Kinh tế tuần hoàn: Hướng tiếp cận mới, giảm chất thải ra môi trường

Một nguyên tắc cố hữu là phát triển kinh tế sẽ đi đôi với sự gia tăng lượng chất thải và sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, coi nhẹ sự phát triển kinh tế là điều không thể, tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể vận hành một nền kinh tế tuần hoàn – các nguồn lực được sử dụng hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường. Để có thể thúc đẩy nền kinh tế này, đòi hỏi một chiến lược mang tính dài hạn, và cần loại bỏ tư duy kinh doanh sản xuất – sử dụng – loại bỏ đầy lãng phí và thiếu bền vững.

PGS.TS Huỳnh Trung Hải cho biết: Tái chế là phương thức được thừa nhận rộng rãi trên thế giới, và là một trong những công cụ tất yếu nhằm đảm bảo các mục tiêu phát triển.

Tái chế – nguồn lợi bị xem nhẹ

Tại Hội thảo “Nền kinh tế tuần hoàn: Hướng tiếp cận mới nâng cao sức cạnh tranh, giảm chất thải ra môi trường”, PGS.TS Huỳnh Trung Hải – Trưởng phòng Khoa hoạc và Công nghệ, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: Hoạt động tái chế có thể coi là một ngành công nghiệp – kinh doanh và tạo ra một hệ quả kép cả về môi trường và kinh tế.

Việc tái chế sẽ thu hồi được một phần của dòng thải để bổ sung vào nguyên liệu dùng để sản xuất, đồng thời khi dòng thải được xử lý sẽ làm giảm mức độ ô nhiễm, bảo vệ được môi trường và hệ sinh thái, qua đó cũng làm giảm các chi phí xử lý chất thải cần thiết trong bảo vệ môi trường.

Tái chế là yếu tố cốt lõi trong việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và ở Việt Nam ngành công nghiệp tái chế có một tiềm năng rất lớn, song nguyên lý này còn khá mới mẻ và chưa được tận dụng nhiều.

Theo số liệu thống kế năm 2010, các DN thép ở Việt Nam sản xuất được 8,7 triệu tấn sản phẩm thép, đáp ứng khoảng 80% tổng nhu cầu thép cả nước. Tuy nhiên, lượng thép phế trong nước cho đến nay mới chỉ cung cấp được trung bình khoảng 30%, còn lại phải nhập khẩu từ bên ngoài.

Tổng công suất ước tính ngành công nghiệp nhựa Việt Nam là khoảng 3,8% triệu tấn, nhưng hiện nay, nguồn cung nguyên liệu trong nước chỉ đạt khoảng 30%. Hàng năm, cần từ 2-2,5 triệu tấn nguyên liệu nhựa nhập khẩu, trong đó phế liệu nhựa đã chiếm trên 80%.

TS Hải cho rằng, phần lớn chất thải ở Việt Nam được tái chế tại các làng nghề, không có sự hỗ trợ của ngành công nghiệp phụ trợ. Chúng ta đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn lực phục vụ tái chế như: vốn, nhân lực trình độ cao, trang thiết bị chuyên môn và khả năng làm chủ công nghệ mới.

Cơ hội nào cho Việt Nam?

Theo ông Huỳnh Trung Hải, nguyên nhân cơ bản của những tồn tại trong việc tái chế ở Việt Nam là chúng ta chưa có một hệ thống quản lý vững mạnh với đầy đủ chế tài trong việc kiểm soát các hoạt động tái chế nói riêng và hoạt động bảo vệ môi trường nói chung.

Để sản xuất 1 tấn bột giấy, cần khai thác từ 2,8-3 m3 gỗ cây keo lai và thời gian trồng có thể khai thác mất 5-7 năm. Do đó, ngành sản xuất giấy Việt Nam đã dùng giấy phế liệu thay thế gỗ cây keo lai – đây là một giải pháp tối ưu trong sản xuất kinh doanh. (Ảnh Internet)

Các doanh nghiệp tái chế (chính quy và phi chính quy) ở nước ta chưa thực sự được hỗ trợ bởi một khung pháp lý phù hợp, đặc biệt trong các vấn đề giám sát sản xuất, giám sát hiệu quả hoạt động và chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp… Thậm chí các doanh nghiệp này còn gặp nhiều khó khăn với các cơ quan quản lý do sự nhạy cảm của ngành nghề.

Do đó, theo ông Hải, Nhà nước cần phát triển khung chính sách và pháp luật theo nhu cầu của thị trường – đang chuyển dịch sang hướng ngăn ngừa ô nhiễm và sử dung hiệu quả tài nguyên. Đồng thời đẩy mạnh phát triển khoa học kỹ thuật mà đại diện là các công nghệ, sản phẩm tiên tiến trong lĩnh vực tái chế vật liệu và năng lượng mới từ chất thải, thỏa mãn các điều kiện về môi trường, tiết kiệm chi phí.

“Đặc biệt, để biến việc tái chế trở thành cơ hội phát triển trong giai đoạn mới, điều quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy, quan điểm về chất thải và tái chế chất thải; phải coi chất thải là tài nguyên và coi quản lý chất thải là quản lý tài nguyên”, ông Hải nhấn mạnh.

Rõ ràng, lâu nay phương pháp quản lý rác thải truyền thống thường tìm cách giảm thiểu các chi phí thu gom và xả thải – tức là chôn lấp thay vì tái chế hay thiêu hủy rác. Nhưng trong một nền kinh tế tuần hoàn, mục tiêu là tối đa hóa giá trị tại mỗi giai đoạn trong vòng đời của một sản phẩm.

Có thể thấy, quá trình chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn là rất cần thiết đối với xã hội để tiến tới mức tiêu thụ bền vững. Vì các nguyên liệu vốn trước đây được coi là “chất thải” sẽ có khả năng được biến thành các sản phẩm mới và được sử dụng cho các mục đích khác.

TS. Sunil Heart, giảng viên đại học Griffith – Úc cảnh báo , nhu cầu sử dụng các sản phẩm công nghệ của Việt Nam hiện rất cao, trong đó số điện thoại di động nhiều hơn dân số thực tế. Theo nghiên cứu, tới năm 2018 chất thải điện tử từ điện thoại di động của Việt Nam có thể lên tới 50 triệu tấn. Vấn đề này vô cùng nguy hại bởi sản phẩm điện tử có nhiều thành phần độc hại như chì, thủy ngân gây ra tác hại lớn nếu không quản lý cẩn trọng.

Giang Phan

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/kinh-te-tuan-hoan-huong-tiep-can-moi-giam-chat-thai-ra-moi-truong/