Kỳ 1: Bảy vòng đấu, hai cuộc 'nổi loạn'-Bộ VHTTDL bám sát, quyết liệt chấn chỉnh

Nhiều án phạt nghiêm khắc được đưa ra như là những bài học đắt giá của không chỉ các vận động viên mà với cả những cán bộ quản lý các câu lạc bộ.

LTS- Thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã thể hiện quan điểm cứng rắn trong việc lập lại văn minh, văn hóa trong thể thao. Nhiều án phạt nghiêm khắc được đưa ra như là những bài học đắt giá của không chỉ các vận động viên mà với cả những cán bộ quản lý các câu lạc bộ.

Với mục tiêu giảm thiểu những hành vi phi thể thao, phi văn hóa trong bóng đá, cùng xây dựng một nền thể thao chuyên nghiệp, lành mạnh, đáp ứng lòng mong đợi của người hâm mộ, Báo Điện tử Tổ Quốc đăng tải loạt bài viết "Nghiêm khắc chấn chỉnh hành vi phi thể thao" nhằm kiến giải về vấn đề này, để cùng với các chuyên gia, cơ quan quản lý của Bộ VHTTDL đưa ra những giải pháp góp phần chấn chỉnh hiện tượng nói trên.

Bảy vòng đấu, hai cuộc “nổi loạn”

Tính đến thời điểm hiện tại, Giải bóng đá vô địch quốc gia V-League 2017 đã đi qua được 7 vòng đấu với nhiều cuộc chạm trán gay cấn và những trận đụng độ hấp dẫn của những đối thủ “truyền kiếp” đã mang đến một sự khởi đầu hoàn hảo cho người hâm mộ (NHM) nước nhà. Thế nhưng những bàn thắng đẹp, những màn trình diễn xuất sắc không thể nào che mờ đi được những hành vi phi thể thao không chỉ xuất phát từ những CĐV thiếu tỉnh táo, mà còn đến từ những cầu thủ trực tiếp chơi trên sân.

Tỉ lệ 1 cuộc “nổi loạn” mỗi 3,5 vòng đấu là con số thực sự báo động cho những hành vi phi thể thao đang dần nhen nhóm trong giai đoạn đầu của mùa giải 2017. Lí do của hai cuộc “nổi loạn” này xuất phát từ những quyết định của trọng tài điều khiển trận đấu.

CĐV Hải Phòng vây kín khu vực của đội khách

Cuộc “nổi loạn” đầu tiên đến từ những CĐV Hải Phòng với màn “quậy” tung phòng họp báo. Sự việc diễn ra trên sân Lạch Tray ở vòng 6 V-League 2017 trong cuộc đối đầu giữa Hải Phòng và Hà Nội FC.

Ở phút thứ 60 của trận đấu, tiền đạo trẻ Quảng Hải của Hà Nội FC đã có pha xử lý bóng trong vòng cấm buộc hậu vệ đối phương phải phạm lỗi. Trong tài Hiền Triết đã nhanh chóng đưa ra quyết định cho Hà Nội FC được hưởng phạt đền.

Ngay lập tức, quyết định này của trọng tài Hiền Triết đã vấp phải sự phản đối dữ dội của cầu thủ Hải Phòng và các CĐV. Một “dàn đồng ca chửi” được thành lập ngay trên khán đài và chĩa về phía trọng tài Hiền Triết với những lời lẽ khó nghe. Điều đáng nói nhất là không chỉ những người có mặt trên sân Lạch Tray phải nghe những “lời ca” đó mà những khán giả xem truyền hình trực tiếp trận đấu cũng phải hứng chịu toàn bộ.

Không dừng lại ở đó, một số CĐV quá khích đã giật tung cửa phòng họp báo và tiếp tục lăng mạ trọng tài, một số khác quây xe của Hà Nội FC khiến đội khách phải nhờ đến lực lượng an ninh mới thoát hiểm an toàn.

Đây không phải lần đầu tiên các CĐV Hải Phòng có những hành vị khiếm nhã với trọng tài và đội khách. Trong lần gặp mặt gần nhất ở vòng 20 V-League 2016, các CĐV quá khích của đội bóng đất Cảng cũng có những hành vi tương tự khiến đơn vị truyền hình trực tiếp trận đấu phải cân nhắc việc có tiếp tục tường thuật trực tiếp nữa hay không.

Cuộc nổi loạn tiếp theo diễn ra chỉ sau sự kiện ở sân Lạch Tray đúng hai ngày và trở nên nghiêm trọng hơn khi những “nhân vật chính” lại là các cầu thủ.

Tình huống diễn ra ở trận đối đầu giữa CLB TP.HCM và CLB Long An. Phút 80, CLB TP.HCM được hưởng quả phạt đền sau tình huống va chạm với cầu thủ đội khách trong vòng cấm địa khi tỷ số đang là 2-2. Cho rằng quyết định không chính xác, các cầu thủ Long An đã kéo nhau ra ngoài sân và chỉ trở lại sau khi đã được BHL thuyết phục. Tưởng chừng như mọi chuyện sẽ diễn ra êm đẹp, nhưng thủ thành Minh Nhựt của Long An lại đứng quay mặt vào lưới, mặc cho đối thủ ghi bàn.

Đỉnh điểm của cuộc “nổi loạn” diễn ra khi các cầu thủ Long An cố tình chuyền bóng sai rồi đứng im, không tranh chấp, không chuyền bóng, để mặc đối thủ dâng lên ghi thêm 2 bàn thắng bàn như chỗ không người. Điều này buộc trọng tài chính điều khiển trận đấu Nguyễn Trọng Thư quyết định thổi còi kết thúc sớm, dù hiệp hai bù giờ đến 10 phút.

Bộ, Ban ngành chủ quản vào cuộc

Trước thực trạng những hành vi phi thể thao đang diễn ra trong giai đoạn đầu của mùa giải, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thể dục Thể thao, Ban kỷ luật Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã ngay lập tức vào cuộc nhằm chấn chỉnh, xử lý nghiêm khắc những cá nhân, tập thể có liên quan.

Ngay sau có báo cáo về sự việc trên sân Lạch Tray, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã khẳng định, đây là hành động không đẹp mà xã hội đã lên án.

Trả lời trên tờ VTC News, ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Tôi chưa biết cụ thể nội tình câu chuyện này thế nào nhưng về phía CĐV mà có những thái độ, hành động như trận Hải Phòng – Hà Nội thì không cần phải hỏi quan điểm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mà cả xã hội này lên án. Đó là hành động không đẹp, ai cũng nhìn thấy”.

CLB Long An phản ứng với quyết định của trọng tài Trọng Thư

Do tính chất sự việc khá nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến hình ảnh giải đấu nên Ban kỷ luật quyết định phạt CLB Hải Phòng 50 triệu đồng và phải đá trên sân nhà không khán giả ở vòng 8 V- League 2017 trong trận đối đầu với Quảng Nam tới đây.

Đối với hành động của 11 cầu thủ CLB Long An trong trận gặp CLB TP.HCM trên sân Thống Nhất tại vòng 6 V-League, ngày 20/02, Bộ VHTTDL đã có Công văn số 560/BVHTTDL-VP yêu cầu Tổng cục Thể dục Thể thao và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam chấn chỉnh những hành vi vi phạm nghiêm trọng tinh thần của Điều lệ giải, phi thể thao, thiếu văn hóa tại Giải Bóng đá V-League 2017.

Trong Công văn nêu rõ hành vi phản ứng với quyết định của trọng tài của các cầu thủ CLB Long An là những hành vi vi phạm nghiêm trọng tinh thần của Điều lệ giải, phi thể thao, thiếu văn hóa và yêu cầu Tổng cục Thể dục thể thao chịu trách nhiệm đôn đốc chỉ đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam xử lý các vụ việc nêu trên và báo cáo Bộ trưởng trước ngày 24 tháng 2 năm 2017.

Đặc biệt, Bộ yêu cầu Tổng cục Thể dục Thể thao chỉ đạo các câu lạc bộ và các cơ quan, tổ chức có liên quan tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng đạo đức, văn hóa ứng xử cho các cán bộ quản lý, huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài tham gia vào các hoạt động bóng đá, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết, xử lý các hành vi tiêu cực, phi thể thao, phi văn hóa, đưa hoạt động bóng đá vào kỷ cương.

Những hành động phi thể thao, coi thường khán giả của các cầu thủ Long An đã được "định án" bằng mức phạt cấm tham gia các hoạt động liên quan đến bóng đá trong vòng 3 năm đối với Chủ tịch Võ Thành Nhiệm, HLV Quang Sang và 2 năm đối với cầu thủ Quang Thanh, thủ môn Minh Nhựt cùng tổng mức phạt tiền lên đến 60 triệu đồng cho cả 4 cá nhân trên.

Bằng những "bản án" nghiêm khắc trên, có thể thẩy, Bộ VHTTDL và những các cơ quan chức năng đã có những động thái mạnh tay, kịp thời nhằm chấn chỉnh, loại bỏ những hành vi phi thể thao, lấy lại hình ảnh của nền bóng đá Việt Nam trong mắt NHM nước nhà nói riêng và của thế giới nói chung.

Kỳ II: Làm gì để lập lại trật tự?

Đăng Huy

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-thao/ky-1-bay-vong-dau-hai-cuoc-noi-loanbo-vhttdl-bam-sat-quyet-liet-chan-chinh-229853.html