'Kỳ án' chìm tàu Cần Giờ, lạm dụng tạm đình chỉ để kéo dài án oan

Vụ tai nạn giao thông đường thủy xảy ra ngày 2.8.2013 tại Cần Giờ, TPHCM đã gần ba năm nhưng cơ quan tố tụng TPHCM vẫn “án binh bất động” làm cho dư luận thêm nghi ngờ về việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động tố tụng của Cơ quan điều tra.

Hay tin ông Tấn "Xin Chào" được minh oan, bị can Vũ Văn Đảo (bên trái ảnh) đã tìm đến để chia sẻ.

33 tháng không kết thúc được vụ án TNGT

Vụ tai nạn chìm cano Cần Giờ được Cơ quan tố tụng TPHCM gọi là vụ án “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” và hai bị can trong vụ án này là ông Vũ Văn Đảo và ông Đinh Văn Quyết bị khởi tố với cùng tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” theo Điều 214 BLHS.

Theo quy định tại Điều 119 BLTTHS thì thời hạn điều tra vụ án này là 4 tháng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra, vậy tại sao vụ án (được khởi tố từ ngày 4.9.2013) kéo dài đến nay đã 33 tháng (gấp hơn 8 lần thời hạn luật định) nhưng Cơ quan điều tra vẫn không chịu kết thúc điều tra vụ án??? Một vụ án giao thông nguyên nhân tai nạn đã được xác định, chủ phương tiện cũng rõ ràng, tàu cũng đã được đăng kiểm, Cơ quan CSĐT CA TP HCM cũng là lực lượng lớn nhất cả nước, vậy tại sao lại để kéo dài đến ba năm không kết thúc được? Luật pháp có cho phép kéo dài hoạt động tố tụng đến như vậy không?

Vụ án này đã được rất nhiều các chuyên gia pháp luật, các cơ quan tổ chức nghiên cứu pháp luật phân tích, mổ sẻ và chỉ ra hàng loạt các sai phạm về tố tụng trong hoạt động khởi tố, điều tra. Ngay từ đầu cơ quan tố tụng đã mắc sai lầm là khởi tố người sản xuất phương tiện – ông Vũ Văn Đảo, khi biết sai lại không sửa sai ngay mà cố ép cho người sản xuất phương tiện phải có tội, tư duy chứng minh tội phạm không dựa trên luật pháp mà dùng quyền lực để áp đặt ý chí buộc người đã lỡ bị khởi tố, tạm giam rồi phải có tội để không bị mang tiếng làm sai.

Vụ án này có cơ hội để đình chỉ sau 12 tháng nhưng Cơ quan điều tra lại “bỏ lỡ” khi hết thời hạn điều tra không chứng minh được tội phạm thay vì đình chỉ thì Cơ quan điều tra lại cố tình vi phạm thời hạn để đưa ra Bản kết luận điều tra trái pháp luật làm cho vụ án tiếp tục kéo dài, dư luận thêm bức xúc.

Hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người lao động Cty Việt Séc gặp khó khăn do Giám đốc Cty Vũ Văn Đảo bị CA TPHCM khởi tố.

Vụ án càng kéo dài thì các sai phạm trong hoạt động tố tụng càng bộc lộ rõ

Mặc dù không chứng minh được ông Đảo, ông Quyết có hành vi “điều động” theo quyết định khởi tố bị can nhưng lại ép cho ông Đảo hành vi “sai phạm” về sản xuất phương tiện và bán tàu thuyền cho lực lượng vũ trang, rõ ràng hai hành vi này chẳng liên quan gì đến nhau.

Tiếc rằng, người có thẩm quyền của Viện KSND TPHCM cũng biết rõ Bản kết luận điều tra của Cơ quan điều tra không chứng minh được hành vi “điều động cano” nhưng Cáo trạng lại vẫn cứ cho là hai ông này có hành vi “điều động cano không bảo đảm an toàn” trong khi cano BP 12-04-02 của Biên phòng đã được Cơ quan có thẩm quyền cấp đăng kiểm cho phép đưa vào hoạt động.

Sai này nối tiếp sai kia, và Tòa án khi xem xét hồ sơ đã không thể đưa vụ án ra xét xử, quyết định trả hồ sơ của Tòa án cũng đã chỉ rõ không có căn cứ buộc tội ông Đảo, ông Quyết. Chuyên gia pháp luật cho rằng quyết định trả hồ sơ của Tòa là để “dĩ hòa vi quý” với Viện chứ nếu đưa vụ án ra xét xử thì buộc phải tuyên bị can vô tội, thế nhưng Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra lại vẫn không chịu nhận ra điều này. Một tư duy ăn sâu vào cơ quan tố tụng “đã khởi tố rồi là phải có tội”, đây cũng là một trong các lý do làm cho vụ án kéo dài, hồ sơ trả tới, trả lui, bị can và gia đình thì ấm ức.

Đợi đến khi Tòa án trả hồ sơ lần thứ hai, Cơ quan điều tra lại tiếp tục “câu giờ” bằng “kỹ thuật” tạm đình chỉ để kéo dài vụ án với lý do chờ trưng cầu giám định tư pháp. Theo quy định tại Điều 160 BLTTHS về tạm đình chỉ thì Cơ quan điều tra chỉ được tạm đình chỉ khi đã trưng cầu giám định nhưng chưa có kết quả mà hết thời hạn điều tra. Thời hạn điều tra vụ án này là 4 tháng với hai lần gia hạn thì tối đa cũng chỉ là 12 tháng và thực tế Cơ quan điều tra đã vi phạm thời hạn điều tra quá 8 ngày rồi, như vậy việc tạm đình chỉ với lý do chờ kết quả trưng cầu giám định là trái luật. Mặc dù vậy, Bộ GTVT cũng chiều ý Cơ quan điều tra để trả lời kết quả giám định vào ngày 19.11.2015, kết quả giám định này không khác gì so với kết quả giám định mà Cục hàng hải và Cục đăng kiểm VN đã có từ ngay khi xảy ra vụ tai nạn 1 tháng. Lý do tạm đình chỉ không còn, 9 tháng đã trôi qua nhưng Cơ quan điều tra vẫn lặng thinh mặc cho các bị can gửi đơn kiến nghị, mặc cho các chuyên gia pháp luật, các cơ quan, tổ chức lên tiếng.

Lạm dụng tạm đình chỉ điều tra để kéo dài vụ án là trái pháp luật

Quyền tạm đình chỉ điều tra là quyền của Cơ quan điều tra nhưng quyền đó phải tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Điều 155 BLTTHS về trưng cầu giám định quy định có 5 trường hợp Cơ quan điều tra “khi xét thấy cần thiết thì ra quyết định trưng cầu giám định nhưng không có trường hợp nào nêu trong Quyết định trưng cầu giám định số 372-04C ngày 27.8.2015 của Cơ quan CSĐT CATP HCM. Cơ quan điều tra trưng cầu giám định trong giai đoạn điều tra bổ sung chẳng khác nào việc cứ khởi tố điều tra, bắt giam, truy tố rồi mọi chuyện sẽ tính sau, việc làm này đã vi phạm Khoản 1 Điều 126 BLTTHS quy định “Khi có đủ căn cứ để xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can”.

Trong giai đoạn điều tra bổ sung theo yêu cầu của Tòa án thì Cơ quan điều tra chỉ có thể trưng cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại quy định tại Điều 159 BLTTHS chứ không phải lúc điều tra bổ sung mới đi trưng cầu giám định.

Điều 121 BLTTHS quy định về thời hạn điều tra bổ sung, theo đó nếu vụ án do Tòa án trả lại thì thời hạn điều tra bổ sung không quá một tháng, thế nhưng từ ngày Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung đã gần một năm (Tòa trả hồ sơ lần thứ hai ngày 17.7.2015) mà Cơ quan điều tra không có động thái nào để kết thúc vụ án.

Cơ quan điều tra tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can mà không hủy bỏ các quyết định hạn chế xuất cảnh với hai bị can là xâm phạm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến Pháp.

Điều 12 BLTTHS quy định trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng là phải “nghiêm chỉnh thực hiện những quy định của pháp luật”, nhưng với hàng loạt các vi phạm về trình tự, thủ tục tố tụng, thời hạn điều tra được chỉ ra đã cho thấy các cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng đã không tôn trọng các quy định của pháp luật tố tụng hình sự, lạm dụng việc tạm đình chỉ để kéo dài oan sai.

Các chuyên gia pháp luật và nhiều cơ quan, tổ chức đã lên tiếng kiến nghị Cơ quan CSĐT CA TPHCM cần sớm có quyết định đình chỉ điều tra vụ án này nếu không hậu quả oan sai sẽ ngày một lớn và Nhà nước lại tốn tiền đền bù oan sai.

Luật sư Vũ Anh Thao – Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/ban-doc/ky-an-chim-tau-can-gio-lam-dung-tam-dinh-chi-de-keo-dai-an-oan-557073.bld