Kỳ 3: Cuộc chiến pháp lý với nhà thầu Trung Quốc: Liệu có chuyện "đêm -ngày"?

Dù VSH cho rằng bị cáo buộc vi phạm hợp đồng, Tổ hợp nhà thầu vẫn lớn tiếng yêu cầu VSH phải bồi thường 1.700 tỷ đồng.

Đại diện công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (VSH) cho rằng, những vi phạm mà Tổ hợp nhà thầu Trung Quốc (sau đây sẽ gọi là Tổ hợp nhà thầu) đưa ra nhằm cáo buộc VSH vi phạm hợp đồng, hoặc không có cơ sở hoặc không có bằng chứng cụ thể. Ấy nhưng, Tổ hợp nhà thầu vẫn lớn tiếng yêu cầu VSH phải bồi thường 1.700 tỷ đồng. Vì sao họ lại như vậy?

Những cáo buộc

Như thông tin ở những bài báo trước phản ánh, ngày 23/8/2014, tổ hợp nhà thầu đã nộp đơn khởi kiện VSH lên trung tâm Trọng tài quốc tế (VIAC) tại Hà Nội. Trong đơn khởi kiện, Tổ hợp nhà thầu đã “tố” VSH vi phạm hợp đồng và vin vào đó để bao biện cho việc không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng. Chính điều này khiến cho dự án thủy điện Thượng Kon Tum bị chậm tiến độ nghiêm trọng.

VHS và Tổ hợp nhà thầu Trung Quốc vẫn chưa tìm được tiếng nói chung ở dự án thủy điện Thượng Kon Tum

Trong nội dung đơn khởi kiện của Tổ hợp nhà thầu, VSH bị “tố” vi phạm hợp đồng ở nhiều điểm, như: VSH không cung cấp bằng chứng hợp lý về thu xếp tài chính; không phát hành chứng chỉ thanh toán trong vòng 56 ngày, kể từ ngày Tổ hợp nhà thầu nộp hồ sơ; không xác nhận và thực hiện thanh toán theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) một cách có hệ thống; không xác nhận các khoản thanh toán tạm một cách công bằng …

Trước những lời tố cáo như vậy, ngày 20/11/2014, VSH đã nộp lên VIAC bản tự bảo vệ, đồng thời gửi cả đơn phản tố. Lãnh đạo VSH cho rằng, trong các nội dung mà tổ hợp nhà thầu cáo buộc Công ty vi phạm hợp đồng, không nội dung nào trong các phụ lục của đơn khởi kiện có thể chứng minh cụ thể. Hơn nữa, việc dự án bị chậm tiến độ nghiêm trọng đã làm ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình tài chính của Công ty. Vì thế, trong đơn phản tố, lãnh đạo VSH yêu cầu tổ hợp nhà thầu phải đền bù thiệt hại với số tiền hơn 1.300 tỷ đồng.

Trao đổi thêm về những vấn đề liên quan với PV, ông Huỳnh An, Phó ban Quản lý dự án thủy điện Thượng Kon Tum thông tin: “Chúng tôi phản đối tất cả các cáo buộc mà Tổ hợp nhà thầu đưa ra. Bởi lẽ, họ không đưa ra được các chứng cứ có liên quan nhằm chứng minh VSH vi phạm hợp đồng và không đủ năng lực tài chính. Tuy nhiên, trong phạm vi của mình, chúng tôi cũng đã đưa ra những lập luận cụ thể để chứng minh những cáo buộc của phía Tổ hợp nhà thầu là vô căn cứ”.

Ông Huỳnh An phân tích một dẫn chứng để phản bác lại ý kiến của Tổ hợp nhà thầu khi cho rằng, VSH đã không cung cấp bằng chứng hợp lý về thu xếp tài chính. “Ngày 31/3/2011, khởi công dự án thủy điện Thượng Kon Tum. Theo quy định trong hợp đồng thì, trước đó chúng tôi phải gửi cho Tổ hợp nhà thầu bằng chứng hợp lý rằng, các thu xếp tài chính đã được thực hiện. Và, thực tế là ngày 5/1/2011, chúng tôi đã gửi công văn cho Tổ hợp nhà thầu, trong đó dẫn chiếu đến hợp đồng nguyên tắc giữa VSH và ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Bình Định. Theo đó, BIDV Bình Định đã cam kết bố trí đủ vốn vay cho dự án thủy điện Thượng Kon Tum. Phía Tổ hợp nhà thầu đã tiếp nhận công văn và không có ý kiến phản đối, tức là họ đã chấp nhận những bằng chứng về thu xếp tài chính của chúng tôi. Những điểm tố cáo khác mà Tổ hợp nhà thầu đưa ra cũng tương tự như vậy, không có cơ sở”.

Mặc dù vậy, Tổ hợp nhà thầu vẫn chưa chịu dừng lại. Sau khi nộp đơn khởi kiện VSH vi phạm hợp đồng, ngày 11/11/2014, Tổ hợp nhà thầu tiếp tục nộp đơn lên VIAC yêu cầu Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (ADBPKCTT) buộc VSH phải nộp số tiền hơn 211 tỷ đồng vào một tài khoản mở tại ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) dưới tên của VSH. Sau đó, VSH, Tổ hợp nhà thầu và Vietcombank sẽ ký một hợp đồng 3 bên để phong tỏa và xử lý số tiền này. Việc làm này, theo giải thích từ phía Tổ hợp nhà thầu là để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho họ.

Quyết định gây tranh cãi của Hội đồng trọng tài

Không chấp nhận yêu cầu của Tổ hợp nhà thầu, ngày 1/3/2016 VSH đã nộp đơn yêu cầu ADBPKCTT (có sửa đổi bổ sung vào ngày 9/3/2016) lên TAND TP. Hà Nội, buộc thành viên của Tổ hợp nhà thầu liên đới chịu trách nhiệm chuyển số tiền 20 triệu USD hoặc số tiền mà TAND TP. Hà Nội thấy hợp lý vào một tài khoản phong tỏa do Tòa chỉ định. Đồng thời, VSH cũng yêu cầu tòa phong tỏa tài khoản của Tổ hợp nhà thầu tại ngân hàng Trung Quốc, chi nhánh TP. HCM.

Song song với việc làm trên, VSH tiếp tục đệ trình lên VIAC một bản ghi nhớ, trình bày đầy đủ quan điểm của mình về yêu cầu ADBPKCTT. VSH cũng nhiều lần yêu cầu một phiên xử để xem xét yêu cầu ADBPKCTT mà Tổ hợp nhà thầu đưa ra nhưng không được chấp nhận.

Vậy là trước khi phân xử ai đúng, ai sai trong vụ tranh chấp pháp lý liên quan tới việc dự án thủy điện Thượng Kon Tum bị chậm tiến độ, Hội đồng Trọng tài của VIAC phải phân xử chuyện, Tổ hợp nhà thầu có được phép ADBPKCTT hay không?

Ngày 27/5/2016, Hội đồng Trọng tài (HĐTT) gồm có ông Yasunobu Sato làm Chủ tịch, ông Peter H J. Chapman và ông Đặng Quang Phương làm trọng tài viên đã ra Quyết định số 498. Quyết định này chấp thuận theo đơn yêu cầu của Tổ hợp nhà thầu gửi ngày 11/11/2014. Tức là VSH bị buộc phải gửi số tiền khoảng 10 triệu USD (hơn 211 tỷ đồng) vào một tài khoản được mở tại Vietcombank và VSH, Tổ hợp nhà thầu sẽ cùng chỉ thị Vietcombank giữ và xử lý số tiền trên.

Một trong những lý do được Hội đồng Trọng tài đưa ra nhằm giải thích cho quyết định trên là: “Hội đồng Trọng tài có nghĩa vụ đảm bảo rằng, các biện pháp bảo quản tạm thời được thực hiện tại thời điểm thích hợp để bảo toàn nguyên trạng và để ngăn chặn khả năng tranh chấp sẽ trở nên trầm trọng hơn hoặc phán quyết cuối cùng sẽ không được tuân thủ” và “Hội đồng Trọng tài xác nhận rằng, các nguyên đơn (tức Tổ hợp nhà thầu – PV) có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc không thể khắc phục trong trường hợp không có biện pháp bảo vệ khi các nguyên đơn thắng trong phần kiện về nội dung”.

Điều đáng nói trong vấn đề này là ông Đặng Quang Phương, trọng tài viên của Hội đồng Trọng tài đã phản đối quyết định trên vì cho rằng, nó sẽ không có hiệu lực theo luật Việt Nam và sẽ có hại cho bị đơn là VSH. Bởi theo ông Phương, theo luật Việt Nam thì không có loại biện pháp khẩn cấp tạm thời nào yêu cầu VSH phải nộp một khoản tiền vào tài khoản được quản lý bởi ba bên gồm VSH, Tổ hợp nhà thầu và Vietcombank. Ông Phương cũng từ chối ký ban hành Quyết định 498.

Quyết định của Hội đồng Trọng tài cũng đồng tình với ý kiến của ông Đặng Quang Phương nhưng lý giải nguyên nhân vẫn ra quyết định là vì: “Rủi ro gánh chịu các thiệt hại không thể khắc phục được của các nguyên đơn (tức Tổ hợp nhà thầu – PV) là nghiêm trọng hơn”.

Hội đồng Trọng tài phải giải quyết tranh chấp theo luật Việt Nam

Ông Huỳnh An nói: “Một điều không thể bàn cãi là Hội đồng Trọng tài phải giải quyết tranh chấp giữa các nguyên đơn và bị đơn theo quy định pháp luật Việt Nam . Điều này cũng đã được ghi trong hợp đồng giữa VSH và Tổ hợp nhà thầu. Theo đó, mọi tranh chấp, mâu thuẫn, khiếu nại phát sinh sẽ do trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cạnh phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam giải quyết theo luật và thủ tục của Trung tâm. Luật Trọng tài được áp dụng là luật Việt Nam ”.

(Còn nữa)

Phạm Văn

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/cuoc-chien-phap-ly-voi-nha-thau-trung-quoc-lieu-co-chuyen-dem-ngay-a170339.html