Kỳ 4: Giulio Andreotti - Quý ngài nước Ý

GD&TĐ - Năm 1976, đảng Xã hội Ý rời khỏi chính phủ cánh trung hữu của Aldo Moro. Cuộc bầu cử sau đó cho thấy sự lớn mạnh của đảng Cộng sản Ý (PCI), còn đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (DC) chỉ có ưu thế hơn một chút để chiếm vị trí là đảng chính của nước Ý, khi đó đang phải gánh chịu những khủng hoảng kinh tế và khủng bố.

Liên minh và phản liên minh

Sau chiến thắng của PCI, Enrico Berlinguer - Bí thư đảng này - tiếp cận những người đứng đầu của DC là Moro và Fanfani, đưa ra đề nghị thúc đẩy “sự thỏa hiệp lịch sử”. Đó là một công ước chính trị do chính Moro đề xuất, nhằm tạo mối liên minh đầu tiên cấp chính phủ giữa hai đảng.

Nội các của Andreotti, được thành lập tháng 7/1976, chỉ gồm toàn các thành viên DC, nhưng có sự ủng hộ gián tiếp từ các đảng khác, bằng những lá phiếu trắng trong các cuộc bỏ phiếu kín.

Nội các này đổ năm 1978, cũng là khi Moro can thiệp và đưa ra một nội các mới, một lần nữa cũng chỉ gồm toàn các nhà chính trị của DC, nhưng lần này có những lá phiếu ủng hộ từ các đảng khác, trong đó có cả PCI. Nội các lần này cũng do Andreotti đứng đầu và được thành lập ngày 16/3/1978, đúng vào ngày Aldo Moro bị nhóm Lữ đoàn Đỏ bắt cóc.

Cách xử sự của Andreotti khi Moro bị Lữ đoàn Đỏ bắt cóc gây khá nhiều tranh cãi. Ông không hề thương lượng với những kẻ khủng bố, và bị gia đình Moro cùng một phần công chúng chỉ trích nặng nề.

Trong khi bị giam giữ, Moro cũng viết những lời chê trách nặng nề đối với Andreotti. Tháng 5/1978, Moro bị giết. Sau khi nhân vật đứng đầu đảng DC này chết, Andreotti vẫn điềm nhiên ngồi ghế Thủ tướng của chính phủ “quốc gia thống nhất” với sự ủng hộ của PSI.

Từ 1983 đến năm 1989, Andreotti lại giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trong nội các của Bettino Craxi. Giai đoạn này, Andreotti nỗ lực tăng cường quan hệ ngoại giao với Mỹ và cả Liên Xô, đồng thời kết nối với các nước Arab.

Ngày 14/4/1986, Andreotti tiết lộ với Bộ trưởng Ngoại giao Libya Abdel Rahman Shalgham rằng ngày hôm sau, Mỹ sẽ dội bom Libya, để trả đũa vụ tấn công khủng bố câu lạc bộ disco Berlin mà Mỹ cho rằng có liên quan đến Libya.

Nhờ có sự tiết lộ này mà Libya đã chuẩn bị đối phó kịp thời với vụ tấn công của Mỹ. Dù sao đi nữa, vì Ý là đồng minh của Mỹ, ngay ngày hôm sau, Libya vẫn bắn hai tên lửa Scud vào đảo Lampedusa. Tuy nhiên hai tên lửa vượt qua hòn đảo và rơi xuống biển, không gây bất cứ thiệt hại nào.

Năm 1992, một lần nữa Andreotti lại leo lên chức Thủ tướng, đồng thời được Tổng thống Ý khi đó là Cossiga chỉ định là nghị sỹ suốt đời. Cùng với liên minh của mình, sử dụng chiến thuật vô hiệu hóa các đối thủ chính trị, Andreotti trở thành nhân vật nặng ký có nhiều khả năng kế nhiệm Cossiga. Tuy nhiên chiến lược này bị ngáng trở bởi vụ ám sát Thẩm phán Giovanni Falcone ở Palermo.

Vị chánh án này khi đó đang theo đuổi vụ án có liên quan đến Salvo Lima - đã bị hạ sát trước đó hai tháng. Salvo Lima cũng là một nhà chính trị gốc Sicily, có người cha là mafiaso và có nhiều mối quan hệ phức tạp, trong đó có mối quan hệ đồng minh thân thiết với Andreotti.

Hai vụ ám sát liên tiếp này chắc chắn có liên quan đến những mối thâm thù dai dẳng, khiến Andreotti bị gạt khỏi vị trí ứng cử viên hàng đầu, nhường chức Tổng thống cho Oscar Luigi Scalfaro, một chính trị gia cánh hữu kém thế hơn nhiều.

(Còn tiếp)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/ky-4-giulio-andreotti-quy-ngai-nuoc-y-2516752-b.html