Kỳ 2: Hành lang pháp lý chưa chặt chẽ

(ĐTTCO) - Kinh doanh theo mô hình phi lợi nhuận (non-profit – NPO) là một phương pháp đầu tư hiệu quả mang giá trị nhân bản nếu biết cách vận hành tốt. Câu chuyện về NPO sẽ không có hồi kết, nếu như Việt Nam không xây dựng được một hành lang pháp lý đủ rộng và đủ chặt chẽ để thiết lập cũng như giám sát các NPO một cách hiệu quả.

Luật quá rộng nhưng không cụ thể

NPO đã tồn tại và hoạt động đa dạng dưới nhiều hình thức như hội từ thiện, quỹ từ thiện, quỹ xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội của các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài. Tuy nhiên, ngoại trừ hoạt động của quỹ từ thiện, quỹ xã hội, Việt Nam vẫn chưa có quy định chuyên biệt về tổ chức và hoạt động của NPO. Trong khi đó hoạt động mô hình NPO liên quan đến các vấn đề về tài chính, tiền tệ, các khoản tài trợ, viện trợ… Do vậy hầu hết quốc gia đều có hành lang pháp lý quy định về tổ chức và hoạt động NPO. Tại Việt Nam, các quy định về quỹ từ thiện, quỹ xã hội đã được Chính phủ ban hành khá cụ thể, song NPO vẫn chỉ dừng lại ở các khái niệm và một vài ràng buộc liên quan.

Tuy rằng mô hình kinh doanh này còn nhiều thách thức cho các cơ quan quản lý của Việt Nam, nhưng không thể phủ nhận được cơ hội lớn cho sự phát triển mang tính đột phá và lợi ích mà nó đem lại. Vì vậy, thay vì ngăn cản hay cấm đoán, nên có một cơ chế kiểm soát hiệu quả nhằm đưa mô hình kinh doanh phi lợi nhuận phát triển theo đúng hướng của nó để phát triển về y tế, giáo dục.

Điều 12 Nghị định 116/2013/NĐ-CP ngày 4-10-2013 của Chính phủ hướng dẫn Luật Phòng chống rửa tiền 2012 xác định: “Tổ chức phi lợi nhuận là pháp nhân hoặc tổ chức có hoạt động chính như huy động hoặc phân bổ vốn cho các mục đích từ thiện, tôn giáo, văn hóa, giáo dục, xã hội hoặc mục đích tương tự, không vì mục đích lợi nhuận, bao gồm tổ chức phi chính phủ nước ngoài, quỹ xã hội, quỹ từ thiện thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam”. Như vậy, nội hàm của các tổ chức NPO theo luật định rất rộng. Vì lẽ đó hiện nay ở Việt Nam NPO thường tồn tại dưới 3 hình thức:

Thứ nhất, tổ chức phi lợi nhuận. Tổ chức này có thể do các cơ quan của chính phủ, các ban ngành, cá nhân, tổ chức khác thành lập vì mục đích chung phục vụ cộng đồng cho các mục đích từ thiện, tôn giáo, xã hội, giáo dục, y tế. Các quỹ từ thiện, nhóm, đoàn thể hoạt động xã hội, từ thiện, tình nguyện... là các dạng tổ chức phi lợi nhuận. Họ đi tìm nguồn tài trợ, huy động kinh phí để làm việc cho cộng đồng không chứ không phải kinh doanh sinh lời.

Thứ hai, mô hình đại học phi lợi nhuận. Xuất phát từ yêu cầu thực tế của việc xã hội hóa giáo dục, nhiều cơ sở giáo dục đại học tư thục tuyên bố hoạt động theo mô hình NPO như Đại học Hoa Sen, Đại học RMIT. Chủ sở hữu của các cơ sở giáo dục đại học này dành lợi nhuận tích lũy hàng năm làm tài sản chung không chia, để tái đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học. Các cổ đông hoặc các thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hàng năm không vượt quá lãi suất trái phiếu chính phủ.

Thứ ba, mô hình DN xã hội. Chế định này được Luật DN 2014 quy định cụ thể. Theo đó, DN xã hội phải được thành lập theo quy định, có mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng. Đồng thời phải cam kết sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hàng năm để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký. Có 3 mô hình DN xã hội doanh nhân có thể lựa chọn: một là DN xã hội phi lợi nhuận (thường hoạt động dưới các hình thức như trung tâm, hội, quỹ, câu lạc bộ…); hai là DN xã hội không vì lợi nhuận (như các hình thức công ty); ba là DN xã hội có định hướng xã hội, có lợi nhuận (các hợp tác xã, quỹ tín dụng trong lĩnh vực tài chính vi mô).

Trường Đại học Hoa Sen tuyên bố hoạt động theo mô hình kinh doanh phi lợi nhuận.

Dễ bị “núp bóng” NPO

NPO được luật pháp đặt ra khá nhiều nghĩa vụ theo luật định. Thí dụ, Luật DN quy định đối với DN xã hội, ngoài cam kết dành phần ít nhất 51% lợi nhuận để tái đầu tư, còn phải ràng buộc các nghĩa vụ khác. Đó là duy trì mục tiêu và điều kiện đã cam kết khi thành lập trong suốt quá trình hoạt động, không được sử dụng các khoản tài trợ huy động được cho mục đích khác ngoài bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động để giải quyết vấn đề xã hội, môi trường DN đã đăng ký. Bên cạnh đó, nghĩa vụ quan trọng nhất nhằm quản lý các NPO là sự ràng buộc về cơ chế báo cáo theo Nghị định 116/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Tuy nhiên do NPO mang lại nhiều giá trị cho chủ sở hữu, không chỉ giá trị về danh tiếng mà còn cả tài chính. Luật cho phép NPO được nhận các khoản tài trợ trong và ngoài nước khi đáp ứng đủ các điều kiện luật định. Đây là cơ hội tuyệt vời để huy động nguồn vốn từ các nhà đầu tư, nhà tài trợ để tái thiết lập các dự án đầu tư của NPO. Sở dĩ trên thế giới có nhiều NPO quyền lực trong lĩnh vực giáo dục, y tế là bởi sự chung tay hiến tặng các tài sản, di sản của những người giàu có mang ước nguyện đóng góp cho xã hội. Nếu vận hành NPO tốt, chủ sở hữu sẽ tạo ra được nhiều giá trị như đã cam kết.

Song trên thực tế, trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như ở Việt Nam, việc tồn tại một NPO đúng nghĩa và để cho NPO phát triển tầm cỡ là một vấn đề cần suy nghĩ. Luật giáo dục đại học 2012 cho phép chủ sở hữu chia lợi nhuận với tỷ lệ cổ tức hàng năm không được vượt quá lãi suất trái phiếu chính phủ. Điều này gây tranh cãi khi đi ngược lại bản chất của NPO, đồng nghĩa với việc nếu làm đúng luật sẽ không đảm bảo được tính phi lợi nhuận trong tổ chức. Bên cạnh đó, khả năng huy động tài chính ở Việt Nam cho các lĩnh vực mà NPO triển khai còn rất hạn chế, bởi có mạnh thường quân chịu bỏ ra hàng trăm tỷ đầu tư mà không mong lấy lại lợi nhuận? Nhưng chính sự thiếu vắng các mạnh thường quân như vậy vô tình đặt sức ép doanh thu và lợi nhuận lên các NPO, nên dễ làm NPO “núp bóng”.

Đậu Thị Quyên - Lê Thị Dịu Hiền, LP Group

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161012/ky-2-hanh-lang-phap-ly-chua-chat-che.aspx