Kỳ 1: Sợ “mất xác” với “ma cà rồng”

(PL&XH)-Từng được nghe những lời đồn thổi về chuyện có “ma cà rồng”, sau khi liên hệ được với người địa phương, chúng tôi lên đường... Những câu chuyện chưa từng được chứng kiến, nhưng cũng đủ để cho những ai yếu bóng vía cảm thấy rợn người...

Vượt gần 300km để nghe kể chuyện về “ma cà rồng”

Một ngày cuối năm, tiết trời giá rét, buốt đến thấu xương, chúng tôi về đến thị trấn Yên Thế của huyện Lục Yên thì đồng hồ đã điểm 22g. Quãng đường từ TP Yên Bái về đến xã V của huyện Lục Yên khoảng 80km, nhưng chúng tôi phải mất gần 3 tiếng đồng hồ mới đi hết những quãng đường cua tay áo vòng vèo. Càng về đêm, bầu trời trên mảnh đất Lục Yên càng giá buốt, khối không khí lạnh như bao trùm, quây kín từng căn nhà sàn ở huyện vùng cao này. Không gian tĩnh mịch khiến bầu không khí như trên nên não nề hơn. Thấy chúng tôi, một giọng nói ồm ồm lọt qua khe cửa của nhà sàn, khiến chúng tôi thấy ấm áp hơn bởi sự mong đợi của con người nơi đây: “Thằng Keo (tiếng Tày dịch Kinh là Keo, ý gọi chúng tôi là những người dân tộc Kinh - PV) lên rồi đấy phải không, nhanh lên uống rượu với bọn tao chứ không rét lắm rồi”.

Mất khoảng 5 phút để chúng tôi nhập hội, ngồi co ro bên bếp củi trong góc chiếc nhà sàn dưới chân đồi, đó là ngôi nhà sàn của một gia đình người dân tộc Tày đã được dựng cách đây hơn 10 năm. Dưới cái ánh sáng yếu ớt phát ra từ đống củi nậu, xung quanh tôi là những khuôn mặt hồng hào và căng phồng. Biết chúng tôi từ Hà Nội lên, 5-6 người là hàng xóm của chủ nhà đến đây ngồi vừa uống rượu, vừa sưởi ấm từ chập tối, và ai cũng có thái độ rất cởi mở, mặc dù họ biết mục đích của chúng tôi lên đây hết sức đơn giản là để nghe họ kể những câu chuyện diễn ra mà theo họ, đó là sự xuất hiện của “ma cà rồng”.

Bà Hoàng Thị A., năm nay mới gần 60 tuổi, nhưng người gầy đét, có lẽ vì cuộc sống lam lũ, bà A. là người đầu tiên lên tiếng khi nghe tôi hỏi chuyện về “ma cà rồng”: “Úi giời, mà cà rồng ở ngay đây thì ít, chứ ở huyện Lục Yên này thì nhiều lắm. Cháu cứ ở đây mà nghe hết đêm cũng không hết chuyện về “ma cà rồng”." Theo bà A. thì không biết sự xuất hiện của “ma cà rồng” là từ khi nào, bà chỉ biết, nhưng nếu nói về dấu hiệu nhận biết “ma cà rồng” thì có lẽ không ai trên vùng đất này lại không biết.

Phải canh chừng xác chết với "ma cà rồng" (Ảnh minh họa)

Nhà có người chết phải coi xác

Bà A. cho biết, “ma cà rồng” là một loại “ma” khủng khiếp hơn tất cả các loại “ma”. Bà kể lại câu chuyện cách đây 6 năm về trước (chưa được kiểm chứng) rằng: Cách thị trấn Yên Thế khoảng 4km có một đám ma, mà người chết là một bệnh nhân bị ốm liệt giường đã nhiều năm. Ngay trong đêm trước mà bệnh nhân từ trần, không biết người nhà canh chừng thế nào mà bị “ma cà rồng” vào gặm nát cái đùi của nạn nhân mà đến tận lúc tắm xác để niệm thì mọi người mới phát hiện.

Khi PV tỏ ra ngạc nhiên vì câu chuyện nghe có vẻ rất phi lý, bà A. giải thích: “Ma cà rồng nó cũng là người bình thường thôi, nhưng nó đã định làm cái gì thì sẽ không để ai phát hiện được, mà thông thường phải sau khi ma cà rồng đi khỏi thì mới có người phát hiện”. Bà A. còn dẫn chứng như để thuyết phục chúng tôi: “Bây giờ nhà ai có người chết, người nhà của đám tang đều phải canh chừng cẩn thận lắm, vì ai cũng nghĩ đến “ma cà rồng” ăn xác người chết mà sợ”.

Câu chuyện “ma cà rồng” ăn xác chết đó không ít người ở đây biết đến, mặc dù họ cũng chỉ là những người nghe kể, nhưng hầu hết họ kể lại như người được chứng kiến. Đơn giản một điều là “ma cà rồng” như cái gì đó rất quen thuộc với họ. Không chỉ có xác chết phải được canh chừng với “ma cà rồng”, mà đến cả những sản phụ mới sinh con cũng cần phải cảnh giác cao độ với “ma cà rồng”…

(Còn nữa...)
Nguyễn Khuê

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20131228035727891p1001c1049/ky-1-so-mat-xac-voi-ma-ca-rong.htm