KVC giảm sàn 13 phiên và những dấu hỏi trong báo cáo tài chính

Cổ phiếu KVC giảm 13 phiên liên tục với lí do được ban lãnh đạo đưa ra là "do cung cầu trên thị trường tác động". Tuy nhiên những dấu hỏi trong báo cáo tài chính của công ty lại lấy lên nghi vấn về con số tăng vốn gấp 3 trong 1 năm qua của KVC.

Trên sàn giao dịch chứng khoán HNX, cổ phiếu KVC của CTCP Sản xuất Xuất nhập khẩu Inox Kim Vĩ (HNX: KVC) đã liên tục giảm sàn từ ngày 11/10 tại mức giá 12.600 đồng/cổ phiếu xuống mức giá 3.600 đồng/cổ phiếu ngày 27/10/2016.

Sau 13 phiên giảm sàn, cổ phiếu KVC vẫn không ngừng rơi. Trong phiên giao dịch sáng ngày 28/10, cổ phiếu này được giao dịch tại mức giá 3.300 đồng/cổ phiếu với lực bán mạnh, dư bán hơn 7 triệu cổ phiếu và hoàn toàn không có dư mua.

Diễn biến giá cổ phiếu KVC

Với việc cổ phiếu giảm mạnh, ban lãnh đạo KVC đã có báo cáo giải trình về việc cổ phiếu giảm mạnh 10 phiên. Cụ thể, KVC cho rằng giá cổ phiếu giảm sàn là do cung cầu trên thị trường tác động, hoàn toàn không liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty.

“Theo báo cáo quý III/2016, tình hình kinh doanh của công ty rất tốt, lợi nhuận quý III đạt 10,5 tỷ, cao hơn so với cùng kỳ năm trước và cao hơn quý I và quý II năm nay”, ban quản trị KVC giải thích.

Tuy nhiên, liệu rằng một cổ phiếu “cắm đầu” giảm sàn 13 phiên liên tục vì lý do đơn giản như vậy ?

Những khoản phải thu bất thường sau khi tăng vốn gấp 3 lần trong năm

KVC là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, bán buôn inox, bán buôn ô tô, xe chuyên dụng, xe tải, máy công cụ, máy xúc đào, máy nông nghiệp...

Niêm yết trên sàn HNX từ tháng 4 năm 2015, với khối lượng ban đầu 16.500.000 cổ phiếu, tương ứng với vốn điều lệ 165 tỷ đồng. Tháng 4 năm 2016, KVC đã tăng vốn gấp 3 lần, lên 495 tỷ đồng, nâng số cổ phiếu lưu hành lên gần 49,5 triệu cổ phiếu chỉ trong vòng 1 năm. Trước khi niêm yết, KVC chỉ có vốn điều lệ 16 tỷ đồng vào năm 2008.

Việc một doanh nghiệp tăng vốn “khủng” không hẳn là không tốt nếu như doanh nghiệp đó thực sự tăng vốn để đầu tư vào những dự án tiềm năng để mang về giá trị trong tương lai. Thế nhưng, hiện tại trên thị trường chứng khoán vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp có hiện tượng tăng vốn không thực chất. Bằng những thủ thuật khác nhau vẫn lách được luật chẳng hạn như vay tiền chính từ doanh nghiệp đó để mua cổ phần phát hành thêm.

Đối với trường hợp của KVC, với 330 tỷ dồng phát hành thêm, KVC đáng lý phải đầu tư vào dự án. Thế nhưng, báo cáo tài chính của KVC cho thấy doanh nghiệp này đang dành lượng tiền rất lớn cho những khoản phải thu cá nhân không rõ nguồn gốc.

Nguồn: BCTC KVC

Đáng chú ý, các khoản này chỉ phát sinh trong năm 2016, kể từ khi công ty này phát hành tăng vốn lên gấp 3 lần. Tổng giá trị các khoản vay cá nhân và khoản phải thu khác của KVC có giá trị lên đến 180 tỷ đồng.

Điều này theo một chuyên gia kiểm toán đánh giá, thực chất những khoản này không phải là tạm ứng hay phải thu khác mà là số vốn tăng của cổ đông lớn trong các đợt tăng vốn trước đây nhưng chưa góp?

Ngoài ra, trong báo cáo tài chính soát xét quý II/2016 của công ty này, khoản tiền 194 tỷ đồng trả trước người bán nằm trong "khoản phải thu ngắn hạn" của KVC được đơn vị kiểm toán nhấn mạnh rằng: khoản tiền này vẫn trong giai đoạn hoàn tất các thủ tục mua đất đai, máy móc cho dự án, đồng nghĩa với việc khoản tiền này chưa được chứng thực.

Trong khi đó, nợ vay của KVC tại các ngân hàng có giá trị hàng trăm tỷ đồng. Tổng giá trị các khoản vay ngắn và dài hạn của KVC có giá trị lên đến 291 tỷ đồng, trong đó 256 tỷ đồng vay ngắn hạn.

Giá trị tài sản thanh khoản hiện tại của KVC rất thấp nếu loại trừ các khoản thu không rõ nguồn gốc. Hiện tiền và tương đương tiền của công ty duy trì ở mức hơn 7 tỷ đồng.

KVC công bố con số lãi 10,5 tỷ đồng, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2015. Doanh thu của KVC trong báo cáo kết quả kinh doanh đạt 171 tỷ đồng, tăng 80% cùng kỳ năm trước, giá vốn hàng bán tăng lên 146 tỷ, tăng 76% cùng kỳ năm trước, tuy nhiên nếu xét chi phí sản xuất kinh doanh thì chi phí nguyên vật liệu lại giảm 11 tỷ so với quý trước, trong khi hàng tồn kho lại tăng nhẹ lên 206 tỷ.

Có lẽ nhà đầu tư cần nhiều câu trả lời hơn từ phía công ty.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/kvc-giam-san-13-phien-va-nhung-dau-hoi-trong-bao-cao-tai-chinh-20161028112938250p4c147.news