Kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân

Thông qua hoạt động giám sát, MTTQ đã kịp thời phát hiện những sai phạm để kiến nghị xử lý đồng thời phổ biến, nhân rộng những nhân tố mới, các điển hình tiên tiến. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng ông Phan Hữu Đức - Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Ninh Thuận xung quanh vấn đề này.

Chương trình đưa hàng Việt về vùng nông thôn tại xã miền núi
thuộc huyện Bắc Ái (Ninh Thuận).

PV: Giám sát và phản biện xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Mặt trận, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Thuận đã triển khai nhiệm vụ này như thế nào, thưa ông?

Ông Phan Hữu Đức: - Thời gian qua MTTQ các cấp trong tỉnh đã tập trung giám sát chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương đối với vùng đồng bào dân tộc miền núi (trọng tâm là việc giao đất sản xuất, giao rừng khoán quản đối với đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2010-2015); Giám sát công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân (công tác tiếp công dân ở các cơ quan; một số vụ việc khiếu kiện kéo dài); Giám sát về công tác bảo vệ môi trường (một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ảnh hưởng đến môi trường, khai thác khoáng sản làm ảnh hưởng đến môi trường); Giám sát công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm tại một số cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản (chủ yếu là rau quả tươi sống và chăn nuôi gia súc, gia cầm) trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, đã tổ chức được 2 cuộc giám sát: Giám sát thực hiện chính sách về đất sản xuất, đất rừng khoán quản đối với đồng bào dân tộc miền núi trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận (giai đoạn 2010-2015) tại 4 xã và 4 đơn vị liên quan; giám sát công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm tại 5 cơ sở sản xuất, chế biến và 5 đơn vị liên quan.

Nhằm phát huy tinh thần sáng tạo và tự quản của nhân dân, UBMTTQ tỉnh đã triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước như thế nào thưa ông?

- MTTQ các cấp trong tỉnh đã phát động phong trào thi đua năm 2016 đồng thời, hướng dẫn về tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” bằng việc phối hợp rà soát sửa đổi, bổ sung điều chỉnh các tiêu chí, quy ước, quy định, bình xét, công nhận các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “thôn, khu phố văn hóa”, “cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”, “xã văn hóa nông thôn mới”, “phường, thị trấn văn minh” phù hợp với nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.

Ngoài ra, UBMTTQ tỉnh đã tổ chức phát động và xây dựng mô hình khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường tại thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước; đồng thời hướng dẫn nội dung tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong hệ thống MTTQ tỉnh.

Công tác triển khai thực hiện các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước đạt nhiều kết quả, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”, đền ơn đáp nghĩa, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” …; nội dung và phương thức hoạt động đều tập trung hướng về cơ sở. Công tác phát huy dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, giám sát và phản biện xã hội ngày càng đi vào thực chất hơn. Công tác củng cố bộ máy, tổ chức và nâng cao chất lượng cán bộ được quan tâm, phần lớn đội ngũ cán bộ Mặt trận tâm huyết, gắn bó với các phong trào tại địa phương.

Tuy nhiên, trong hoạt động của MTTQ, nhất là ở cơ sở, công tác nắm bắt và phản ánh những tâm tư nguyện vọng bức xúc của nhân dân có lúc chưa kịp thời. Công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước chưa được cụ thể hóa cho phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; hình thức chưa thật phong phú, đa dạng. Việc triển khai thực hiện các cuộc vận động và phong trào thi đua tuy có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn thiếu tính sáng tạo; việc tổng kết và nhân rộng các mô hình điển hình tiến tiến có lúc, có nơi chưa thường xuyên, kịp thời. Công tác giám sát của Mặt trận ở một số nơi còn lúng túng, hiệu quả chưa cao.

Để thực hiện tốt chương trình giám sát, phản biện xã hội trong thời gian tới, UBMTTQ tỉnh đã đề ra phương hướng như thế nào, thưa ông?

- Giám sát và phản biện xã hội là trách nhiệm của MTTQ với dân, với Đảng. Thông qua hoạt động giám sát, kịp thời phát hiện những sai phạm, khuyết điểm đồng thời phát hiện, phổ biến, nhân rộng những nhân tố mới, các điển hình tiên tiến.

Trong thời gian tới, nhằm phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, UBMTTQ các cấp trong tỉnh sẽ tiếp tục giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh.

Tổ chức tốt việc tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân phản ánh tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân các cấp phản ánh với các cơ quan Đảng và Nhà nước; theo dõi, giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị chính đáng của nhân dân.

Tổ chức các chương trình giám sát do Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp triển khai: giám sát công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; giám sát về công tác bảo vệ môi trường.

Tiếp tục triển khai Đề án “Tiếp tục xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư giai đoạn 2013 – 2016”. Phát huy vai trò của Mặt trận trong thúc đẩy thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Trân trọng cảm ơn ông!

Văn Nhất (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cong-tac-mat-tran/kip-thoi-phan-anh-tam-tu-nguyen-vong-cua-nhan-dan/123783