Klopp và cú lên đỉnh 46 phút

“ Klopp on top for 46 minutes”, (Klopp lên đỉnh 46 phút), chắc chúng ta sẽ bật cười với cái tít ấy của The Times. Nhưng sự thực nó là vậy. Đội bóng của Klopp đã ngự trên vị trí số 1 của BXH tạm thời Premier League đúng ngần ấy thời gian.

1. Cho đến khi West Brom có bàn gỡ 1-2, họ đã phải nhường lại vị trí đó cho Arsenal vì hiệu số bàn thắng bại. Và cái sự lên đỉnh trong thời gian ngắn đó cũng chính là bản chất của Liverpool ở trận gặp West Brom nói riêng và cả trong cuộc đua Premier League nói chung.

Khi Liverpool dẫn 2-0, không ít người cho rằng họ sẽ có một trận thắng đậm, nếu nhìn vào sức mạnh của hàng công với những Firmino, Mane, Coutinho, Lallana. Rõ ràng, Liverpool vượt trội đối thủ ở mọi mặt: Từ không chiến đến tranh chấp tay đôi trong không gian hẹp; từ khống chế bóng đến kiểm soát lối chơi; từ áp sát cho tới dàn xếp tấn công. Nhưng chỉ 15 phút sau giờ nghỉ giữa hiệp, mọi thứ đã khó khăn hơn. Liverpool vẫn tỏ ra càn lướt nhưng West Brom đã tổ chức chặt chẽ hơn, và quan trọng, họ có bàn gỡ 1-2, một bàn gỡ không mang ý nghĩa về điểm số nhưng lại mang ý nghĩa trong đánh giá thực lực của một đội bóng trong cuộc chơi lớn này.

Klopp: ‘Tôi không tôn trọng những ai chê Liverpool phòng ngự kém’

Juergen Klopp đã phản ứng rất giận dữ trước những chỉ trích nhắm vào hàng phòng ngự của Liverpool cho dù họ vừa thắng trận trước West Brom.

2. Nếu nhìn vào cách Liverpool chơi với West Brom, và một vài đối thủ khác gần đây, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng trận đấu sẽ dễ dàng với thầy trò Klopp nếu họ có một hiệp 1 suôn sẻ. Nhược bằng không, kết cục trận đấu có thể sẽ không theo ý muốn của họ, hoặc nếu có thì vô cùng vất vả, thậm chí cần cả sự may mắn. Và đó cũng không phải là đặc tính riêng của Liverpool mà cũng là đặc tính chung của cả Dortmund ngày trước. Nói thẳng, nó là sản phẩm của Klopp.

Klopp chủ trương xây dựng lối chơi áp sát ở mọi không gian, mọi vị trí với cường độ cao, mật độ liên tiếp và tốc độ chóng mặt. Ngay sau khi tổ chức áp sát để phong tỏa đối thủ và cướp bóng, ông cũng yêu cầu các cầu thủ của mình ngay lập tức đẩy nhanh tốc độ tổ chức tấn công hoặc phản công. Lối chơi ấy khiến đối thủ chóng mặt, và thậm chí có người còn nhận xét nó là lối chơi thần tốc như chiến thuật Blitzkrieg trong đại chiến Thế giới II. Song, như mọi lối chơi, mọi lý thuyết, mọi nguyên lý trên tinh cầu này, chẳng có thứ nào là hoàn hảo cả. Cái gì cũng có nhược điểm của nó và quan trọng là nhược điểm sẽ bộc lộ ra khi nào mà thôi.

3. Hãy tưởng tượng nếu chiếc tăng Leopard 2A5 hiện đại, vốn dĩ được thiết kế với tốc độ tối đa (chạy trên đường bằng phẳng) là 72km/h nhưng những người vận hành nó bắt nó chạy liên tục với vận tốc vượt quá vận tốc tối đa 10% thì chuyện gì sẽ xảy ra? Rất có thể sự quá tải trong một thời gian liên tục, với cường độ cao, sẽ khiến cỗ tăng ấy đứt xích, hoặc người điều khiển không còn làm chủ được nó, và dẫn tới tai nạn.

Những cơ hội ngon ăn không được kết thúc bởi những pha dứt điểm tinh, nhanh, mạnh, gọn ghẽ của Liverpool trong hiệp 2 cho thấy dấu hiệu chùn chân do quá tải vì hoạt động quá liên tục và căng thẳng ở hiệp 1 là có thật. Những pha phối hợp nhóm một chạm, tốc độ nhưng ngày càng thiếu chính xác trong hiệp 2 so với hiệp 1 cũng là hậu quả của sự quá tải ấy. Và chính vì cường độ hoạt động luôn vượt ngưỡng chịu đựng đó, Liverpool nhiều khả năng sẽ là đội bóng luôn lên đỉnh rất sớm và tụt đỉnh rất nhanh ở mùa bóng này.

Con người, đội bóng, đều có điểm tới hạn của nó. Họ có năng lượng nhưng nếu không được dự trữ, mà thay vào đó, đốt cho nhanh ngay trong khoảng thời gian đầu để lên đỉnh, họ sẽ khó ở trên đỉnh được lâu. Liverpool đang chơi hay, hưng phấn, nhưng sự hưng phấn ấy kéo dài đến khi nào? Đó là một câu hỏi rất đáng quan tâm và biết đâu chừng, cuối mùa này, họ lại có một cú vấp như của Gerrard mấy năm trước, một cú vấp 24 năm đáng tiếc…

Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/anh/klopp-va-cu-len-dinh-46-phut-n20161023230259512.htm