Kính viễn vọng lớn nhất TG chính thức khởi động ngày 25/9

FAST, kính viễn vọng lớn nhất thế giới do Trung Quốc sản xuất, sẽ chính thức đi vào hoạt động tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất từ ngày 25/9.

Kính viễn vọng FAST có khẩu độ rộng 500m (ngang với 30 sân bóng đá) do Trung Quốc sản xuất có thể phát hiện tín hiệu vô tuyến và dấu hiệu của sự sống từ những hành tinh xa xôi trong vũ trụ. Hiện tại, FAST đang nằm gọn trong vùng lòng chảo đá vôi thuộc miền núi phía tây nam Trung Quốc. Theo CNN, FAST sẽ bắt đầu vận hành từ hôm 25/9.

Douglas Vakoch, giám đốc METI International, tổ chức chuyên tìm kiếm người ngoài hành tinh, cho biết, “Kính thiên văn mới nhất của Trung Quốc có thể tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất với tốc độ nhanh hơn và xa hơn mọi thiết bị tìm kiếm ra đời trước nó".

Tầm quan sát của FAST lớn hơn gần gấp đôi kính viễn vọng khổng lồ Arecibo ở Puerto Rico - kính viễn vọng có khẩu độ rộng lớn nhất thế giới trong vòng 53 năm qua. Kính viễn vọng RATAN-600 của Nga lớn hơn FAST về đường kính, khoảng 576m. Nhưng thiết bị này có vùng quan sát nhỏ hơn nhiều so với FAST và Arecibo.

Kính viễn vọng FAST với khẩu độ rộng 500m (ngang với 30 sân bóng đá) do Trung Quốc sản xuất có thể phát hiện tín hiệu vô tuyến và dấu hiệu của sự sống từ những hành tinh xa xôi trong vũ trụ

Mất cả thập kỷ để hình thành nên kính viễn vọng FAST

Quá trình xây dựng dự án FAST trị giá 185 triệu USD bắt đầu vào năm 2011. Mảnh cuối cùng trong tổng số 4.450 tấm kính hình tam giác của FAST được lắp vào tháng 7 năm nay. Công trình này tương đối đồ sộ nên việc di chuyển rất khó khăn, mỗi tấm kính có thể được điều chỉnh theo nhiều hướng.

Andreas Wicenec, giáo sư Nghiên cứu Chuyên sâu Dữ liệu tại Trung tâm Nghiên cứu Thiên văn Vô tuyến Quốc tế tại Australia, cho biết “Bạn có thể kiểm soát bề mặt kính viễn vọng để nó hướng về một điểm nào đó trên bầu trời. Một mạng lưới các dây thép cho phép cơ chế kéo và đẩy bằng thủy lực hoạt động".

So sánh khẩu độ của FAST với các kính viễn vọng khác

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã phải mất hơn 10 năm khảo sát trên 400 khu vực khác nhau mới có thể tìm được địa điểm đặt kính thiên văn tại vùng lòng chảo đá vôi thuộc miền núi phía tây nam Trung Quốc. Vùng lòng chảo có diện tích lý tưởng, hơn thế nữa các ngọn núi xung quanh tạo thành một lá chắn chống nhiều tần số vô tuyến.

Vùng lòng chảo đá vôi thuộc miền núi phía tây nam Trung Quốc trước khi có sự xuất hiện của kính viễn vọng FAST

Sứ mệnh của kính viễn vọng FAST

Kính viễn vọng FAST được ra đời với sự kỳ vọng rất lớn của các nhà thiên văn. Họ hy vọng FAST có thể làm sáng tỏ nguồn gốc của vũ trụ bằng cách lập bản đồ phân bố hydro – nguyên tố phổ biến nhất trong thiên hà của chúng ta.

FAST cũng sẽ cho phép các nhà khoa học phát hiện nhiều ẩn tinh (ngôi sao không nhìn thấy được bằng mắt thường, có thể được phát hiện qua các tín hiệu. Điều này có thể cung cấp cho các nhà khoa học xác định sóng hấp dẫn – những gợn sóng trong không - thời gian – để làm sáng tỏ quá trình tiến hóa của vũ trụ.

Quá trình xây dựng dự án FAST trị giá 185 triệu USD bắt đầu vào năm 2011. Mảnh cuối cùng trong tổng số 4.450 tấm kính hình tam giác của FAST được lắp vào tháng 7 năm nay

Tuy nhiên, mục tiêu sử dụng FAST để tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất là mục tiêu thú vị và nhận được sự quan tâm nhiều nhất của các nhà khoa học. Độ nhạy lớn cũng giúp FAST sẽ giúp tìm ra các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời theo cách những kính viễn vọng khác không thể thực hiện.

"Tiềm năng FAST tìm ra một nền văn minh ngoài Trái Đất lớn gấp 5 - 10 lần những thiết bị hiện nay, vì nó có thể quan sát những hành tinh ở vị xa hơn và tối hơn”, Peng Bo, giám đốc Phòng thí nghiệm Công nghệ Thiên văn học Vô tuyến NAO cho biết.

Mặt bên trong của kính viễn vọng FAST

FAST tham gia hỗ trợ các chương trình vũ trụ của Trung Quốc

Tuần trước, Trung Quốc phóng thành công trạm vũ trụ Thiên Cung 2, tiền thân của trạm vũ trụ 20 tấn. Trung Quốc đặt ra kế hoạch dài hạn trong việc đưa người lên mặt trăng và gửi một tàu thăm dò không người lái lên sao Hỏa. Kính viễn vọng FAST sẽ theo dõi những nhiệm vụ này.

Tuy nhiên, kính viễn vọng FAST vẫn tồn tại một số hạn chế. Nó không thể theo dõi đường đi của sao chổi hoặc thiên thạch. "FAST có thể giúp giải thích nguồn gốc và cấu trúc của vũ trụ, nhưng nó không thể cung cấp sự cảnh báo về mức độ nguy hiểm của các thiên thạch”, giáo sư Wicenec cho biết.

Các nhà thiên văn học Trung Quốc dự kiến sẽ được ưu tiên làm việc với FAST trong vòng 2-3 năm, sau đó, thiết bị này sẽ được sử dụng rộng rãi bởi các nhà khoa học trên thế giới.

Thanh Loan (CNN)

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/kinh-vien-vong-lon-nhat-tg-chinh-thuc-khoi-dong-ngay-25-9-c7a450344.html