Kinh tế Việt Nam: Tái cơ cấu hoặc tụt hậu

Với tỷ lệ nợ công và thâm hụt ngân sách đang ở mức cao, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam được xem là điều kiện bắt buộc, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Sáng nay (12/10), Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam và Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn kinh tế Việt Nam trong giai đoạn mới với chủ đề "Thách thức tái cơ cấu và triển vọng".

Phát biểu tại diễn đàn, PGS.TS.Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - cho biết, 30 năm là thời gian đủ cho Hàn Quốc vươn mình trở thành nước công nghiệp phát triển. Nhưng sau 30 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam vẫn ở mức phát triển thấp - vẫn là nền kinh tế dựa chủ yếu vào các ngành khai thác tài nguyên, gia công, lắp ráp, với hơn 80% số doanh nghiệp sử dụng công nghệ thấp và trung bình thấp.

PGS.TS.Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2016

"Chúng ta đã đổi mới thành công và khi công cuộc tái cơ cấu được khởi động, tất cả đều lạc quan tin rằng quá trình tái cơ cấu sẽ thành công, cũng diễn ra nhanh chóng, chỉ cần 2 - 3 năm là sẽ cơ bản giải quyết "3 tuyến đột phá" – nợ xấu ngân hàng, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (trọng tâm là cổ phần hóa), thay đổi cơ chế đầu tư công. Tuy nhiên thực tế lại không được như vậy", ông Trần Đình Thiên cho biết.

Theo ông Thiên, 5 năm vừa qua là 5 năm kinh tế vật lộn với quá trình tái cơ cấu, cũng là 5 năm khó khăn nhất trong 30 năm đổi mới. Lấy dẫn chứng cho sự khó khăn trên, ông Thiên cho biết ngành ngân hàng dù đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất song tình trạng nợ xấu vẫn là vấn đề vô cùng gai góc khó có thể giải quyết nhanh chóng.

Trong khi đó, sức cạnh tranh của hệ thống doanh nghiệp ở cả khu vực nhà nước cũng như tư nhân vẫn rất yếu so với các công ty trong khu vực và trên thế giới.

Đưa ra giải pháp tái cơ cấu cho nền kinh tế Việt Nam, TS.Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - nhấn mạnh phải tư duy lại để tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Cùng với đó phải từ bỏ cách phân bố nguồn lực kiểu hành chính xin - cho làm xói mòn sự thịnh vượng quốc gia và năng lực cạnh tranh.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu khi nước ta đang hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới

Theo nhiều chuyên gia kinh tế tại hội thảo, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam cần phải đẩy nhanh hơn nữa khi nước ta đã và đang hội nhập sâu với kinh tế thế giới.

Tính riêng trong năm 2015, Việt Nam đã hoàn thành việc đàm phán và đi vào thực thi hàng loạt Hiệp định hội nhập thế hệ mới. Nhiều đối tác trong các Hiệp định là những cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới như: Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia, 27 nền kinh tế EU, Nga và Hàn Quốc. Các điều khoản cam kết của các Hiệp định đều đòi hỏi trình độ và tiêu chuẩn rất cao, điều kiện thực thi rất nghiêm ngặt. Do đó, Việt Nam phải thay đổi căn bản thực lực của mình mới "bám" được các cấu trúc hội nhập này, qua đó, hưởng lợi ích hội nhập để vươn lên.

Nguồn VTV: http://vtv.vn/kinh-te/kinh-te-viet-nam-tai-co-cau-hoac-tut-hau-20161012141454745.htm