Kỳ 1: Cho phá sản ngân hàng sẽ tác động thế nào đến cục diện thị trường?

Để tiến trình này diễn ra nhanh hơn và có trật tự, sẽ không có gì bất ngờ nếu trong thời gian tới, thị trường Việt Nam sẽ xuất hiện một tổ chức đánh giá tín nhiệm, định kỳ chấm điểm và xếp hạng tín dụng các ngân hàng thương mại.

Cho phá sản ngân hàng sẽ tác động thế nào đến cục diện thị trường?

Về thông tin kinh tế đáng chú ý nhất thời gian qua, có lẽ phải kể đến đề xuất “thí điểm cho phá sản ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém”.

Càng đáng chú ý hơn, khi thông điệp được phát đi bởi Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ.

“Chính phủ cũng đề xuất giải pháp mạnh hơn là thí điểm cho phá sản ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém. Chúng ta bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, đồng thời không để xảy ra hiệu ứng domino, sẽ cho phá sản ngân hàng yếu kém”, ông Huệ - người cũng đang đồng thời đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia – phát biểu trong phiên thảo luận tổ ở Quốc hội sáng 22/10.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm rõ hơn về quan điểm của Chính phủ: “Làm được như vậy thì có tác dụng cảnh tỉnh rất nhiều. Chứ bây giờ cứ thành lập ngân hàng cổ phần, hoạt động yếu kém, rồi nhà nước phải mua lại 0 đồng, rồi nhà nước đứng ra lo thì ai chả muốn làm. Như vậy với tổ chức ngân hàng nào còn có thể phục hồi được thì chúng ta nói là tái cơ cấu, còn với những ngân hàng không phục hồi được thì chúng ta gọi là xử lý ngân hàng yếu kém”.

Thông điệp của nhà điều hành như vậy là đã rõ. Tất nhiên, để đề xuất nêu trên thực sự đi vào đời sống kinh tế thì vẫn cần thêm sự chấp thuận và thống nhất thêm nữa.

Xét về hành lang pháp lý, các quy định về việc phá sản ngân hàng đã được quy định thành hẳn một chương riêng trong Luật Phá sản năm 2014, có hiệu lực từ năm 2015. Chưa kể đến các quy định của thể trong các văn bản quy phạm chuyên ngành như Luật các tổ chức tín dụng, Nghị định số 05/2010/NĐ-CP quy định về việc phá sản đối với các tổ chức tín dụng, Thông tư số 08/2010/TT-NHNN về việc kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng, Thông tư số 34/2011/TT-NHNN về trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép và thanh lý các tổ chức tín dụng...

Song tính đến thời điểm này, các quy định của pháp luật về việc phá sản ngân hàng - dù đã khá đầy đủ - vẫn chưa từng được áp dụng trên thực tế. Mặc dù đã có tới hàng chục thương hiệu ngân hàng biến mất.

Chính phủ sẽ “làm thật”?

Trở lại với phát biểu vừa rồi của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, có lý do để tin rằng lần này Chính phủ sẽ “làm thật”.

Một căn cứ đáng chú ý, là tín hiệu dỡ bỏ trần lãi suất từ cơ quan tham mưu chính sách quan trọng của Chính phủ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - người cũng đang đồng thời đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia.

Cụ thể, tại phiên họp thường kỳ Quý III/2016 của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cách đây chưa lâu, cũng chính là Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng đã lưu ý các Bộ, ngành nghiên cứu dỡ bỏ trần lãi suất huy động dưới 6 tháng.

Vậy lưu ý trên hàm chứa thông điệp gì đến việc cho phá sản các ngân hàng yếu kém?

Nếu tấm barie mang tên “trần lãi suất huy động” (kỳ hạn dưới 6 tháng hay tất cả các kỳ hạn) được dỡ bỏ, tất nhiên các ngân hàng có thể thoải mái điều chỉnh lãi suất huy động để thu hút tiền gửi, đặc biệt là các ngân hàng gặp khó về thanh khoản. Một cuộc chạy đua lãi suất sẽ là điều khó có thể tránh khỏi khi các ngân hàng khác trong hệ thống đứng ngồi không yên (?!).

Vậy khi câu chuyện lãi suất chỉ còn phụ thuộc vào ý chí của mỗi nhà băng thì điều gì sẽ điều chỉnh hành vi của người gửi tiền? Đó sẽ là tâm lý, hay nói rõ hơn là sự tín nhiệm.

Bởi khi mà việc cho phá sản ngân hàng sẽ không còn là “chuyện đùa”, người gửi tiền sẽ phải thực sự phải cân nhắc giữa lợi ích (lãi suất) và rủi ro (mất tiền).

Thay vì hệ số rủi ro tất cả các khoản tiền gửi tại bất kể ngân hàng nào đều bằng 0% như hiện nay (Ngân hàng nào cũng như nhau khi có nhà băng nào đó hoạt động yếu kém thì được Ngân hàng Nhà nước đứng ra ứng cứu), thì việc cho phép phá sản ngân hàng trên thực tế sẽ khiến mỗi khoản tiền gửi của khách hàng sẽ đúng nghĩa là một khoản đầu tư có rủi ro.

Vốn đầu tư của mỗi người gửi tiền có thể sẽ không được bảo toàn nếu ngân hàng họ lựa chọn có biến và phải tiến hành thủ tục phá sản.

Nhất là khi theo các quy định hiện hành, mức chi trả tối đa của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chỉ là 50 triệu đồng; Và với thực tế đáng báo động về chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam hiện nay, không ai dám chắc hàng ưu tiên thứ hai trong trình tự chi trả từ thanh lý tài sản ngân hàng sẽ giúp người gửi tiền có thể thu về đầy đủ các gốc và lãi cho các khoản tiền gửi của mình. Đó là chưa kể đến các nhiêu khê có thể có khác.

Một nhân tố khác cũng củng cố cho quan điểm “làm thật” của Chính phủ trong lần này, đó là sức ép ngân sách và quyết tâm tái cơ cấu nền kinh tế mà trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống các TCTD.

“Lập ngân hàng cổ phần rồi để nhà nước phải mua lại 0 đồng, nhà nước phải đứng ra xử lý hậu quả thì ai cũng muốn làm”, xin được nhắc lại phát biểu vừa rồi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Thực tế cho thấy, Việt Nam đang có quá nhiều ngân hàng thương mại, nhưng đó đều là những ngân hàng với quy mô rất nhỏ. Kể cả những “ông kẹ” trong hệ thống hiện nay như Vietinbank, BIDV thì Việt Nam vẫn chưa có một ngân hàng nào đạt tầm khu vực, chứ chưa nói đến châu lục hay thế giới.

“Nếu nhìn ra thế giới, hầu hết các thị trường ngân hàng thành công nhất chỉ có từ 2-5 nhà băng nội địa quy mô lớn ở mỗi quốc gia trong khi Việt Nam lại có quá nhiều. Bản thân các nước đã trải qua làn sóng sáp nhập những năm trước đây cũng vậy. Như Malaysia, 20 năm trước họ có 45 ngân hàng, nay chỉ còn 10. 5-10 năm tới, đầu tư phát triển hạ tầng là nhu cầu lớn nhất của mọi quốc gia nên nếu Việt Nam không có ngân hàng đủ lớn, đủ tầm để thu xếp được những nguồn vốn này thì sẽ là thiệt thòi cho đất nước và sẽ khó phát triển kinh tế”, trích lời của ông Keith Pogson, lãnh đạo cấp cao về Dịch vụ tài chính ngân hàng của Ernst & Young (EY) khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Theo đánh giá của vị chuyên gia này, Việt Nam phải xây dựng được 5 ngân hàng quy mô lớn mới có thể cạnh tranh được với ngân hàng trong khu vực.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của Việt Nam như hiện nay, thì nhu cầu đó lại càng lớn hơn bao giờ hết.

Kịch bản tác động

Theo một nhà phân tích, thực trạng chính khiến cho hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam hiện tại gặp vấn đề rất lớn, đó là: thay vì là ông chủ của các doanh nghiệp, các NHTMCP ở Việt Nam lại ngược lại, là con của các doanh nghiệp lớn. Điều này làm nảy sinh một nghịch lý, kẻ cần vốn lại làm chủ "kẻ cấp vốn", hay nôm na và nói quá "một kẻ không có nhiều tiền" lại đi làm chủ "một kẻ có rất nhiều tiền".

"Nếu không làm xoay chuyển ngược được tình thế này thì hệ thống NHTMCP Việt Nam sẽ khó có thể tạo ra một thay đổi mang tính bước ngoặt, cũng như có nền tảng để giải quyết những vấn đề, những tình thế lưỡng nan hiện tại của mình. Mọi hoạt động tái cấu trúc ngân hàng TMCP sẽ luôn là những vòng tròn luẩn quẩn", vị này đánh giá.

Đề xuất cho phá sản các ngân hàng yếu kém của Chính phủ nếu được thông qua chắc chắn sẽ có những tác động đáng kể tới cục diện thị trường tín dụng và cả thị trường tài chính Việt Nam trong tương lai.

Đầu tiên, nó sẽ tái định hình hệ thống ngân hàng theo hướng thanh lọc các ngân hàng yếu kém và tập trung nguồn lực cho các ngân hàng có uy tín và nền tảng quản trị tốt, đó là một kịch bản nhiều khả năng sẽ diễn ra.

Trong trường hợp này, các ngân hàng lớn, đặc biệt là các NHTM Nhà nước, sẽ là các đối tượng được hưởng lợi, nhờ việc nắn dòng huy động theo hệ số rủi ro. Thị trường tín dụng sẽ dần hình thành nhóm 5 ngân hàng hàng đầu, như tham vấn mà chuyên gia Ernst & Young, Keith Pogson đã đề cập. Các ngân hàng nhóm cuối, với tiềm lực tài chính, trình độ quản trị và uy tín hạn chế sẽ đi đến trạng thái thái hoặc buộc phải sáp nhập hoặc chấp nhận phá sản.

Và với quan điểm “bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền” của Chính phủ, M&A có lẽ sẽ là xu thế sẽ được khuyến khích.

Để tiến trình này diễn ra nhanh hơn và có trật tự, sẽ không có gì bất ngờ nếu trong thời gian tới, thị trường Việt Nam sẽ xuất hiện một tổ chức đánh giá tín nhiệm, định kỳ chấm điểm và xếp hạng tín dụng các ngân hàng thương mại.

Xét về tổng thể nền kinh tế, kịch bản tái định hình hệ thống ngân hàng nêu trên sẽ mang lại nhiều lợi ích. Tập trung quy mô sẽ làm tăng hiệu quả/năng suất, làm giảm chi phí vận hành và làm giảm lãi suất, cơ quan điều hành cũng dễ dàng hơn trong việc quản lý, kiểm soát và điều hành chính sách tiền tệ, giảm thiểu các chiêu trò “sân sau”, sở hữu “ảo” của các nhóm tài phiệt lũng đoạn.

Thứ hai, việc cho phá sản các ngân hàng yếu kém, cũng sẽ có tác dụng nắn dòng tiết kiệm sang đầu tư, bởi việc gửi tiền tiết kiệm giờ đây cũng phải đối diện với rủi ro mất vốn. Dòng vốn tiết kiệm sẽ được chuyển sang các kênh đầu tư hấp dẫn khác, cụ thể nhất là bất động sản và thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, hoạt động phát hành trái phiếu chính phủ cũng sẽ được hưởng lợi, khi nó sẽ trở thành kênh đầu tư sinh lời an toàn nhất và duy nhất.

Có một điểm đáng lưu ý, là căng thẳng ngân sách đang khiến Chính phủ phải đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, bán vốn tại các doanh nghiệp nhà nước.

Thị trường chứng khoán được xác định là kênh tiến hành chủ yếu cho các hoạt động thoái vốn, bán vốn này. Và do đó, sự sôi động, khởi sắc của thị trường chứng khoán cũng là một đích ngắm của Chính phủ - với vai trò là một người bán trên thị trường.

Phát triển thị trường chứng khoán, cũng là một điều mà đã được cơ quan lãnh đạo, điều hành nhắc đi nhắc lại rất nhiều trong các văn kiện, chiến lược và đề án phát triển kinh tế.

Đón đọc kỳ tới…

Ninh Giang

Ninh Giang -

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/ky-1-cho-pha-san-ngan-hang-se-tac-dong-the-nao-den-cuc-dien-thi-truong-85173.html