Kỳ bí hang động 30 triệu năm phát ánh sáng xanh

Đây là hang động 30 triệu năm tuổi có hiện tượng thiên nhiên đẹp ngỡ ngàng mà không một nơi nào khác trên thế giới có.

Nằm sâu dưới lòng đất ở North Island của New Zealand có một hang động đá vôi to lớn phát ánh sáng màu xanh kỳ lạ như ánh đèn neon. Những hình ảnh này không khỏi khiến bạn ngỡ mình đang bước vào một hang động gì đó của loài tiên kì bí và đầy phép thuật, nhưng không phải, những hang này hoàn toàn có thật.

Điều đầu tiên đập vào mắt du khách khi bước vào hang Ruakuri là ánh sáng lấp lánh của hàng nghìn con đom đóm.

“Khi đèn pha vụt tắt, những gì bạn có thể thấy là ánh sáng huyền ảo từ đom đóm. Lúc đó, bạn có cảm giác như bước vào thế giới trong bộ phim viễn tưởng Avatar”, nhiếp ảnh gia Jeffers miêu tả về hang động Ruakuri.

Những bức ảnh tuyệt đẹp trong hang động này được nhiếp ảnh gia Joseph Michael dành hàng giờ liền chờ đợi để chụp được khoảnh khắc rực rỡ nhất.

Đây là ánh sáng được phát ra từ loài ấu trùng chỉ có tại New Zealand và phía đông Australia.

Có thể thấy, phía trên hang động, loài đom đóm này trú ngụ rất nhiều, mỗi một nhóm gồm cả hàng trăm con tụ tập với nhau.

Đom đóm có tên khoa học là arachnocampa luminosa. Arachnocampa có nghĩa là "bọ nhện", nhằm chỉ tới công cụ mà loài sinh vật này dùng để bắt mồi – mạng nhện.

Loài vật này đã trú ngụ ở đây từ rất lâu. Chúng phát ra ánh sáng để thu hút các loài côn trùng nhằm tìm kiếm thức ăn. Vào mùa sinh sản là lúc hang động rực rỡ nhất khi các con đực và con cái thi nhau tỏa sáng để thu hút bạn tình.

Đom đóm chủ yếu hoạt động về đêm, nhiều du khách ví rằng khi ngẩng đầu lên trần hang động không khác gì đang ngắm nhìn bầu trời đầy sao.

Vẻ đẹp của loài đom đóm rất ngắn ngủi. Chúng chỉ sống trong khoảng thời gian đủ để giao phối và đẻ trứng. Một con đom đóm cái đẻ khoảng 130 trứng và chết ngay sau đó. Khoảng ba tuần sau, trứng nở thành ấu trùng. Giai đoạn ấu trùng chiếm phần lớn thời gian trong vòng đời của con đom đóm, kéo dài khoảng 6-12 tháng. Ấu trùng có thân mềm, ngoại trừ phần vỏ đầu. Khi chúng lớn hơn lớp vỏ này, ấu trùng bắt đầu lột xác. Quá trình này diễn ra liên tục trong vòng đời của nó.

Tuy phát sáng là bản năng tự nhiên của chúng nhưng nếu thấy có động, đom đóm có thể tắt chức năng phát quang. Trong môi trường có ánh đuốc, khói, côn trùng khác…, chúng liền "tắt nguồn" khoảng 15 phút.

Theo Ngoisao

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/xa-hoi/du-lich/201611/ky-bi-hang-dong-30-trieu-nam-phat-anh-sang-xanh-2755699/