Kỳ 1: “ Lang vườn”, nghề hái ra tiền?

(PL&XH) Chữa bệnh theo phương pháp gia truyền hay theo Đông Y học đang diễn ra phổ biến tại nhiều nơi thuộc tỉnh Thanh Hóa. Bởi vậy, nhiều người nơi đây đã tự cho mình có phương thuốc “quý” để tự lập cơ sở khám tại nhà để kiếm tiền của người bệnh…

Thời gian qua, tại thôn Đồng Đội, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa xuất hiện 2 cơ sở chữa bệnh bằng phương pháp gia truyền đã thu hút nhiều bệnh nhân từ khắp nơi về chữa bệnh. Bệnh nhân đến điều trị tại các cơ sở này được “lang vườn” thu tiền với mức thu “rẻ” hơn so với các trung tâm y tế khác. Từ “cha truyền con nối” PV báo PL&XH đã tìm đến cơ sở khám chữa bệnh nhà ông Vũ Đình Hồng trú tại thôn Đồng Đội, xã Nga Lĩnh (Huyện Nga Sơn) để tìm hiểu thực hư chuyện chữa bệnh tại cơ sở này. Phương thuốc “gia truyền” mà ông Hồng dùng để chữa bệnh là kế thừa các vị thuốc Nam như: Nhẫn cọng, Tứ Màu, Bắn Trắng… chủ yếu dùng để đắp trẹo, sưng tấy do trật gân… Trước đó, ông Hồng đã dùng lá Nam để bóp trẹo, bóp xương cho bà con trong vùng. Sau thấy việc chữa bệnh hiệu nghiệm và kiếm được tiền. Ông Hồng đã đi học khóa học Đông y và về mở cơ sở khám các bệnh về xương: Thoái hóa cột sống, vôi hóa, trật xương, gãy xương… ngay tại nhà mình. Sau đó, ông Hồng giao việc chữa bệnh cho hai anh con trai là Vũ Đình Thụ và Vũ Đình Thành. Thấy việc chữa bệnh kiếm được nhiều tiền nên anh Thụ cũng lập cơ sở khám chữa bệnh tại nhà, hành nghề gia truyền theo bài thuốc “quý” hiếm của gia đình anh để lại. Việc chữa bệnh của nhà ông Hồng đến đây được chia ra làm hai cơ sở. Anh Thụ mua nhà riêng hành nghề bóp nắn xương sống và châm cứu, còn anh Thành sống cùng với ông Hồng nên nhiều người bệnh đến đây chữa bệnh vì nhà anh Thành có ông Hồng sống chung nên cơ sở này lúc nào cũng đông khách hơn. Bằng hình thức bấm huyệt, nắn bóp, kéo dãn xương và châm cứu, cơ sở của ông Hồng đã thu hút nhiều bệnh nhân đến chữa bệnh tại nhà. Một ngày các bệnh nhân điều trị tại đây, tiền tiêm thuốc và ăn uống tại nhà ông Hồng mất 87.000 đồng. Theo giá thị trường, với mức thu đó thì có thể cho là “rẻ”. Cơ sở nhà ông Hồng có hơn 40 giường bệnh. Trung bình một đợt chữa bệnh (đợt tính theo chu kỳ bệnh là 1 tháng hay 2 đến 3 tháng) là 30 đến 40 người. Làm phép tính đơn giản thì chí ít mỗi ngày, cơ sở này cũng thu được hàng triệu đồng. Đến “ngón nghề” bóp xương kiếm tiền Trước những lời đồn thổi về tài ba của ông Vũ Đình Hồng, người bệnh khắp nơi đổ về đây chữa rất đông. Thế nhưng, chữa bệnh được một thời gian, một số bệnh nhân đã phải “bần thần” ra về với bệnh tật vẫn còn trên người. Trường hợp của bà Hoàng Thị Đào (60 tuổi) ở thôn Đông Hải, xã Văn Hải, huyện Kim Sơn, Ninh Bình, qua lời kể của cô con gái tên là Hoàng Thị Liên trú tại xã Nga Điền (Nga Sơn) cho biết: “Mẹ tôi nghe thấy chuyện, trong Thanh Hóa có người chữa bệnh đau xương cột sống giỏi lắm. Những ai từ bệnh viện trả về đều tìm đến nhà ông Hồng chữa là khỏi. Thấy thế, mẹ tôi đã đến tận nhà ông Hồng ở Nga Lĩnh để chữa bệnh. Nằm được 2 tháng tốn mất hơn 5 triệu đồng mà chẳng thấy bệnh khỏi, Mẹ tôi về không chữa nữa. Nghĩ lại mà tiếc của!”. Tương tự trường hợp của ông Phạm Xuân Hạ (hơn 50 tuổi) ở xóm 6, xã Nga Điền (Nga Sơn) cũng như vậy! Khi biết chúng tôi hỏi thăm đường về nhà ông Hồng thì ông Hạ thốt lên rằng: “Tưởng tìm ai? Hóa ra nhà ông Hồng. Tìm đến chữa bệnh thì tốt nhất đừng đến mất công. Tôi trước cũng nghe bà con trong xóm nói cũng đã đi đến khám nhưng có thấy khỏi bệnh đâu. Tôi chữa bệnh đau xương ở đó hơn một tháng chỉ có đắp lá thuốc rồi nắn bóp mà mất mấy triệu đồng. Chẳng ăn thua gì!”. Không chỉ riêng trường hợp của bà Hoàng Thị Đào và ông Phạm Xuân Hạ mà còn rất nhiều con bệnh khác cũng lần lượt “ngã ngũ” ra về mà “tiền mất tật vẫn mang”. (còn nữa) P.Tuấn

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20100925102942988p1002c1020/ky-1--lang-vuon-nghe-hai-ra-tien.htm