Kỳ 4: Những khía cạnh xã hội trong quá trình địa phương hoá của người Việt

Môi trường sống của người dân xứ Đàng Trong khá tương đồng với các nước láng giềng. Đất rộng người thưa, thiên nhiên trù phú. Điều này đã thúc đẩy người dân xứ Đàng Trong chủ động hòa nhập, tiếp thu các khía cạnh xã hội của các tộc người khác, đặc biệt là người Chăm để sinh tồn và phát triển.

Tạp chí Khám phá giới thiệu một phần trong quyển sách “Xứ Đàng Trong, lịch sử kinh tế – xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18” của bà Li Tana sinh năm 1953, công tác ở Trường Nghiên cứu Châu Á và Thái Bình Dương, Đại học Quốc gia Úc (đã được dịch sang tiếng Việt và do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 1999). Bài viết về vương quốc của họ Nguyễn ở thế kỷ 17 và 18, được biết đến với tên gọi Đàng Trong, hay người Phương Tây gọi là Cochinchina.

Xứ Đàng Trong trong một bức tranh cổ

Tính chất tứ xứ lưu dân của Đàng Trong lại được thay đổi thêm bởi môi trường trong những ngày đầu. Đất rộng người thưa, lắm cá nhiều tôm, thiên nhiên trù phú – tương tự như các nước láng giềng của Đàng Trong ở Đông Nam Á hơn là khu vực Đàng Ngoài ở miền Bắc. Vì thế, cũng tự nhiên khi họ đón nhận những khía cạnh của cuộc sống vật chất tại đây.

Ví dụ, chúng ta biết cho đến cuối thế kỷ 18, đa số các ngôi nhà của thường dân tại Đàng Trong là loại nhà cất trên cọc giống như ở các nước Đông Nam Á khác, và một loại tàu của Mã Lai, ghe bàu, đã được sử dụng rộng rãi từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19. Loại ghe này gần như chắc chắn được người Việt làm theo mẫu của người Chăm, vì người Chăm buôn bán nhiều với người Mã Lai, và khu vực có loại thuyền này trải dài từ Hội An xuôi xuống phía nam đến Thuận Hải, là vùng đất đã có người Chăm cư trú.

Một số nhà nghiên cứu Việt Nam thậm chí còn đặt giả thuyết là không chỉ kỹ thuật, mà đến cả từ ghe và bàu đều là mượn của Mã Lai. Họ chỉ ra sự giống nhau của từ ghe trong tiếng Việt và từ gai trong tiếng Mã Lai (một sợi dây thừng hay dây néo cột buồm), và cho rằng từ bàu là đọc trại đi của từ prahu của Mã Lai (một thuyền nhỏ). Sự tương đồng đủ mạnh để John Barrow, năm 1793, nhận xét rằng các con thuyền lớn ở vùng Tourane (Đà Nẵng ngày nay) giống các thuyền buồm Mã Lai cả về thân ghe lẫn chằng néo các cột buồm.

Thuyền bè của người Đàng Trong

Ảnh hưởng Chăm cũng được thấy trong kỹ thuật làm ruộng của người Việt. Cái cày mà người Việt dùng ở đồng bằng sông Hồng và sông Mã không mạnh ở phần đế và có một cái lưỡi nhỏ. Loại cày này phù hợp cho loại đất không rắn lắm, và ở nơi ít cỏ. Những điều này đáp ứng các đặc tính đất đai ở phía bắc – và được cày cấy trong cả ngàn năm bởi đa số người dân. Loại cày này chỉ tìm thấy ở phía bắc sông Gianh, nơi đánh dấu biên giới giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong.

Ở Đàng Trong, người Việt gặp phải loại đất cứng, cỏ dày, và khó trồng trọt. Để lật đất, người Việt đã mô phỏng cái cày của người Chăm, vốn chắc hơn, đặc biệt ở phần đế, nhưng người Việt cũng chế thêm một cái nang để điều chỉnh góc. Các bộ phận của cái cày lấy từ mô hình Chăm thì giữ tên gọi theo tiếng Chăm, trong khi các phần gắn với cái nang thì mang tên Việt (to nang hay tế nang). Loại cày mới này được người Việt mang theo khi họ chuyển đến đồng bằng sông Mekong.

Tại miền trung Việt Nam, văn hoá Chăm cũng có ảnh hưởng rộng lớn đến độ ngày nay ta vẫn thấy những ảnh hưởng này trong nhiều phong tục: từ việc ăn gỏi đến cách thức đội khăn, chôn cất người chết trong huyệt theo kiểu người Chăm mặc dù người Việt không nhất thiết đã hiểu rõ nguồn gốc của những tập tục này.

Đáng ngạc nhiên, ngay cả mắm nêm tiêu biểu cho cách nấu nướng Việt Nam, theo một số học giả Việt Nam, cũng có thể có nguồn gốc Chăm. Một nhà nghiên cứu người Việt chuyên về tập tục miền Nam thậm chí chỉ ra sự tương tự giữa áo dài (được gọi là quần áo “truyền thống” của phụ nữ Việt Nam mà mọi phụ nữ Việt Nam đều mặc trong dịp đặc biệt), và chiếc váy của phụ nữ Chăm (tah trong tiếng Chăm); áo dài chỉ phân biệt ở chỗ có bổ sung thêm cổ áo. Kiểu áo này rất khác với áo tứ thân vốn là trang phục trang trọng của phụ nữ miền Bắc trước thế kỷ 20.

Khám Phá

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/tin-quoc-te/ky-4-nhung-khia-canh-xa-hoi-trong-qua-trinh-dia-phuong-hoa-cua-nguoi-viet-c5a548077.html