Kuwait nỗ lực phá vỡ bế tắc trong khủng hoảng vùng Vịnh

Sau hơn hai tháng nổ ra cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh, Kuwait vừa bắt đầu khởi động một nỗ lực hòa giải mới với chuyến công du của Ngoại trưởng nước này tới 4 nước: Arab Saudi, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Ai Cập và Oman.

Giới phân tích cho rằng, bước đi hòa giải của Kuwait lần này tương đối có triển vọng khi nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ hơn của Mỹ - quốc gia có ảnh hưởng lớn tới các nước vùng Vịnh đang bao vây, cô lập Qatar.

Ngoại trưởng Kuwait (trái) trao thư tay của Quốc vương Kuwait đến Phó Thủ tướng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (giữa). Ảnh: Kuwait News Agency

Sự khác biệt của Kuwait

Phái đoàn Kuwait tới các nước vùng Vịnh lần này gồm nhiều thành viên cao cấp trong Hoàng gia do Ngoại trưởng Sheikh Sabah al-Khalid al-Sabah dẫn đầu.

Trong các cuộc gặp gỡ với giới lãnh đạo các nước chủ nhà, ông Sheikh Sabah al-Khalid al-Sabah đã trao một bức thư tay của Quốc vương Kuwait Sheikh Sabah Al-Ahmad Al-Jaber Al-Sabah tới các nước này, trong đó thể hiện mong muốn tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh vốn đang trong tình trạng bế tắc suốt nhiều tuần qua.

Dù không công bố chi tiết, song một số nguồn tin cho biết bức thư có đề cập tới mối quan hệ anh em của các nước Arab, quá trình hợp tác và phát triển của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh cũng như những ảnh hưởng tiêu cực từ những diễn biến gần đây trong khu vực.

Dù đã có nhiều quan chức cấp cao của nhiều quốc gia tới vùng Vịnh với vai trò trung gian hòa giải, ví dụ như Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hay Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, song sự khác biệt trong chuyến công du lần này của Ngoại trưởng Kuwait al-Khalid al-Sabah là thúc đẩy một cuộc đối thoại trực tiếp giữa một bên là Qatar và một bên là 4 nước vùng Vịnh gồm Arab Saudi, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Bahrain và Ai Cập.

Bức thư tay mà Quốc vương Kuwait gửi tới lãnh đạo các nước vùng Vịnh mong muốn các nước này tuyên bố rõ ràng một lần nữa những yêu cầu mà họ muốn Qatar thực hiện, những vấn đề mà các nước này không thể thỏa hiệp. Phản hồi của các nước Arab gửi tới Quốc vương Kuwait sẽ được chuyển tiếp cho Qatar để nước này đưa ra quan điểm trong việc thảo luận những yêu cầu này.

Khó khăn lớn nhất đối với vai trò trung gian hòa giải của Kuwait hiện nay là dù tỏ ý sẵn sàng đàm phán, song cả Qatar và các nước vùng Vịnh đều đưa ra các điều kiện tiên quyết cho một cuộc đàm phán như vậy.

Trong khi các nước vùng Vịnh đòi hỏi Qatar thực hiện một “bản yêu sách” trước khi bắt đầu đàm phán, thì phía Qatar cũng từ chối bất cứ một cuộc đàm phán nào trước khi các biện pháp phong tỏa đối với nước này được dỡ bỏ. Giới phân tích cho rằng, Kuwait cần vượt qua được “nút thắt” này để chứng tỏ hiệu quả trong vai trò trung gian hòa giải của mình.

Ngoại trưởng Kuwait Sheikh Sabah al-Khalid al-Sabah dẫn đầu phái đoàn thăm các nước vùng Vịnh. Ảnh: Kuwait News Agency

Những tín hiệu khả quan

Ngay khi cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh nổ ra, Kuwait đã nhanh chóng tuyên bố quan điểm trung lập và tự đề cử vai trò hòa giải trong bất đồng này. Dù chưa đạt được bước đột phá nào, song nỗ lực hòa giải của Kuwait đến thời điểm này cũng đã mang lại một số tín hiệu khả quan.

Việc 4 nước vùng Vịnh điều chỉnh danh sách các điều kiện từ 13 yêu cầu xuống 6 yêu cầu hồi giữa tháng 7 vừa qua đối với Qatar được coi là minh chứng rõ nét nhất.

Hôm qua, các nước Arab Saudi, Bahrain và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất cũng đã thống nhất “tạo điều kiện” cho các chuyến bay của Hãng không quốc gia Qatar, đồng thời cho phép các hãng hàng không nước ngoài trung chuyển qua không phận các nước này đối với những chuyến bay xuất phát và tới Qatar.

Giới phân tích cho rằng, có một số thuận lợi cho nỗ lực hòa giải lần này của Kuwait, đáng chú ý nhất là sự ủng hộ của Mỹ ở thời điểm này.

Chuyến công du của phái đoàn Kuwait diễn ra cùng thời điểm hai đặc phái viên của Mỹ là cựu Tướng thủy quân lục chiến Anthony Zinni và cựu Phó Trợ lý Ngoại trưởng Timothy Lenderking tới Kuwait để nhắc lại sự ủng hộ của Mỹ đối với những nỗ lực của Kuwait, trước khi hai ông này có các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo của 5 quốc gia có liên quan trong cuộc khủng hoảng.

Máy bay của Hãng hàng không Qatar. Ảnh: Qatar Airways.

Dù trước đó, Tổng thống Donald Trump từng thể hiện thái độ ủng hộ các nước vùng Vịnh phong tỏa Qatar, song hai đặc phái viên của Mỹ tới Kuwait lần này mang theo quan điểm trung lập hơn từ phía Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ.

Bên cạnh sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, tình thế thay đổi của các bên sau hơn 2 tháng diễn ra khủng hoảng cũng sẽ tạo cơ hội lớn cho Kuwait.

Đối với Mỹ, bất chấp sự khác biệt về quan điểm với Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng, Tổng thống Donald Trump cũng sẽ phải tìm cách kết thúc cuộc khủng hoảng này vì sự tồn tại của căn cứ quân sự Mỹ tại Qatar, vì mục tiêu trong cuộc chiến chống IS, vì hoạt động đầu tư của Qatar ở Mỹ cũng như vì sự ổn định của khu vực.

Đối với các nước vùng Vịnh, họ cũng cần nối lại quan hệ với Qatar không chỉ vì kinh tế mà còn vì sự cân bằng chính trị trong khu vực, nếu không muốn Qatar ngày càng ngả về Thổ Nhĩ Kỳ và Iran – 2 quốc gia đang muốn tận dụng cuộc khủng hoảng ngoại giao lần này để nâng cao vị thế.

Mặc dù không có gì đảm bảo cho thành công hòa giải lần này của Kuwait, nhưng giới phân tích đều cho rằng, nếu bất cứ ai có khả năng phá vỡ thế bế tắc hiện nay giữa các nước vùng Vịnh thì đó sẽ là Kuwait. Từng hòa giải thành công cuộc khủng hoảng ngoại giao ở khu vực hồi năm 2014, dư luận có lý do để tin tưởng và chờ đợi Kuwait sẽ lặp lại thành tích này một lần nữa./.

Thúy Ngọc

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/quoc-te/201708/kuwait-no-luc-pha-vo-be-tac-trong-khung-hoang-vung-vinh-2833155/