Kỳ bí đằng sau chuyện rà phế liệu được hũ vàng

Mấy ngày gần đây người dân Đà Nẵng mà đặc biệt là người dân ở các tổ từ 34 đến 37, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, Tp. Đà Nẵng đi đâu, ngồi đâu cũng rỉ tai nhau câu chuyện người rà phế liệu được hũ vàng. Câu chuyện vì thế trở thành đề tài “nóng”, cũng từ đó nhiều câu chuyện về vàng, nơi có vàng và hậu được vàng cũng được người dân kể lại khá ly kỳ…

Câu chuyện được vàng

Nơi phát hiện có hũ vàng là khu đất đang được đặt móng của chị Nguyễn Thị Thùy Trang, thuộc tổ 34, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ. Theo những người dân sinh sống lâu năm ở đây cho hay, nơi này vốn xưa kia là nghĩa địa của dân trong làng. Xen kẽ trong đó có một số ngôi mộ được xây bằng vôi hoặc đá ong. Sau khi có kế hoạch di dời mồ mả rồi giải tỏa để xây dựng khu dân cư mới, nơi đây đã có một số ngôi mộ bị chìm lấp sâu trong lòng đất.

Khoảng 8h, ngày 14-4-2012, đang ngồi uống cà phê cùng anh Hoàng Tuấn Dũng, anh Huỳnh Bá Hoàng (SN 1960 - Tổ trưởng tổ dân phố 34) thấy có người rà phế liệu đến vị trí nói trên, anh Hoàng mới nói rằng, trước kia nơi mảnh đất này có một ngôi mộ xây bằng đá ong nhưng chưa có ai đào. Trong trí nhớ của anh Hoàng, tại các ngôi mộ như thế nhiều người khi đào xuống đều được vàng. Nói xong anh Hoàng cùng anh Dũng đến vị trí người rà phế liệu xem thử.

Hũ vàng và vị trí nơi tìm thấy hũ vàng.

Khi hai người đến nơi cũng là lúc người đàn ông rà phế liệu dùng cuốc đào lên nắp đồng. Nắp đồng này gồm 5 lớp (mỗi lớp dày khoảng 4mm) đều đã bị ôxy hóa. Nhát đào tiếp theo của anh đã làm chiếc hũ phía dưới đó bị vỡ. Thấy vậy anh Hoàng và anh Dũng đã ngồi xuống hốt giúp cho người rà phế liệu trong lúc anh này dùng bao rác của mình mang theo để đựng những thứ vừa có được. Số kim loại có được bao gồm nhiều hình bằng lá, màu vàng nhạt trông giống lá bồ đề, ngoài viền răng cưa và bao gồm nhiều lá khác nhau được sắp xếp từ nhỏ đến lớn. Lá to nhất khoảng bằng nửa bàn tay, lá nhỏ nhất bằng đầu ngón tay, có hoa văn và chữ đẹp mắt. Bên cạnh đó có một số vật khác có màu đà xám chất liệu bằng sứ: 3 ấm uống nước có kích thước: cao 8cm; đường kính 8cm, dày khoảng 4mm. Kèm theo mỗi ấm là 3 chén uống nước và 3 đĩa. Ngoài ra, còn còn có dây chuyền đã bị đứt, một nhẫn có gắn 2 viên đá hình chữ nhật to khoảng bằng hạt bắp (một màu xanh và một màu đỏ), một vỏ con ốc hình xoắn dài.

Khi hốt xong số kim loại nói trên, người rà phế liệu đưa cho anh Hoàng và anh Dũng một số lá kim loại nhưng hai người từ chối và chỉ giữ lại 1 lá kim loại cùng 1 ấm và 3 chén (trong đó có 1 chén bị vỡ phần đáy) sau đó giao cho người khác cất giữ.

Sau chừng 20 phút, người đàn ông gom gần như toàn bộ số hiện vật lên xe cub78 và mất hút. Người đàn ông đó đã đi, một số người dân xung quanh mới mang tấm kim loại đó ra đốt thử thì miếng kim loại chỉ bị ố đen. Để biết chính xác đó có phải là vàng hay không, anh Hoàng và ông Định mang đến hiệu vàng Trữ (ở chợ Cẩm Lệ) nhờ kiểm tra. Kết quả được xác định từ anh Phạm Minh Tùng sau khi nấu lá kim loại khoảng 8 x 6 cm ra được một chấm vàng pha với màu trắng bạc, nhưng khối lượng chỉ còn khoảng một nửa móng tay út. Khẳng định đó là loại vàng 2 - 3 tuổi, chủ tiệm vàng Trữ đã trả cho hai người 500.000 đồng. Ngay sau đó nhiều người dân biết chuyện đã cùng nhau gom các mảnh vụn còn sót lại đem đi bán được số tiền hơn 10 triệu đồng.

Theo một số chủ tiệm vàng cho biết, đây là loại vàng Hời từ xưa của người Chăm, trước đây thi thoảng người dân đào được cũng đem bán. Tuy nhiên cho đến nay cũng đã khá lâu mới có lại loại vàng này. Số vàng được phát lộ lần này được đựng trong hũ có dung tích khoảng 10 lít, nặng từ 7 đến 10kg (chiếc hũ hiện nay do anh Nguyễn Muông - trú tại tổ 35, phường Hòa Thọ Đông cất giữ, mặc dù nó không còn nguyên vẹn).

Vàng “Gò Theo”…

Theo lời kể của những bậc bô lão trong làng, Gò Theo ngày xưa là một quả đồi hoang vu, xung quanh ruộng lầy. Do giao thông cách trở, hơn nữa đất tại đây là đất cát vàng, không có hệ thống thủy lợi nên rất khó canh tác. Vì thế, cuộc sống người dân vô cùng vất vả. Những năm trước thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Nhà nước đã mở một con đường vào đất Gò Theo để xây dựng Xí nghiệp Giày da và cơ quan VKSND Hòa Vang, cũng từ đó đời sống người dân cũng dần thay đổi. Ông Đoàn Hoài (SN 1935), cho biết: Khi ông bà đến định cư tại đất Gò Theo đã phát hiện có nhiều ngôi mộ được xây bằng vôi nhưng không biết chủ nhân của nó là ai. Gò Theo là tên gọi của người xưa đặt cho vùng đất có tứ cận: phía đông giáp xứ đất Bắc Thuận, phía bắc giáp Đông Phước, phía Tây giáp QL1A, phía Nam giáp thôn Phong Bắc (nay là các tổ 34 đến 37, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, Tp. Đà Nẵng). Tại vùng đất Gò Theo, người dân đã hơn 4 lần được vàng theo hình thức này.

Một số người dân nơi đây cho biết thêm, vẫn còn một số kho báu chưa được phát hiện vì trên vùng đất này có nhiều ngôi mộ cổ được xây dựng bằng chất liệu đá ong như ngôi mộ vừa đào được hũ vàng. Để “chắc chắn” hơn, có người đã kỳ công đến thầy để nghe thầy “phán”. Chị H. người trực tiếp đi “cậy thầy” được thầy cho biết: ở Gò Theo còn 2 hũ vàng nữa. Nhưng tuyệt nhiên trong năm Thìn này chưa thể tìm được… Từ đó nhiều người đã quả quyết điều thầy “phán” là “trúng”, vì ngôi mộ cổ trong vườn nhà ông T. chưa có ai khai quật. Thế là mọi người lại có… cơ hội được vàng.

“Được vàng thì mạt, được bạc thì hên”?...

Không biết câu nói từ xưa của ông cha có đúng hay không nhưng thực tế đằng sau mỗi lần người dân được vàng lại có những câu chuyện kể ra có phần kỳ bí.

Câu chuyện gần nhất và rõ ràng nhất đối với những người có mặt tại nơi hũ vàng phát lộ vẫn không thể tin rằng ông Đ. đột nhiên bị tai biến phải nhập viện. Sự việc trên sao lại trùng lặp đến vậy? Theo lời kể của một số người dân ở đây, khi ông Đ. chở anh Hoàng đến hiệu vàng Trữ bán miếng vàng được 500.000 đồng, biết rõ số cổ vật vừa tìm được là vàng nên ông Đ. nảy sinh lòng tham. Suốt quá trình chở anh Hoàng về, ông Đ. cứ luôn tìm cách bỏ anh Hoàng với mục đích đi lấy chiếc bình cùng 3 chén uống nước. Cũng không hiểu được ý định của ông Đ. nên anh Hoàng vô tư đồng ý xuống xe. Sau khi ông Đ. lấy được chiếc bình và 3 chén uống nước thì cũng là lúc điện thoại của ông luôn trong tình trang “ngoài vùng phủ sóng”.

Anh Huỳnh Bá Hoàng (người trực tiếp cầm lá vàng lớn nhất trong số lá vàng trong hũ ngày hôm đó) mô tả cùng PV kích thước ví bằng ngọn lá trầu trên tay anh.

Người dân biết chuyện bực mình, liên tục gọi vào điện thoại di động, sau 2 giờ đồng hồ kiên trì thì nhận được tin từ người nhà của ông là ông đang cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng vì bị tai biến mạch máu não. Để kiểm chứng thông tin trên, người dân đã đến tại bệnh viện thì quả thực ông Đ. đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng với căn bệnh nói trên. Từ sự việc này nhiều người cho rằng đó là quả báo vì lòng tham ở ông Đ. quá lớn. Rằng ông bị mắc bùa, mắc ngải của người xưa yểm vào trong số cổ vật trên trước khi chôn cất.

Chúng tôi tìm hiểu thêm những câu chuyện hậu được vàng và nghe anh Nguyễn Lực (SN 1960), trú tổ 15, phường Hòa Thọ Đông cho biết: Khoảng năm 1989, trong thôn có 3 anh em tên H., L., N. (là anh em trong họ). Cuộc sống quá cơ cực, suốt ngày lam lũ vẫn chỉ làm bạn với cái nghèo nên đánh liều đi đào trộm những ngôi mộ xây bằng vôi để lấy đồ tùy táng đem bán. Lần đó cho dù cố công đào bới nhưng 3 người cũng chỉ tìm được một tấm bia ghi bằng chữ Hán. Sau khi nhờ người thông dịch, họ đã tìm thấy kho báu được chôn trong một ngôi mộ nằm cách đấy khoảng 300m về hướng Đông bắc. Sau khi đào được ngôi mộ đó cuộc sống gia đình của 3 người khấm khá lên rất nhiều, song tỷ lệ với nó là tình cảm giữa họ không được như xưa, con cái của họ trở nên hư hỏng rồi không lâu sau đó gia đình họ lại trở về con số không, cuối cùng phải bỏ đi biệt xứ. Hay câu chuyện của hai người nay đã là quá cố đó là anh em anh H. và anh P. khi tìm được vàng cũng là một câu chuyện buồn. Sau nhiều ngày đào trộm mộ, hai người chẳng kiếm tìm được thứ gì ngoài kim tĩnh (quách) bằng đá. Chán nản nhưng vẫn không nguôi hy vọng, cuối cùng hai người cũng tìm được một hũ vàng được chôn phía dưới kim tĩnh khoảng 20cm. Và kết quả sau đó chính là một cuộc sống “vàng son” nhưng ngắn ngủi bởi anh P. đã qua đời không lâu sau đó bởi tai nạn. Rồi cả câu chuyện ông N. trong một lần dọn vườn, trồng rau vô tình bắt gặp một hoa chuối bằng vàng cũng được người dân nhớ đến. Trên đường đi làm về, ông N. bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não nên mất sức lao động vĩnh viễn…

Có lẽ những cái kết không hậu từ việc được vàng trong những ngôi mộ cổ đã hằn sâu trong tâm trí của nhiều người. Song trên thực tế thì cho dù cái kết có như thế nào đi chăng nữa, mỗi lần hay tin có người được vàng, nhiều người lại nuôi hy vọng, lại tìm cách để vận may đó đến với mình… Điều đó không xấu nhưng vô tình khiến cuộc sống của nhiều người dân vốn bình yên nay trở nên dậy sóng và trên hết nó ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Đó phải chăng chính là những hệ lụy đằng sau cái sự được và mất ở đời…

Mạnh Cường

Nguồn Công Lý: http://congly.com.vn/ky-bi-dang-sau-chuyen-ra-phe-lieu-duoc-hu-vang-c1047n20120417182209390p0.htm