Kịp thời đến với đồng bào vùng lũ

Chủ tịch Quốc hội với bà con vùng lũ

(Cadn.com.vn) - Sáng 19- 10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả lũ lụt; động viên thăm hỏi, chia sẻ những khó khăn và trao quà cứu trợ cho người dân xã Hòa Hải, H.Hương Khê và xã Đức Hương, H.Vũ Quang (Hà Tĩnh). Đây là những địa phương ngập sâu, bị thiệt hại nhiều về tài sản, hoa màu trong đợt lũ vừa qua.

Tặng quà cho gia đình chị Nguyễn Thị Lý (ở xóm 7, xã Hòa Hải), Chủ tịch Quốc hội ân cần hỏi han và chia sẻ những thiệt hại do thiên tai gây ra. Được biết, gia đình chị Lý là một trong những hộ gia đình bị thiệt hại lớn tại xã Hòa Hải. Nhận món quà từ tay người đứng đầu Quốc hội, chị Lý xúc động cho biết: “Tài sản lớn nhất của gia đình là con bò vừa mới mua bằng số tiền 10 triệu đồng được vay từ ngân hàng đã bị lũ cuốn trôi; ngoài ra, các tài sản khác như bàn ghế, gà vịt đều bị trôi hết”.

Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội và đoàn công tác tới thăm và tặng quà cho các hộ gia đình khó khăn như cụ Nguyễn Thị Tỉu (84 tuổi, trú xóm 6), bà Trần Thị Thanh (73 tuổi, xóm 6), ông Phan Văn Châu (63 tuổi, xóm 8), gia đình anh Nguyễn Đăng Lợi (xóm 7), gia đình anh Đào Quang Trường (xóm 6) đều thuộc xã Hòa Hải. Chủ tịch Quốc hội mong bà con Hòa Hải nói riêng và người dân Hương Khê nói chung tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau, đặc biệt trong những lúc khó khăn hoạn nạn. Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các cấp luôn luôn sát cánh, hỗ trợ nhân dân trong mọi hoàn cảnh.

Sau khi thăm hỏi, động viên những hộ gia đình bị thiệt hại trong đợt lũ vừa qua tại xã Hòa Hải và xã Đức Hương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng đoàn đi kiểm tra tiến độ, công tác ứng phó mưa lũ trên công trường kênh dẫn hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi- Cẩm Trang (H.Vũ Quang). Chủ tịch Quốc hội lưu ý các đơn vị thi công khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các hạng mục; chủ động nắm bắt diễn biến thời tiết để có phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản. Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng đoàn đã đến thăm hỏi, chia sẻ những mất mát của gia đình chị Hồ Thị Loan (1981, trú tổ dân phố 1, P.Đại Nài, TP Hà Tĩnh) tử vong do bị lật thuyền khi đi mua bì về đựng lúa.

Chia sẻ với những mất mát của người dân vùng lũ Hà Tĩnh, các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị tiếp tục đến trao quà cứu trợ, động viên người dân vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao quà cho bà Nguyễn Thị Tỉu,
xã Hòa Hải, H.Hương Khê.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao quà cho người dân xã Hòa Hải.

“Nhà cửa còn chi mô”

Tại tỉnh Quảng Bình, nước vẫn cắt ngang nhiều đoạn đường vào thôn thấp trũng Vinh Quang, xã Sơn Thủy, H.Lệ Thủy. Xóm làng xơ xác, nhà cửa ngập ngụa bùn đất, cây cối tiêu điều. Người mẹ nghèo Võ Thị Đào đưa mắt nhìn quang cảnh nhà hàng xóm rồi đến nhà mình, bụi chuối duy nhất còn lại cũng như chực chờ đổ sập sau nước rút. “Nhà cửa còn chi mô, biết làm răng chừ đây”, bà Đào không thể giấu được nỗi hoang mang khi ngôi nhà tạm của mấy mẹ con đã tan theo cơn lũ lịch sử. Lúa trôi, heo gà cũng bị nhấn chìm, chị Đào với bà con trong thôn không thể kể được hết những khó khăn sắp tới. Chính vì thế, đón nhận số tiền hỗ trợ ban đầu từ UBND H.Lệ Thủy, chị Đào đã rưng rưng nước mắt, xúc động trước sự quan tâm kịp thời này.

Trong khi đó, một nhóm bạn trẻ từ TP Đà Nẵng thông qua kêu gọi của báo chí và cơ quan địa phương đã kịp thời đến bà con vùng lũ Thượng Hóa, Minh Hóa và Dân Hóa của huyện miền núi Minh Hóa, Quảng Bình. Qua đó, đã trao 1.000 phần quà gồm nhiều loại nhu yếu phẩm như: gạo, mì ăn liền, dầu ăn, nước mắm, bột ngọt, muối, cá khô, nước uống... tận tay bà con. Đoàn thiện nguyện cũng đặc biệt trao thêm chăn ấm cho đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa. “Nghĩa tình đáng quý của đồng bào cả nước hướng về Quảng Bình những ngày khó khăn đã thực sự tiếp thêm nghị lực cho bà con tôi vượt qua gian nan. Cũng mong nhận được nhiều sự quan tâm đến lũ trẻ, trường ngập, thiết bị dạy học hư hỏng, sách vở ướt hết, trôi hết, nát hết rồi”, ông Nguyễn Văn Loan, xã Dân Hóa nghẹn ngào khi đón nhận món quà của đoàn thiện nguyện.

Đoàn thiện nguyện trao quà cho người già neo đơn tại H. Tuyên Hóa (Quảng Bình).

Mưa lũ lịch sử đã có hơn 10 trường học thuộc các xã Tân Hóa, Dân Hóa, Thượng Hóa, Trọng Hóa, Hóa Thanh (H. Minh Hóa) bị ngập lụt nặng. Mưa lũ cũng đã cuốn trôi, hư hỏng rất nhiều tài sản của nhà trường... Chính vì thế, nỗi lo của ông Loan cũng chính là của hàng ngàn hộ dân có con em đang đối mặt với gian nan đến trường những ngày tới.

Khó khăn sau cơn lũ lịch sử cũng đang chồng chất tại H.Quảng Trạch. Nắm được thông tin qua báo chí, vượt hàng trăm ki-lô-mét từ tỉnh Quảng Ninh xa xôi, đoàn thiện nguyện của anh Đoàn Văn Tuấn và các nhà hảo tâm đã đến các xã Quảng Lộc, Quảng Minh trao tổng cộng 1.200 suất quà cho bà con. “Nghĩa tình sẻ chia của nhân dân cả nước, của những tấm lòng hảo tâm đã khiến bà con ấm lòng chừng nào. Đặc biệt, đoàn còn quan tâm đến những hộ đặc biệt khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, không biết nói gì hơn ngoài sự cảm ơn sâu sắc”, anh Nguyễn Hoàng Giang cho biết.

Cũng trong mấy ngày qua, nhiều đoàn tình nguyện, thiện nguyện do các nghệ sĩ trong cả nước kêu gọi ủng hộ đồng bào lũ lụt cũng đã gấp rút về Quảng Bình để kịp thời hỗ trợ cho bà con. Tinh thần tương thân tương ái đang lan tỏa mạnh mẽ, kết nối những tấm lòng hảo tâm hướng về Quảng Bình ngày càng nhiều hơn nhằm xoa dịu những nỗi mất mát và giúp nhân dân vực lại đời sống ổn định thường ngày. Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cũng chỉ đạo Mặt trận và các đoàn thể, lực lượng vũ trang tiếp tục tăng cường lực lượng về với nhân dân, đồng hành cùng bà con vượt qua khó khăn đồng thời nhấn mạnh công tác tổ chức tiếp nhận hỗ trợ phải được tiến hành chặt chẽ, phân bổ đúng đối tượng, bảo đảm công khai, minh bạch.

Hà Tĩnh ước tính mưa lũ gây thiệt hại hơn 994 tỷ đồng

Theo báo cáo của tỉnh Hà Tĩnh, mưa lũ đã làm 6 người chết và thiệt hại lớn về kinh tế, ước tính hơn 994 tỷ đồng. Mưa lũ đã làm cho 108 xã, phường với 30.111 hộ dân của tỉnh Hà Tĩnh bị ngập, có nơi ngập sâu từ 2 đến 3m. Diện tích lúa mùa bị ngập 774 ha; hoa màu bị ngập, hư hỏng trên 662 tấn; gần 2.072 con gia súc, 172.735 con gia cầm bị chết; hồ nuôi trồng thủy sản bị ngập 1.306 ha. Mưa lũ cũng đã làm cho nhiều khối lượng đất, đá, bê-tông, nhựa đường bị sạt lở hơn 109.938 m3; chiều dài đường bị sạt lở, hư hỏng hơn 70.396 km; chiều dài đê bị sạt lở 630 m; kênh mương bị sạt trôi, hư hỏng 23,23 km...

Trước những thiệt hại rất lớn về người và tài sản do mưa lũ, trước mắt UBND tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét hỗ trợ lương thực và giống để khôi phục sản xuất sau lũ. Cụ thể: 2.000 tấn gạo; 2.000 tấn lúa giống sản xuất vụ Xuân; ngô giống 30 tấn; hạt giống rau các loại 10 tấn. Hỗ trợ hóa chất tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản: 50.000 lít Benkocid; 50.000 kg hóa chất Sodium chlorite. Hỗ trợ 50 tỷ đồng để khắc phục công trình nhà cửa đảm bảo ổn định đời sống, sản xuất cho nhân dân sau lũ và 200 tỷ đồng để tu sửa, nâng cấp cơ sở hạ tầng bị hư hỏng do mưa lũ.

P.Q

Nước mắt người nuôi cá lồng

Lũ đã qua, nhưng người dân ở các thôn Nam Hà, Minh Phong, Vĩnh Phú xã Hộ Độ, H.Lộc Hà (Hà Tĩnh) vẫn còn bàng hoàng, ngơ ngác khi bỗng chốc trắng tay theo dòng nước dữ.

Tại thôn Nam Hà, ông Lê Thế Hiên như ngồi trên đống lửa khi 5 lồng cá bị nước lũ đẩy ra biển lớn. “Khoảng 5 tạ cá cùng 5 bộ lưới với tổng thiệt hại hơn 600 triệu đồng đã đi theo lũ rồi chú ơi. Còn đó món nợ ngân hàng mà gia đình vay mượn là hơn 200 triệu đồng không biết bao giờ mới hoàn trả được đây”- ông Hiên mếu máo nói. Theo ông Hiên thì, tối ngày 14- 10, mặc dù được thông báo có mưa lớn, gia đình cũng đã chằng chéo lồng bè khá chắc chắn, song do lũ về quá nhanh và lớn đã cuốn đi tất cả những gì nằm trên mặt nước. Tiếp lời, ông Lê Thế Nguyên- Trưởng thôn Nam Hà nói, toàn thôn có tổng 31 lồng bè, chủ yếu nuôi các loại cá Hồng Mỹ, cá chẽm... sau trận lũ chỉ còn lại 9 cái. Thiệt hại là vô cùng lớn.

Biết là lồng bè và vó đã trôi ra biển, nhưng quá xót của nên mấy ngày nay ông Nguyễn Văn Hồng, thôn Minh Phong vẫn một mình ngược xuôi theo con nước với hy vọng mong manh sẽ tìm lại được phần nào tài sản bị lũ cuốn. Tuy nhiên, niềm hy vọng nhỏ nhoi đó sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực. Ông Hồng cho biết: “lũ cuốn trôi một vó và 1 lồng bè trị giá khoảng 50 triệu đồng, đó là chưa kể 2 tạ cá hồng đang chờ ngày thu hoạch để có thêm tiền trả nợ”.

Gia đình ông Trương Văn Hảo, trú xóm Vĩnh Phú là một trong những hộ thiệt hại nhiều nhất tại xã Hộ Độ, ước tính khoảng 300 triệu đồng. Nước lũ đã cuốn trôi 2 chiếc vó, 1 lồng bè trong đó có khoảng 2 tấn cá chẽm, cá hồng, cá mú, cá đém.. Bà Thanh- vợ ông Hảo cho biết thêm: “Tiếc nhất là số cá mú, mỗi con có trọng lượng khoảng 1kg-1,5kg chuẩn bị xuất ra thị trường, nay mất trắng”.

Gia đình ông Lê Thế Hiên ở xã Hộ Độ, H.Lộc Hà (Hà Tĩnh) bị trôi 5 lồng cá.

Vay mượn ngân hàng gần 200 triệu đồng để đầu tư nuôi cá lồng bè, sau trận lũ, tài sản của gia đình anh Trương Quang Dần, xóm Vĩnh Phú là con số không tròn trĩnh. “Những tưởng 2 tấn cá chẽm đến kỳ thu hoạch sẽ có tiền trả nợ. Vậy mà, chỉ sau 1 đêm chúng tôi giờ chỉ còn tay trắng”- anh Dần chia sẻ.

Bí thư Đảng ủy xã Hộ Độ- Trương Bá Khanh cho biết, Hộ Độ là vùng thấp trũng, mặt bằng thấp hơn mực nước biển nên khi có mưa to, lũ các nơi đều đổ dồn về đây. “Trận lũ vừa qua đã cuốn trôi 15 chiếc vó, 39 lồng bè với hàng chục tấn cá; có 31 lồng bị trôi dạt, gây hư hỏng nặng nề. Chúng tôi rất mong được sự giúp đỡ, cùng bà con vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống”- Bí thư Khanh chia sẻ.

Nhóm P.V Thời sự

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_156361_ki-p-tho-i-de-n-vo-i-do-ng-ba-o-vu-ng-lu-.aspx