KỲ 7: Chuyện về hãng hàng không quốc gia

Hầu như nước nào trên thế giới cũng có một hãng HK quốc gia. Mỹ thì có United Airlines, Canada có Air Canada, Anh có British Airways, và tương tự như thế với Singapore Airlines, Thai Airways, Malaysia Airlines. Ở VN, vào tháng 4-1993, ngành HK dân dụng VN cũng đã đánh dấu một sự kiện quan trọng đó là sự ra đời của Hãng HK Quốc gia (Vietnam Airlines-VNA) và ngày 27-5-1996, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định chính thức thành lập Tổng Công ty HK Việt Nam do VNA làm nòng cốt. Để làm tròn sứ mệnh của một hãng HK Quốc gia, VNA đã và đang phải chịu rất nhiều áp lực, 3 câu chuyện trong bài viết dưới đây chia sẻ cùng bạn đọc một vài thông tin về những áp lực này.

1 - Câu chuyện độc quyền

Trong cuộc gặp mới đây, biết tôi đang thực hiện loạt bài viết về thị trường HK, một doanh nhân Việt kiều ở TPHCM đã chia sẻ một câu chuyện như sau:

Anh đã đi nhiều nơi và đã bay với rất nhiều hãng HK trên thế giới, thế nhưng thật sự anh chỉ thích và chỉ cảm thấy thoải mái, dễ chịu khi bay với VNA thôi em ạ. Khi bay với VNA anh có cảm giác mình đang ở quê nhà, được nghe giọng nói quê hương, được thưởng thức những món ăn hợp khẩu vị và anh thấy đội ngũ tiếp viên của VNA họ khá chuyên nghiệp, họ phục vụ tận tình, chu đáo đấy chứ. Vậy mà không hiểu sao người dân trong nước hay đả kích, chê bai VNA là “kiêu”, là “kém”, là “độc quyền” này nọ. Mà thực ra theo anh biết, Luật Hàng không dân dụng ra đời năm 2007 với cơ chế thoáng đã xóa bỏ thế độc quyền của VNA trên các đường bay nội địa từ lâu rồi. Ví như cách đây không lâu, tại quầy vé của VNA ở Tân Sơn Nhất, anh chứng kiến một hành khách chạy xộc vào hỏi mua vé bay ra Hà Nội, cô nhân viên quầy vé nói: “Dạ, chuyến này em hết vé hạng phổ thông rồi, chỉ còn hạng thương gia, anh có mua không hay là anh bay chuyến sau?”. Anh này mặt mày tối sầm nói: “Đi chuyến sau thì trễ hết công việc à? Làm sao mà hết nhanh vé thế được? Chắc lại để dành tuồn cho người quen chứ gì? Vé thương gia thì giá cắt cổ ai mà đi cho nổi chứ, đúng là cái đồ cậy thế độc quyền”.

Thấy anh ta có vẻ quá bực bội và sốt ruột cần bay gấp, anh bảo anh ta: “Hình như bên VietJet và Jetstar đang sắp có chuyến bay đấy, anh sang bên đó xem còn vé không thì mua”. Anh ta nhìn anh bảo: “Bay giá rẻ chán lắm, cá mè một lứa, hành khách là dân lao động, dân nhà quê nhiều quá, ồn ào khó chịu lắm. Tôi chỉ thích bay với VNA, nhưng ghét bọn nó hay có cái thói cậy thế độc quyền thôi”. Nghe anh ta nói mà anh thấy thật là buồn cười, anh bảo: “Cùng lúc anh ta có đến 3 sự lựa chọn để bay mà anh ta vẫn cứ nói là “độc quyền” thì quả thật là lạ quá”. Anh ta vặc lại ngay: “Một thị trường mà VNA chiếm đến 80% thị phần thì không phải độc quyền là gì?”. Anh ngạc nhiên cáu quá hỏi: “Thế cứ có thị phần lớn thì gọi là độc quyền à? Nếu vậy thì anh cũng gọi bia Sài Gòn đang độc quyền thị trường bia vì nó cũng chiếm 70-80% thị phần đấy. Nhìn anh, tôi tưởng là người hiểu biết, hóa ra không phải vậy!”. Nghe anh nói thế, anh ta ớ người ra một lúc rồi bỏ đi, buồn cười thật.

2 - “trăm dâu đổ đầu tằm”

Nghe câu chuyện trên, tôi nói với vị doanh nhân Việt kiều rằng: “Câu chuyện của anh rất hay, nó như một lời động viên đối với hãng HK quốc gia, em xin phép anh cho em được đưa câu chuyện này vào bài viết sắp tới và nêu địa chỉ, tên thật của anh được không?”. Vị doanh nhân Việt kiều bèn giãy nãy: “Ồ không, em nêu câu chuyện thôi, chứ đừng nêu tên anh, mất công anh lại bị ném đá đấy.

Mới đây một bạn đọc vào sân bay ăn phở, sau khi về, bạn đọc ấy viết một bài đăng báo có đoạn thế này: “Phở thì dở, giá thì lại quá đắt, phải chăng VNA cậy thế độc quyền nên bán cắt cổ hành khách”. Một cô bạn làm ở VNA đọc bài báo xong la lên: “Ối trời, ăn phở Sacco bán, Sacco là của Cảng HK mà lại lôi VNA ra chửi là sao? Đúng là “trăm dâu đổ đầu tằm” mà.

Thực tế cho thấy, sự hiểu biết về HK của người dân hiện nay còn rất hạn chế, rất ít người phân biệt được các cơ quan, doanh nghiệp khác nhau trong ngành HK, vì vậy bất cứ điều gì liên quan đến HK là họ đều đổ hết cho VNA. Cách đây 3 năm, khi xảy ra vụ việc liên quan đến võ sư Lê Minh Khương cũng vậy. Rất nhiều tờ báo lúc đó đã đăng bài với tiêu đề đại loại như: “Nhân viên VNA khống chế, đánh đập, hành hung huấn luyện viên Lê Minh Khương”. Có một nhà văn còn viết hẳn 1 bài với tiêu đề “Văn hóa của E dùi cui” để đả kích VNA dù thực tế lực lượng làm nhiệm vụ khống chế là An ninh HK (thuộc Cảng HK).

3 - trách nhiệm xã hội

Là một hãng HK quốc gia, nhiệm vụ của VNA không chỉ gói gọn trong các hoạt động kinh doanh vận tải thuần túy mà còn đảm nhận vai trò tổ chức các chuyến chuyên cơ cho lãnh đạo Đảng, nhà nước đi công tác, tham gia thúc đẩy sự phát triển kinh tế chính trị, xã hội ở các vùng miền trong cả nước, thúc đẩy thu hút đầu tư, du lịch nước ngoài vào VN thông qua việc quảng bá hình ảnh thương hiệu quốc gia... Thực tế cho thấy, với slogan Bringing Vietnamese Culture to the World (“Đem văn hóa Việt Nam đến thế giới”), nhiều năm qua, VNA đã thực hiện rất tốt việc quảng bá hình ảnh thương hiệu của đất nước, giới thiệu nét đẹp văn hóa của quốc gia mình ra thế giới. VNA cũng đã rất thành công trong quá trình hội nhập với thị trường HK thế giới, góp phần không nhỏ trong việc phát triển giao thương giữa VN với bạn bè quốc tế và thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch đến VN ngày càng nhiều.

“Không chỉ dừng lại đó, VNA còn đảm nhận các chương trình cứu trợ, cứu nạn mang đậm tính nhân văn như: chương trình cứu nạn, vận chuyển quà tặng, hàng hóa đến đồng bào vùng bão lũ, chương trình vận chuyển giải cứu lao động từ Libi về nước, chương trình hỗ trợ người VN trong cơn động đất sóng thần và sự cố nổ nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản. Khi thực hiện những việc làm đó, VNA đã hoàn toàn loại bỏ yếu tố lợi nhuận trong hoạt động chuyên môn của mình. Hay như việc mở những đường bay nội địa đến những nơi xa xôi với hiệu quả kinh doanh không đáng kể thì liệu có hãng HK nào dám làm nếu như không phải đó là VNA với sứ mệnh thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở các vùng miền, địa phương trong cả nước? Rồi việc tăng cường hàng ngàn chuyến bay vào dip Tết Nguyên đán mỗi năm nữa. Những chuyến bay “lệch đầu”, nặng trĩu bay ra trống rỗng bay vào ấy liệu có thu được lợi nhuận nhiều không? Và liệu các hãng HK khác có mặn mà với chuyện tăng chuyến hay không nếu như đó không phải là VNA với trách nhiệm hết lòng vì cộng đồng xã hội?” - một lãnh đạo Cục Hàng không VN chia sẻ...

Nguyễn Thu Tuyết

>> Kỳ 6: vì sao kinh doanh hàng không hay bị lỗ?

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/kinhtedoisong/2013/1/309607/