Kỳ 3: Tiến thoái lưỡng nan

(PL&XH) - Thực tế là thập niên 1960 và những năm đầu thập niên 1970 là giai đoạn đỉnh cao của các vụ không tặc. Hơn 500 sự cố không tặc xảy ra trên phạm vi toàn thế giới trong hơn 70 năm trước đó và có 2/3 được thực hiện giai đoạn 1960-1973.

Bản thân nước Mỹ cũng phải chịu 115 vụ không tặc thành công và 225 vụ bất thành nhằm vào các máy bay thương mại thuộc sở hữu của các hãng hàng không Mỹ, với động cơ đa phần là chính trị. Tuy nhiên, các vụ không tặc nhằm mục đích tài chính dù hiếm cũng không phải là không có.

Ngày 1-11-1955, một máy bay của hãng United Air Lines theo tuyến Denver-Seattle đã rơi chỉ 11 phút sau khi cất cánh khiến toàn bộ 39 hành khách và 5 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Qua điều tra phát hiện một quả bom được cài tại khoang hành lý. Nghi can chính là Jack Graham, quản lý một nhà hàng ở Denver. Động cơ đánh bom là nhằm vào mẹ đẻ của Graham, bà Daisie King, để lấy khoản tiền thừa kế và tiền bảo hiểm trị giá 50.000 USD. Tuy nhiên, Graham đã bị kết án tử hình.

Tên không tặc nguy hiểm Dan Cooper. Ảnh: TL

Một loạt vụ không tặc có động cơ chính trị sau đó trong bối cảnh Chiến tranh lạnh và mâu thuẫn ý thức hệ đã khiến an ninh được thắt chặt đối với các chuyến bay thương mại tại Mỹ. Hệ quả là số vụ không tặc giảm dần. Nhưng, Dan Cooper vẫn điềm nhiên lên máy bay với một quả bom, hoặc chí ít là những gì hắn tuyên bố. Ai cũng hiểu rằng chỉ cần một sơ sót nhỏ trong khâu kiểm tra an ninh cũng đồng nghĩa với việc ai cũng có thể khiến một máy bay hàng không dân dụng bị rơi bất cứ lúc nào.

Quay trở lại vụ không tặc của Dan Cooper, toàn bộ tổ giải quyết khủng hoảng trên mặt đất, gồm cảnh át Seattle, mật vụ FBI, nhân viên hãng hàng không Northwest và giới chức Cục quản lý hàng không liên bang, có xấp xỉ 30 phút để đáp ứng đòi hỏi của tên không tặc. FBI vội vã thu thập đủ 200.000 USD tiền mặt trong khi cảnh sát Seattle chuẩn bị hai bộ dù. Cooper đặc biệt chú trọng đến những tờ giấy bạc mệnh giá 20 USD. Hắn tính toán rằng 10.000 tờ 20 USD sẽ nặng chỉ gần 10kg và không ảnh hưởng đến cú nhảy của hắn.

Theo yêu cầu của Cooper, các tờ giấy bạc hoàn toàn được chọn lựa ngẫu nhiên, không theo serie. Mặc dù làm theo đòi hỏi này, song FBI vẫn đảm bảo rằng các tờ bạc mang mã L, tức là được Cục dự trữ liên bang phát hành tại San Francisco. Gần như mọi tờ đều in năm 1969. Dù đã rất vội, song mật vụ FBI vẫn khẩn trương chụp microfilm toàn bộ 10.000 tờ giấy bạc. Trong khi đó, việc tìm kiếm bộ dù thích hợp lại tỏ ra khó khăn hơn nhiều. Cooper không muốn bộ dù của quân đội, nằng nặc đòi đó phải là bộ dù dân sự. Phía cảnh sát không muốn đưa ra bộ dù “giả” do lo ngại sự an toàn của con tin.

(Còn nữa)
Đào Diệu(Tổng hợp)

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20130417093326422p1003c1034/ky-3-tien-thoai-luong-nan.htm