vận chuyển của xe buýt chưa đáp ứng được nhu cầu mà ta vẫn kêu gọi mọi người đi xe buýt?

Chưa ở đâu mà xe buýt không đông vào giờ cao điểm. Nếu ta đến Quảng Châu, Thượng Hải (TQ) hay Hàn Quốc vào giờ cao điểm thì xe buýt thậm chí không đóng được cửa. Vào giờ đấy, ai cũng muốn đi, ai cũng muốn về nhà sớm thì đông là bình thường nên việc kêu gọi nhân dân sử dụng phương tiện công cộng nói chung và trước mắt là xe buýt là hoàn toàn phù hợp nhằm giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường và tiết kiệm chi phí xã hội.

Năm 2001 bình quân 1 xe buýt chỉ vận chuyển 119 hành khách/ngày, năm 2005 là 1095 hành khách, hiện tại là 1152 hành khách, đã chạm ngưỡng tối đa. Hệ số sử dụng sức chứa đạt bình quân toàn mạng là 80%. Đây là mức rất cao (Singapore cũng chỉ đạt 50-55%). Giờ cao điểm hệ số sử dụng sức chứa của xe buýt càng cao hơn (bình quân là 140%), đặc biệt ở các tuyến trục hành lang lên gần 200%.

Có ít nhất 3 điều mà người đi xe buýt đang sợ, thứ nhất: Chậm giờ. Thứ 2: Nạn trộm cắp, móc túi. Thứ 3: Chất lượng phương tiện kém và thái độ phục vụ của lái, phụ xe chưa tốt. Họ sợ vậy có đúng không, thưa ông?

Theo kết quả điều tra xã hội học giá vé xe buýt hiện nay là quá rẻ, 26% số người được hỏi đánh giá chất lượng dịch vụ xe buýt là tốt; 65% đánh giá bình thường, chỉ có 8% đánh giá kém và 1% đánh giá là rất kém. Nguyên nhân người dân chưa đi xe buýt như sau: 65% do chờ lâu; 16% do mức độ phục vụ kém, 10% do đi bộ xa, 5% do tệ nạn và 4% là do lái xe ẩu.

Kết quả thống kê qua hệ thống GPS của Transerco cho thấy: Do ảnh hưởng của ùn tắc giao thông nên thời gian chạy xe của các tuyến đặc biệt là vào giờ cao điểm có những lượt xe bị muộn tới 30-40 phút dẫn đến lượng khách tăng cục bộ xe không đón được hết khách vì trên xe quá đông. (đối với tháng 8 bình quân muộn 10,5 phút/ lượt thì tháng 9 là muộn 13,5 phút/ lượt).

Thời gian qua có một số lái, phụ xe vi phạm nghiêm trọng qui định của Transerco trong phục vụ hành khách. Chúng tôi đã nghiêm khắc kiểm điểm và có lái xe đã bị đuổi việc. Hiện Transerco có mấy ngàn lái xe, tuy những sự việc trên không nhiều nhưng cũng không thể chấp nhận được.

Đầu tháng 11, một số xí nghiệp của Transerco sẽ mở lớp đào tạo lại nghiệp vụ cho lái, phụ xe buýt vi phạm 2-3 lỗi trong vòng 6 tháng. Đích thân lãnh đạo sẽ đứng lớp để nhắc lại quy chế cho cán bộ, nhân viên. Thông qua việc đào tạo lại, Transerco muốn tuyên truyền sâu hơn ý thức phục vụ hành khách cho lái, phụ xe. Bên cạnh đó chúng tôi sẽ trình chiếu các clip mẫu để nêu gương, động viên và đưa ra những hình ảnh chưa đẹp để chính lái, phụ xe xem lỗi, tự nhận xét và rút ra bài học.

Nhiều ý kiến cho rằng với hơn 900 đầu xe hoạt động trên hơn 50 tuyến, xe buýt là một trong những nguyên nhân gây tắc đường, ông có đồng quan điểm không, vì sao?

Kết quả điều tra khảo sát cho thấy tỷ lệ chiếm dụng đường của xe buýt trên một số tuyến phố chính chỉ từ 4-12% nhưng vận chuyển 12-24% lượng khách. Nếu chỉ tính trên 6 trục đường chính (Nguyễn Văn Cừ, Ngã Tư Sở, Cầu Giấy, Giải Phóng, Phạm Văn Đồng, Trần Duy Hưng) sử dụng loại xe buýt trung bình và lớn đã giảm được trên 100.000 xe máy tham gia giao thông trong 1 giờ cao điểm.

Khảo sát trên 27 đoạn đường thường xuyên xảy ra ùn tắc ở Hà Nội thì chỉ có 7 đoạn có tần suất chạy xe buýt cao, trong khi đó 20 điểm, đoạn còn lại thường xuyên ùn tắc thì xe buýt đang vận hành dưới tiêu chuẩn cho phép. Như vậy không có cơ sở thực tiễn để nói xe buýt là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông

Có những xe buýt (nhất là chạy về các huyện) vẫn còn tình trạng phụ xe "bắt", "bán" khách, ông có biết điều đó không?

Transerco không có hiện tượng này. Hiện nay có nhiều xe buýt nhái hoạt động giống thương hiệu xe buýt kế cận để hoạt động. CSGT đã vào cuộc và bắt được trong thời gian vừa qua.

Dù còn có những hạn chế nhất định, nhưng không thể phủ nhận Transerco đã làm khá tốt trong việc vận chuyển, con số 400 triệu lượt hành khách được vận chuyển mỗi năm đã nói điều đó. Tuy nhiên để vận chuyển thêm nhiều các đối tượng hành khách khác như cán bộ , công nhân viên, theo ông cần có những điều kiện nào?

Vấn đề này tôi xin đưa ra một số giải pháp trước mắt như sau: Thứ nhất, bố trí thời gian làm việc giữa các cơ quan, trường học, cửa hàng, siêu thị… lệch nhau khoảng 60 phút để giãn bớt căng thẳng giờ cao điểm như đề xuất của Sở GTVT.

Thứ hai, tổ chức làn ưu tiên cho xe buýt bên phải đường và tách với dòng ôtô, xe máy (nếu chiều rộng đường cho phép). Cho xe buýt có thể chạy phía bên phải và trong làn xe máy, xe thô sơ (TP HCM đã thực hiện) để khi vào đón trả khách không cắt dòng với các phương tiện khác.

Thứ 3: Tăng tần suất chạy xe trên các tuyến giờ cao điểm phục vụ 15 phút/chuyến lên 10 phút/chuyến và các tuyến buýt thường xuyên bị muộn giờ. Phát triển mới loại hình micro buýt (sức chứa 12 - 16 hành khách) để gom khách từ các khu tập trung dân cư đường hẹp ra tuyến chính. Mở mới các tuyến buýt đến các khu vực Hà Nội mở rộng hiện còn “trắng” về xe buýt.

Có 3 giải pháp chống ùn tắc giao thông đang được đặt ra, thứ nhất: Cấm xe ô tô vào một số tuyến phố giờ cao điểm. Thứ 2: Thay đổi giờ làm việc của cán bộ và giờ học của học sinh. Thứ 3: Dẹp ngay hàng quán, điểm trông giữ xe trên vỉa hè và dưới lòng đường để người đi bộ đi trên vỉa hè, lòng đường chỉ dành cho các phương tiện tham gia giao thông. Theo ông phương án nào khả thi nhất, vì sao?

Chúng ta phải triển khai đồng bộ, song song thì ùn tắc giao thông mới giảm.

Xin trân trọng cảm ơn ông!
H.Sơn- H. Vượng

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20111101092921787p1001c1049/ky-cuoi-xe-buyt-se-duoc-yeu-nhieu-hon.htm