Kon Tum: 'Giăng lưới' quét xe máy độ chế

Đủ kiểu xe máy độ chế, độ khung, độ đầu, độ bô… thậm chí, có xe độ nguyên cả xe.

 Lực lượng chức năng ra quân chưa đầy 1 tháng, bãi chứa xe độ chế huyện Ngọc Hồi đã quá tải

Lực lượng chức năng ra quân chưa đầy 1 tháng, bãi chứa xe độ chế huyện Ngọc Hồi đã quá tải

Độ chế dễ mất an toàn

Ngày 4/4, tại thôn Dục Nhầy, xã Đắk Dục, trên đường liên xã, Tổ TTKS của Đội CSGT, Công an huyện Ngọc Hồi phát hiện ông A Tạ đang ngồi trên một chiếc xe máy độ chế. Thấy lực lượng chức năng tới, ông A Tạ liền nổ máy điều khiển chiếc xe đi trốn. Tuy nhiên, khi bị lực lượng TTKS tịch thu xe, ông A Tạ đã gọi cả buôn ra ngăn cản, gây khó khăn cho lực lượng chức năng.

Theo báo cáo của Phòng CSGT tỉnh Kon Tum, trên toàn tỉnh hiện có hơn 3.300 phương tiện cơ giới đường bộ không đảm bảo điều kiện lưu hành, trong đó có 225 ô tô, hơn 3.000 mô tô, xe gắn máy cải tạo, lắp ráp trái phép… Ngọc Hồi là địa phương có nhiều xe độ chế nhất tỉnh Kon Tum với hơn 1.200 chiếc, Sa Thầy hơn 570 chiếc, Đắk Glei gần 540 chiếc... Tuy nhiên, số liệu này cũng chưa đầy đủ, bởi còn nhiều xe độ chế trôi nổi cất giấu tại nhà dân ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, khó kiểm soát.

Đại úy Nguyễn Văn Minh, cán bộ CSGT, Công an huyện Ngọc Hồi cho biết: Có rất nhiều kiểu xe độ chế, với nhiều mục đích khác nhau, như để chở hàng nông sản từ rẫy về, chở gỗ lậu, thậm chí chỉ để chơi ngông. Những chiếc xe độ chế này rất mất an toàn, nhất là khi gặp lực lượng chức năng, họ tìm cách luồn lách và chạy với tốc độ rất cao để trốn xử phạt. “Dù chưa gây ra vụ TNGT nào nghiêm trọng, nhưng tiềm ẩn nguy cơ TNGT cao”, Đại úy Minh nói.

Anh Nguyễn Xuân Hanh, một thợ sửa xe máy cho biết: Hầu hết các xe độ chế đều được thay mới một số bộ phận kỹ thuật, đôn nòng nên chạy với vận tốc rất lớn. Xe máy thông thường chạy vận tốc tối đa khoảng 90km/h, nhưng khi được độ chế, có thể chạy đến 120-140km/h. Vì thế, một bộ phận thanh niên thích chơi ngông sẽ săn lùng tìm mua xe độ chế như một món “đồ chơi”.

“Tôi thấy các nhóm thanh niên đến tiệm bán phế liệu tìm mua sườn xe máy với giá khoảng 200.000 - 300.000 đồng, sau đó mang đến các tiệm sửa xe độ chế lại. Một chiếc xe máy sau khi độ chế hoàn thiện sẽ mất khoảng 4-6 triệu đồng, thậm chí đến 20 triệu đồng tùy vào bộ phận được thay thế và kiểu dáng lạ mắt của xe”, anh Hanh nói.

Mở cao điểm tịch thu xe độ chế

Đại tá Lê Đình Toàn, Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Kon Tum cho biết, nhằm ngăn chặn tình trạng xe độ chế chạy trên đường gây mất ATGT, cuối tháng 3, Phòng CSGT đã xây dựng kế hoạch “Kiểm tra, xử lý ô tô, mô tô, xe gắn máy không đảm bảo điều kiện lưu hành trên địa bàn tỉnh năm 2017” và kế hoạch “Tăng cường lực lượng phối hợp với công an cấp huyện TTKS, xử lý xe không đảm bảo điều kiện lưu hành”.

Theo đó, lực lượng CSGT Công an tỉnh Kon Tum sẽ phối hợp với công an các huyện siết chặt hơn nữa công tác quản lý phương tiện; Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm về thay đổi kết cấu xe; Phối hợp đồng bộ với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền nguy cơ tiềm ẩn TNGT từ xe độ chế. Đồng thời, tuyên truyền, tổ chức ký cam kết không nhận độ chế xe sai quy định cho những người sửa chữa xe máy và tăng cường công tác TTKS tại địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, kiên quyết tịch thu xe tự chế tham gia giao thông.

Thiếu tá Nguyễn Việt Anh, Phó trưởng Công an huyện Ngọc Hồi cho biết: “Xử lý xe độ chế rất phức tạp. Tất cả các xe này đều không được phép lưu thông, vì vậy khi phát hiện phải tịch thu ngay và không ít lần lực lượng chức năng gặp khó khăn khi bị người dân cản trở, nhưng thực hiện chỉ đạo từ công an tỉnh, chúng tôi kiên quyết thu giữ xe vi phạm. Chỉ trong tháng 4, sau gần 1 tháng ra quân, chúng tôi đã thu 66 xe tự chế”.

Văn Tư

Nguồn Giao Thông: http://www.atgt.vn/kon-tum-giang-luoi-quet-xe-may-do-che-d207903.html