Kỳ 1- Đắk Nông: Lâm tặc mở đại công trường trên rừng Đắk Song

Những tiếng cưa lốc ngày đêm gầm rú trong cánh rừng ở huyện Đắk Song, cây rừng vẫn đổ, lâm tặc vẫn hoành hành. Nhưng tại sao không bị xử lý.

Đại công trường trước... chốt kiểm lâm

Trước đó vào tháng 6/2016, tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Bộ trưởng Bộ Công an - Thượng tướng Tô Lâm và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chủ trì Hội nghị các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016- 2020.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên đóng tất cả rừng tự nhiên. Cùng với đó yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, kiểm soát, công an, tòa án...nâng cao trách nhiệm được giao ngăn chặn tình trạng tàn phá rừng đang xảy ra.

Tuy nhiên, bất chấp trước lệnh đóng cửa rừng đó, nhiều cánh rừng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, vẫn ngày đêm bị lâm tặc xẻ thịt.

Trong vai những người đi bẫy chim, những người đi hái măng, chúng tôi đã tìm đường vào những cánh rừng trên địa bàn huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông).

Điểm đến đầu tiên là lâm phần của Công ty TNHH MTV Đắk N’Tao, xã Nâm N Jang, Đắk Song, hiện đang bị triệt phá một cách không thương tiếc. Những cánh rừng bị lâm tặc đốn hạ nằm cách trạm gác của kiểm lâm và trạm liên ngành không xa. Từng cây lớn bị cưa hạ để lấy gỗ bán ra bên ngoài cho các đầu nậu, những miếng bìa và cây nhỏ thì sẻ làm trụ trồng Tiêu…những chỗ cưa triệt hạ hết khi cây khô thì dân đốt để trồng cây.

Đi vào gần khu rừng bị phá chúng tôi nghe thấy tiếng cưa, xẻ gỗ dội vào tai. Phía bên ngoài bìa rừng vẫn rất rất bình yên nhưng đó chỉ là vỏ bọc. Còn bên trong hàng loạt cây bị người dân chặt phá để lấy đất làm nương rẫy, nhiều nơi cây còn đang ứa mủ vì cây mới bị chặt hạ.

(Video: Lâm tặc dùng cưa lộc dốn hạ cây rừng hàng loạt)

Men theo đường mòn đi sâu vào cánh rừng, phóng viên tận mắt thấy những rẫy cà phê, tiêu được người dân nơi đây trồng xanh tốt trên các cánh rừng bị đốn hạ, nhiều cây gốc vẫn còn cháy đen. Nhìn những cánh rừng bị triệt hạ cho nhiều mục đích khác nhau ở nơi đây chúng tôi không khỏi xót xa.

Lâm tặc ngang nhiên triệt hạ rừng tại Đắk Song.

Những trụ Tiêu mới trồng trên diện tích rừng bị phá, những cây gỗ to bị đốn hạ nằm la liệt dưới gốc Tiêu.

Nhiều người dân nơi đây rất bức xúc trước cảnh chảy máu tài nguyên rừng nhưng họ đành bó tay. Nhiều ngọn đồi, cây non hay cây cổ thụ đều bị chặt sạch nhường chỗ cho những vườn tiêu, cà phê trái phép. Nhiều khu rừng bị tàn phá một cách công khai, xe, phương tiện, máy móc được đưa vào rừng thường xuyên mà không gặp khó khăn gì.

Chị Nguyễn Thị N, thôn 10, xã Nâm N Jang, Đắk Song, cho biết: ‘‘Rừng ở đây bị các đối tượng phá ngày đêm để bán lấy gỗ, người dân thì phá rừng làm nương rẫy vô tội vạ, nhưng không hiểu sao người dân đen như chúng tôi vào rừng là bị đuổi ra ngay, không biết họ quản lý rừng kiều gì nữa?

Bên cạnh đó, việc khó hiểu ở chỗ, nhiều người dân vào rừng chỉ cần chở vài khúc gỗ ra liền bị lực lượng kiểm lâm và liên ngành thu giữ, xử phạt nhưng nhiều người khác phá rừng vẫn thản nhiên đưa đủ loại phương tiện, máy móc không thể nói lực lượng kiểm lâm không biết. Nhiều cánh rừng nằm cạnh ngay lối đi, hàng ngày rất nhiều người qua lại vẫn bị đốt phá là việc không thể chấp nhận được. Không lẽ việc bảo vệ rừng ở đây lại lạ kỳ như chuyện cổ tích “voi qua được mà kiến không qua được”.

Những gốc cây to cả người ôm mới bị chặt hạ

Tiếp cuộc hành trình chúng tôi đi dọc quốc lộ 14C qua các xã Thuận Hạnh, Thuận Hà (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) là những vườn tiêu, cà phê thẳng tắp đến… đường chân trời, nhà ở cũng mọc lên san sát trên đất rừng. Phía tiếp giáp quốc lộ, hàng chục nghìn trụ gỗ được dựng lên để chuẩn bị trồng tiêu, trông như những lớp chông chọc lên trời chiều.

Một người dân xin giấu tên cho biết: “Khu này có khoảng 75 héc ta là đất rừng do Cty lâm nghiệp Thuận Tân chia cho cán bộ. Bên này là đất của ông Tình trước đây là Trưởng Công an huyện, liền đó là ông Nguyễn Văn Lũy, ông Đặng Đình Văn hiện nay đều là Phó Công an xã Thuận Hạnh. Không chỉ cán bộ, mà người nhà cán bộ cũng được giao cả chục mẫu đất, ví dụ ông Quyết là em vợ ông Văn, được giao gần 20 héc ta bên kia đồi”.

Theo ghi nhận của chúng tôi gần 30 km rừng, từ Quốc lộ 14 đi Quãng Sơn, dọc theo Tỉnh lộ 6 liên huyện, những khu rừng được quản lý của Công ty TNHH MTV Đắk N’Tao, Công ty TNHH MTV Thuận Tân rừng đang bị tàn phá không thương tiếc.

Rừng bị phá, lâm tặc manh động và kiểm lâm... lực lượng mỏng

Trước thực trạng trên, Phóng viên đã tìm gặp ông Trần Hữu Trung - Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm, Rừng Phòng Hộ cảnh quan Quốc lộ 14, ông Trung cho biết: Những điểm phá rừng mà phóng viên nêu, thâm nhập đã được lập hồ sơ quản lý và trong đó có diện tích của 2 đơn vị giải thể đang chờ bàn giao cho chủ mới. Những nơi rừng bị phá chủ yếu là lực lượng Kiểm lâm mỏng, mà các đối tượng lâm tặc thì rất manh động. Hiện tại chúng tôi đã báo cáo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và tham mưa cho cấp trên để tăng cường hơn nữa lực lượng để tuần tra, kiểm soát nhằm bảo vệ rừng”.

Ông Lê Quang Dần - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông.

Trước việc hàng loạt diện tích rừng bị tàn phá, có nơi gần trạm kiểm lâm, Pháp luật Plus đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Dần - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông, ông Dần cho biết: ‘‘Hiện nay Tỉnh Ủy ban hành Nghị Quyết 11, UBND Tỉnh có kế hoạch 234 để tăng cường biện pháp Quản lý Bảo vệ rừng, là tăng cường hơn nữa, phối hợp hơn nữa công tác quản lý, bảo veeh rừng. Một số nơi như phóng viên nói chúng tôi sẻ chỉ đạo xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân theo quy định của pháp luật’’.

Rừng Đắk Song đang bị tàn phá nghiêm trọng, các đối tượng phá rừng theo nhiều mục đích khác nhau, như: Lâm tặc phá rừng lấy gỗ để bán, phá rừng lấy gỗ làm trụ Tiêu, lấy gỗ làm nhà và phá rừng làm nương rẫy. Nhưng chung quy lại dù phá rừng như thế nào thì rừng ở nơi đây đang bị tàn phá nghiêm trọng. Theo điều tra và nguồn tin của Pháp luật Plus thì rừng nơi đây còn đang lọt vào tay của một số cán bộ, lãnh đạo trên địa bàn.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

Ngọc Anh - Chí Anh

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/ky-1-dak-nong-lam-tac-mo-dai-cong-truong-tren-rung-dak-song-d42798.html