Kỳ 2: Tôn vinh tân học, tiếp thu văn minh phương Tây

Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục được nhân dân ta vốn giàu lòng yêu nước và hiếu học hăng hái hưởng ứng, ủng hộ. Số học viên từ khoảng dăm chục lúc đầu sau vài tháng lên tới mấy nghìn, và tiếp tục tăng dần.

Tạp chí Khám phá trân trọng gửi tới quý độc giả loạt bài của nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Hoành, viết về những tư tưởng canh tân đột phá của những chí sĩ yêu nước ủng hộ việc xây dựng một nền giáo dục mới, tiếp thu văn minh nhân loại, góp phần chấn hưng dân tộc. Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục được coi là một cuộc “duy tân” trong lĩnh vực văn hóa, kinh tế, chính trị tại Việt Nam những năm đầu Thế kỷ 20.

Đông Kinh Nghĩa Thục đặc biệt chú trọng việc biên soạn tài liệu giảng dạy, tuyên truyền. Các lớp bậc cao dùng ngay tân thư Nhật Bản và Trung Quốc (chủ yếu do TQ dịch từ sách Nhật) để giảng dạy, vì học viên đã biết chữ Hán nên có thể trực tiếp đọc sách.

Lớp học của trường Đông Kinh Nghĩa Thục

Các lớp dưới dùng sách quốc ngữ hoặc chữ Hán do trường biên soạn. Văn thơ của các chí sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền… cũng được dùng để giảng dạy. Nội dung các tài liệu nói trên đều nhằm nâng cao lòng yêu nước, đả phá nền cựu học khoa hoạn phong kiến cùng lối sống cũ, đề xướng tân học cùng lối sống mới, học văn minh phương Tây, học chữ Quốc ngữ và khoa học kỹ thuật, chấn hưng kinh tế …

Hội quán ĐKNT (mới đầu ở nhà số 4 phố Hàng Đào) treo một bản đồ tổ quốc cỡ lớn chưa từng thấy nhằm khích lệ lòng yêu nước một cách trực quan, cảm tính. Đồng bào rủ nhau đến xem rất đông, ai cũng xúc động vì hầu như đây là lần đầu tiên họ được biết hình dạng tổ quốc mình trên trái đất.

Một số tài liệu nhà trường phát không cho học viên có nội dung vạch tội ác của thực dân Pháp, kêu gọi đồng bào đứng lên cứu nước. Như “Hải ngoại Huyết thư” của Phan Bội Châu được Lê Đại dịch từ chữ Hán sang tiếng Việt, chuyển thành thể thơ song thất lục bát có vần điệu rất hay, dễ nhớ dễ truyền khẩu, hầu như cả nước ai cũng thuộc lòng. Những câu như:

Đội trời đạp đất ở đời

Sinh ra Nam quốc là người trượng phu

Ai cũng bụng phục thù báo quốc

Thấy giống người nước khác ai ưa?

Cớ sao ngày tháng lần lừa

Rụt rè như thế, đợi chờ ngóng trông?

và:

Lẽ vinh, sỉ, có hai đường ấy

Anh em ta đã nghĩ cho chưa?

Gió tanh xông mũi khó ưa

Gươm sao cắp nách mà ngơ cho đành

Hòn máu uất chất quanh đầy ruột

Anh em ơi, xin tuốt gươm ra!…

Cờ độc lập xa trông phấp phới

Kéo nhau ra đòi lại nước nhà!

sao mà kích động lòng người, như tiếng trống trận thúc giục họ đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm, giải phóng tổ quốc!

Với nội dung hoạt động như vậy, ĐKNT lập tức được nhân dân ta vốn giàu lòng yêu nước và hiếu học hăng hái hưởng ứng, ủng hộ. Số học viên từ khoảng dăm chục lúc đầu sau vài tháng lên tới mấy nghìn, và tiếp tục tăng dần. Nhiều nhà trí thức Nho học và Tây học tự nguyện tham gia giảng dạy, như hai nhà Tây học nổi tiếng nhất hồi ấy là Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Duy Tốn giúp dạy tiếng Pháp.

Cụ Phan Châu Trinh (ảnh trái) và cụ Phan Bội Châu (ảnh phải)

Cụ Phan Châu Trinh từ Quảng Nam ra Hà Nội diễn thuyết tuyên truyền cho ĐKNT. Đồng bào các giới nô nức góp tiền của cho trường, có lúc nhiều tới mức thu không xuể. Nhân sĩ khắp ba kỳ kéo nhau đến xem trường, ai nấy đều hồ hởi hoan nghênh, ủng hộ. Thời gian đầu bọn Pháp cũng không ngăn cấm mà còn phỉnh phờ. Phong trào lan ra nhanh chóng. Sĩ phu ở một số tỉnh tự động lập phân hiệu của ĐKNT. Bà con ta truyền nhau mấy câu thơ:

Trường Nghĩa Thục đứng đầu dạy dỗ

Khắp ba mươi sáu phố Hà thành

Gái trai nô nức học hành

Giáo sư tám lớp, học sinh non ngàn.

và:

Buổi diễn thuyết người đông như hội

Kỳ bình văn khách tới như mưa.

Trong hoàn cảnh hồi ấy, khi tất cả các cuộc nổi dậy chống Pháp đều bị kẻ địch dìm trong biển máu, lối thoát cho công cuộc giải phóng dân tộc ta rõ ràng chưa thể là khởi nghĩa vũ trang, mà là chuẩn bị lực lượng quần chúng: trau dồi cho đông đảo đồng bào lòng yêu nước và các kiến thức cần thiết nhất để đổi mới xã hội về mọi mặt kinh tế, chính trị, khoa học kỹ thuật, làm cho dân giàu nước mạnh.

ĐKNT chọn giáo dục quốc dân làm biện pháp chuẩn bị lực lượng cách mạng là sự lựa chọn sáng suốt lúc bấy giờ. Gây dựng được phong trào đông đảo quần chúng hăng hái học tập như thế thật là việc chưa từng có trong lịch sử nước ta.

Khám Phá

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/tin-quoc-te/ky-2-ton-vinh-tan-hoc-tiep-thu-van-minh-phuong-tay-c5a556939.html