Kỳ bí hải trình tàu sân bay Mỹ: Thuyết âm mưu sau sự cố có 1-0-2

Tàu sân bay Mỹ được cho là đến Triều Tiên, song thực tế lại tới Australia tập trận chung. Sau hành trình bí hiểm, lại có thông tin tàu sân bay Mỹ sẽ đến Triều Tiên tháng 4. Vì sao có hải trình này?

Liên quan đến hành tung “bí ẩn” của tàu sân bay USS Carl Vinson, trong khi Nhà Trắng xác nhận Mỹ đã gửi đội tàu sân bay tấn công USS Carl Vinson tới bán đảo Triều Tiên, thì trên thực tế, đội tàu này lại đi về hướng ngược lại để tham gia vào cuộc diễn tập chung với Australia trên Ấn Độ Dương, cách bán đảo Triều Tiên hơn 5.600 km.

Hiện đội tàu sân bay tấn công USS Carl Vinson lại được cho là đang trên đường tới bán đảo Triều Tiên.

Trong khi Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer khẳng định tàu Carl Vinson đang thực hiện nhiệm vụ tại biển Nhật Bản. “Cụm tàu sân bay của Mỹ đã áp sát, răn đe Triều Tiên”, ông Sean Spicer nhấn mạnh.

Ngược lại lúc đó, trang quân sự Defense News đăng tải hình ảnh tàu Carl Vinson đang di chuyển qua eo biển Sunda, nằm giữa đảo Java và Sumatra của Indonesia, cách Triều Tiên hàng nghìn km.

Trước yêu cầu xác minh thông tin, Nhà Trắng lên tiếng thanh minh, họ chỉ dựa vào những báo cáo được bộ Quốc phòng cung cấp. Nhà Trắng cho rằng, đây là hậu quả của một chuỗi sai sót của phía quân đội, yêu cầu các phóng viên tìm gặp đại diện Lầu Năm Góc để biết thêm thông tin.

Phát ngôn viên Michael Short trả lời chung chung và lảng tránh câu hỏi: "Sean (thư ký báo chí Sean Spicer) có nhắc đến một lần khi được hỏi và mọi thứ đều đúng quy trình".

Tổng thống Donald Trump

Quan trọng hơn thông tin tàu sân bay Mỹ tiến về bán đảo Triều Tiên tràn ngập trên các phương tiện truyền (dù sự thực không như vậy). Thậm chí, người phát ngôn Nhà Trắng Spicer và cố vấn an ninh quốc gia McMaster đều công khai trả lời dư luận về sự kiện này, vậy mà các quan chức Lầu Năm Góc lại không hề lên tiếng đính chính thông tin?

Có rất nhiều điểm nghi vấn trong câu chuyện nhầm lẫn tưởng chừng không thể xảy ra này. Bởi chính động thái điều tàu sân bay tới Bình Nhưỡng đã đẩy tình hình bán đảo Triều Tiên căng thẳng hơn bao giờ hết.

Theo nhiều nhà phân tích, Hiến pháp Mỹ quy định, Tổng thống đóng vai trò Tổng tư lệnh các lượng lượng vũ trang Hoa Kỳ, ông cũng là người lãnh đạo tổng thể về mặt quân sự của nước Mỹ. Nhưng tại sao một vấn đề đối ngoại quân sự quan trọng như vậy mà Tổng thống Donald Trump và các quan chức Nhà Trắng lại để xảy ra sai sót “nhầm lẫn thông tin” ?

Ngoài ra cũng có một giả thuyết khác mà giới phân tích chỉ ra, người đứng đầu Nhà Trắng đã biết rõ hoạt động của tàu Carl Vinson, nhưng ông vẫn sử dụng nó như một "đòn nắn gân" nhằm ngăn Triều Tiên thử hạt nhân lần 6 trong dịp kỷ niệm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jame Mattis

Bình luận về sự cố có 1-0-2 này, Ian Storey, chuyên gia an ninh người Singapore cho hay: “Tôi nghĩ các nước bị sốc về thông tin này. Nhà Trắng và lãnh đạo cơ quan quốc phòng có thể chưa thông suốt với nhau trong quá trình điều động tàu này”. Ông Ian nhấn mạnh thêm "đây rõ ràng là một điều lạ".

Sau khi báo chí Mỹ đưa tin về hành tung “bí ẩn” của tàu sân bay Carl Vinson, các đồng minh của Mỹ né tránh bình luận về diễn biến này. "Chúng tôi không có gì để nói về hoạt động của phía Mỹ", một quan chức quân sự Hàn Quốc nói.

Phía Nhật Bản cũng từ chối lên tiếng. Người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng không trả lời khi câu hỏi này được nêu ra trong cuộc họp báo thường kỳ.

Phương Anh

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/noi-bo-nha-trang-co-van-de-sau-cau-chuyen-co-1-0-2-ve-tau-sau-bay-my-a322900.html