KTS Hoàng Thúc Hào: Kiến trúc Việt Nam hàm chứa rất nhiều yếu tố xanh trong lịch sử

Theo đuổi kiên định một kiến trúc Việt Nam giàu bản sắc, luôn tự làm mới mình, để tạo nên sự 'ngạc nhiên bền vững', KTS Hoàng Thúc Hào vừa nhận giải thưởng danh giá SIA- GETZ cho kiến trúc sư nổi bật ở châu Á năm 2016 với cụm công trình xã hội, cộng đồng mà anh thực hiện suốt 10 năm qua.

Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào.

Ngôn ngữ thiết kế của Hoàng Thúc Hào giản dị nhưng luôn ẩn chứa sự cách tân về công nghệ và kỹ thuật, tạo nên sự bền vững của công trình, bền vững về văn hóa. Anh đã hợp nhất ý tưởng về hình thức và sự gắn kết với cộng đồng thành luận điểm “kiến trúc hạnh phúc”…

Những kỷ niệm mà anh nhớ nhất về bến bờ của riêng tôi, về một tuổi trẻ đầy ưu tư trước những ngã rẽ của cuộc đời, để có thể hình thành nên tính cách con người anh và cá tính trong kiến trúc?

Hồi bé tôi không biết gì về kiến trúc cả, học kiến trúc do bố thôi. Bố tôi là Trưởng khoa Nội thất của đại học Kỹ thuật Công nghiệp, mẹ làm tranh sơn mài, cả nhà đều là họa sĩ. Đam mê hội họa, âm nhạc từ bé, lại được sống trong không khí xung quanh là nội thất, là nghệ thuật, là bạn bè của bố… nên khi bố bảo thi kiến trúc là thi thôi…

Quê tôi ở Nghệ An, kỷ niệm mà tôi nhớ nhất là những buổi tối, thỉnh thoảng bố về khuya, uống bia ngà ngà nói với con trai: “Lớn lên con phải làm gì cho quê hương xứ sở…”. Tôi rất thích đọc sách, loại sách mà tôi mê nhất là những tấm gương lịch sử, anh hùng hảo hán như được thể hiện qua những cuốn sách như Sử ký Tư Mã thiên, Nguyễn Trãi, Ngô Thời Nhiệm, Thép đã tôi thế đấy, Người Thăng Long… tôi không hình dung ra được lớn lên sẽ làm gì.

Một điều may mắn nữa là tôi đã được học những người thầy tuyệt vời, đạt giải thưởng quốc tế về kiến trúc đầu tiên ở Việt Nam, dạy học trò với tất cả trách nhiệm, nghề nghiệp của kiến trúc sư, tính xã hội của người kiến trúc sư, chứ không nhiều về kỹ năng… Còn các ngón nghề, kỹ năng kiến trúc đều tự học, ảnh hưởng bạn bè, anh em đi trước, học quốc tế nhiều hơn.

KTS Hoàng Thúc Hào vừa nhận giải thưởng danh giá SIA- GETZ cho kiến trúc sư nổi bật ở châu Á năm 2016.

KTS Hoàng Thúc Hào vừa nhận giải thưởng danh giá SIA- GETZ cho kiến trúc sư nổi bật ở châu Á năm 2016.

Vì sao anh quyết liệt theo đuổi con đường kiến trúc vì cộng đồng những người yếm thế trong xã hội? Anh nghĩ gì khi những giá trị cộng đồng nhỏ đang mất dần đi, làm tổn thương nghiêm trọng đến sức mạnh cộng đồng của toàn xã hội?

Toàn cầu hóa có nguy cơ làm cho con người trở nên ích kỷ, ngoài giá trị đem lại cạnh tranh vật chất, bản sắc mất đi, nhất là những cộng đồng yếm thế. Trong khi đó chính những cộng đồng yếm thế này đang giữ lượng văn hóa khổng lồ, đóng góp vào sự đa dạng của loài người, để mất đi rất lãng phí.

Sự thiếu vắng những không gian văn hóa cộng đồng diễn ra ngay cả trong đô thị. Với dân nhập cư ven sông Hồng, trẻ em làm gì có sân chơi, người ta bán hết đất công, không gian sinh hoạt tinh thần đâu có, bản sắc cá nhân của họ bị triệt tiêu dần. Kiến trúc trở nên nhân bản vô tính, giống nhau. Trong khi đó Hà Nội có vẻ đẹp rất riêngnhưng không được phát huy, các làng trong đô thị dần mất hết, không phát huy được vai trò trong tạo lập sắc thái riêng

Kiến trúc bền vững, kiến trúc cho nông dân, nông thôn... đòi hỏi anh và cộng sự của tôi trong văn phòng kiến trúc 1+1>2 một nỗ lực bền bỉ như thế nào?

Nhà cộng đồng Suối Rè là dự án đầu tiên có cách tiếp cận mới. Với nguồn lực, nguyên vật liệu, và cả nhận thức của người dân ở nông thôn còn hạn chế, làm thế nào để duy trì được sức sống của công trình, thuyết phục người dân cùng xây dựng và quản lý nó, yêu quý nó như một phần trong đời sống hàng ngày? Chỉ có thể mang giá trị văn hóa, lịch sử, thiên nhiên và vật liệu bản địa, kết hợp với công nghệ hiện đại và cái nhìn đương đại, mới có thể duy trì được sức sống của công trình.

Ngôi trường mái lá ọp ẹp của các em học sinh ở Lũng Luông được thay thế bằng một tổ hợp nhà đất xinh xắn gần 4.000m2.

Ngôi trường mái lá ọp ẹp của các em học sinh ở Lũng Luông lại mang đến cho tôi một cảm xúc khác. Làm thế nào xây dựng được một ngôi trường vùng xa nghèo khiến các em cảm thấy thân yêu và gần gũi, tạo niềm hứng khởi mỗi khi đến lớp. Vừa sử dụng gạch, đất địa phương, vừa bảo đảm các tiêu chuẩn về ánh sáng, thông gió, cách âm, nơi phát triển kỹ năng sống khác… Một tổ hợp nhà đất xinh xắn gần 4.000m2 bao gồm 8 lớp khối tiểu học, 2 lớp mầm non, phòng đa năng, ký túc xá, sân vườn… đã ra đời, với không gian được tổ chức linh hoạt thành các lớp trong - ngoài, rỗng - đặc, không gian tĩnh - không gian động… giữa các khối với nhau.

Ở bất cứ con đường nào từ trên núi cao dẫn đến trường, các em cũng có thể ngắm nhìn những mái nhà đầy màu sắc như những cánh hoa rừng, gây hiệu ứng thị giác mạnh. Đó là món quà cho trẻ em dân tộc vùng cao, nơi có địa điểm hiểm trở và thời tiết khắc nghiệt.

Việc xây dựng gặp rất nhiều trở ngại về địa hình, vật liệu, và kéo dài cả vì lý do chủ quan và khách quan. Nhưng các cộng sự của tôi đều là sinh viên, kiến trúc sư trẻ vừa ra trường, rất nhiệt huyết, trong sáng, chưa vướng bận nhiều về gia đình. Đi lại, nằm vùng ở những miền quê hẻo lánh dễ dàng hơn. Về kỹ thuật có thể các bạn hơi non nhưng ngược lại dễ phối hợp, nghĩ ra nhiều bất ngờ. Tôi nhìn thấy, và có phương pháp để “ đẩy” sáng tạo ấy lên một tầm mới.

Lúc đầu, chúngtôi cũng chả tính toán gì, hết việc này đến việc kia đều có tính nhân văn, tự thân công việc đã có sự lan tỏa, truyền cảm hứng, mỗi ngày lớn dần lên, anh em trẻ công ty đều nhìn thấy tôi trong đó.

Có bao giờ anh phải đối mặt với những hy sinh cả về vật chất và tinh thần, để tìm đến đích, trong một môi trường văn hóa và đời sống nông thôn và nông dân còn quá khó khăn như hiện nay?

Tôi phải kiên định thôi. Tôi vẫn làm công ty, vẫn ký hợp đồng, có công trình, còn dự án cho người yếm thế hầu hết miễn phí 100%, tôi phải bỏ thêm thời gian và cả tài chính, để hoàn thiện tác phẩm, vì nông dân không có điều kiện.

Cái nào cũng khó khăn cả, nhưng vì tôi say mê, anh em cũng say mê nên từng thách thức một sẽ vượt qua. Người ta hay nói tôi “lì”, làm giải pháp này không được phải tìm giải pháp khác, vì tôi tin vào mục tiêu, tin vào con đường của tôi.

KTS Hoàng Thúc Hào cùng GS Ngô Bảo Châu tại trường tiểu học Lũng Luông (Thái Nguyên).

Nhiều người vẫn quan niệm kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng là rất tốn kém và khó khăn trong việc biến nó thành hiện thực, nhưng anh đã chứng tôi điều ngược lại, khi thực hiện những công trình cho cộng đồng và truyền cảm hứng ấy cho giới kiến trúc sư trẻ?

Kiến trúc vùng nông thôn giờ đâu đâu cũng giống nhau. Tôi hy vọng những tác phẩm này sẽ gieo mầm vào xã hội, có sức lan tỏa nhất định. Rất nhiều bạn sinh viên đã làm dự án cộng đồng và được giải quốc tế như nhà chống lũ, nhà vệ sinh công cộng trong trường học, hay những nhóm đi xây trường, không gian vườn hoa công viên, nhà ở cho công nhân, chung cư cho người có thu nhập thấp, nhà ở xã hội… Họ hiểu làm dự án ấy với tinh thần kiến trúc vật liệu xanh, tiết kiệm năng lượng là cơ hội hội nhập quốc tế, kênh hiệu quả để đi ra thế giới.

Việt Nam có ưu thế về kiến trúc xanh, hàm chứa rất nhiều yếu tố xanh trong lịch sử, chỉ cần phát huy lại đã đứng trên vai người khổng lồ. Như nhà ba gian hai chái của đồng bằng Bắc bộ, vật liệu đất nện, gỗ, tre… rất mát. Mái ngói âm dương cách nhiệt rất tốt, không hóa thạch, nhà quay hướng Nam, đối lưu tốt, cách nhiệt có hàng hiên, nắng trước khi vào nhà dội vào tấm mành tre, rất xanh… Chỉ cần làm vỏ cách nhiệt tốt giữa mái và tường, không cần dùng điều hòa. tôi phải tự thân xanh mới phù hợp với thu nhập người Việt Nam, còn đợi công nghệ cưỡng bức làm ra xanh thì còn lâu. Đó là kinh nghiệm quốc túy cần lưu ý phát huy.

Trong thời đại công nghệ số và trí tuệ nhân tạo này, anh có lo sợ những thành phố thông minh, những căn hộ giống hệt nhau sẽ làm cho con người ngày càng cô đơn, cách biệt, lạnh lùng? Làm thế nào để giữ được tính "người", tính nghệ thuật, tính trong sáng và hiền lành trong kiến trúc hiện đại?

Bắt đầu có kiến trúc sư quan tâm đến điều đó. Khó khăn nhất là bảo vệ được cái riêng trong bối cảnh toàn cầu hóa, muốn thế phải hiểu rõ bối cảnh cụ thế của từng địa phương, xã hội và thiên nhiên, sẽ tìm ra đáp số cụ thể. Tất cả con người trên trái đất đều khác nhau, tạo nên cá nhân riêng biệt, kiến trúc cũng thế, quan trọng là khả năng, nghị lực sáng tạo của anh đến đâu?

Nghề kiến trúc sư không có thần đồng, phải trải nghiệm liên tục, rèn luyện bản lĩnh về văn hóa, xã hội, nghệ thuật… Không thể nào phục vụ chủ đầu tư để kiếm tiền, phải làm việc vì con người, vì tương lai văn hóa của vùng đất ấy, không sớm thì muộn sẽ ra cái mà tôi theo đuổi.

Trung tâm hạnh phúc quốc gia Bhutan do KTS Hoàng Thúc Hào thiết kế.

Với anh, bến bờ của kiến trúc và bến bờ của riêng anh dường như là một?

Bến bờ là cái người ta say mê, đeo đuổi cả đời, là hàm lượng chính bảo đảm hạnh phúc cá nhân. Hạnh phúc bền vững là hành động có ý chí của con người, chịu tác động bởi ngoại cảnh, bản thể, và hành động có nhận thức. Trong đó ngoại cảnh chiếm 10-20% thôi, bản thể thì khó thay đổi được, cuối cùng chỉ có hành động có ý chí của con người là quan trọng nhất.

Với tôi, theo đuổi kiến trúc xã hội vì con người là điều bảo đảm hạnh phúc của tôi, của nhóm tôi. Từng năm theo đuổi nó, rút kinh nghiệm, say mê, để ngày càng sâu sắc hơn. Nội lực là sự rèn luyện và trải nghiệm. Kiến trúc là một nghệ thuật xã hội, không có trải nghiệm xã hội rất khó làm ra cái gì sâu sắc. Qua từng dự án cụ thể nội lực dần thâm hậu, phong phú lên… Những cuộc thi, hội thảo quốc tế cho tôi cọ xát, hiểu và tự tin với con đường tôi đã chọn, không võ đoán, chủ quan trong tương quan ao làng của riêng tôi và thế giới.

Tôi hy vọng trong tương lai có thể tiếp tục cam kết ấy, để cộng sự của tôi có cuộc sống bình yên, có thể theo đuổi nghiệp kiến trúc cộng đồng đầy vất vả, gia đình, vợ con họ có thể chia sẻ được. Phải tìm cách lo cho họ đủ sống để cống hiến, dấn thân vào con đường đầy chông gia này, có điều kiện để hoàn thiện mình.

[BizSTORY] Hành trình “lội ngược dòng” của chàng nhạc sĩ - doanh nhân Văn Tuấn Anh

[BizSTORY] Ông Đinh Duy Linh: “Làm chung công ty phải hợp mới hùn”

[BizSTORY] CEO Microsoft Việt Nam: Tôi nghĩ học tử tế mới khó!

KIM YẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/dia-oc/bizstory-kts-hoang-thuc-hao-kien-truc-viet-nam-ham-chua-rat-nhieu-yeu-to-xanh-trong-lich-su-2387154.html