Kinh tế Thủ đô trước vận hội Cách mạng công nghiệp 4.0

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017, Thủ tướng Chính phủ lưu ý các Bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội cần tăng cường nhận thức về Cách mạng công nghiệp 4.0, nắm rõ thời cơ, thách thức và có định hướng, tư duy phát triển, ứng xử phù hợp trước những tác động trực tiếp của nó đến mọi mặt đời sống xã hội, kể cả chính trị, kinh tế, văn hóa, lao động, giáo dục, quốc phòng an ninh…

Nắm rõ thời cơ về Cách mạng công nghiệp 4.0
"Công nghiệp 4.0" dựa trên sự tích hợp và cộng hưởng các thành tựu và tiện ích tất cả các công nghệ thông minh, nhất là công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy, trao đổi dữ liệu và chế tạo, cùng với các hệ thống mạng vật lý, mạng Internet kết nối vạn vật (Internet of Things-viết tắt là IoT), Internet các dịch vụ và điện toán đám mây, làm mờ đi ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và công nghệ sinh học, cũng như ranh giới giữa thế giới thực và thế giới ảo, tạo ra hệ thống sản xuất thực - ảo/điều khiển - vật lý CPPS (cyber-physical production system), cho phép ngày càng tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; tạo ra các “nhà máy thông minh” hay “nhà máy số” tự động tương tác với nhau và với con người theo thời gian thực. Hàng tỷ người có thể được kết nối thông qua các thiết bị di động có khả năng xử lý, dung lượng lưu trữ chưa từng có trước đây và khả năng tiếp cận với tri thức là không có giới hạn.

Cách mạng công nghiệp mới đang và sẽ có tác động toàn diện tới đời sống kinh tế-xã hội vĩ mô và vi mô của mọi quốc gia và toàn cầu, cả về cấu trúc, trình độ phát triển, tốc độ tăng trưởng, mô hình kinh doanh, cơ cấu và quy mô thị trường lao động, cũng như thay đổi nhận thức và thói quen, năng lực của từng cá nhân. Nhiều năng lực, cơ hội và mô hình kinh doanh mới xuất hiện, cùng với sự biến mất nhiều sở trường, cơ hội cũ, lợi thế kinh doanh và năng lực cũ. Các sản phẩm và dịch vụ mới được tạo ra với năng suất, chất lượng ngày càng cao, chi phí ngày càng rẻ, thời gian ngày càng nhanh và đem lại tiện ích ngày càng tốt hơn cho người tiêu dùng, góp phần không ngừng cải thiện chất lượng sống và năng suất, hiệu quả kinh tế. Các chi phí vận chuyển và thông tin liên lạc cũng ngày càng giảm, các dịch vụ hậu cần (logistic) và chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ trở nên hiệu quả hơn, chi phí thương mại sẽ giảm. Nhiều thị trường mới sẽ được mở ra và nhiều xung lực mới sẽ được cộng hưởng, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.

Tuy nhiên, khi việc thay thế người công nhân bằng máy móc có thể đem lại sự an toàn và tạo ra những năng suất và giá trị mới, thì cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng có thể làm gia tăng sự bất bình đẳng, biến dạng cơ cấu, thậm chí phá vỡ thị trường lao động xã hội. Khi tự động hóa và robot thay thế lao động chân tay và con người trong nhiều lĩnh vực, hàng triệu lao động trên thế giới có thể rơi vào cảnh thất nghiệp, nhất là lao động trình độ thấp và những người làm trong lĩnh vực bảo hiểm, môi giới bất động sản, tư vấn tài chính, vận tải. Con người - Tài năng sẽ trở thành yếu tố quan trọng bậc nhất của sản xuất. Quốc gia, địa phương và doanh nghiệp nào sở hữu nhiều tri thức, nhân lực chất lượng cao sẽ giành ưu thế cạnh tranh cao hơn. Nhu cầu về lao động có tay nghề rất cao đang và sẽ tăng lên; ngược lại, những người có trình độ học vấn và tay nghề kém hơn đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp sớm, trong khi tuổi nghỉ hưu trung bình sẽ kéo dài hơn.

Mô hình kinh doanh sẽ được điều chỉnh theo hướng đòi hỏi doanh nghiệp phải tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, hướng tới đón bắt và đáp ứng tốt nhất nhu cầu người tiêu dùng, giảm thiểu chi phí, tăng quản trị rủi ro, tính linh hoạt và sự năng động kinh doanh; đặc biệt, cần tăng khả năng đổi mới thiết kế của sản phẩm, tiếp nhận và đáp ứng nhanh các nhu cầu đơn chiếc của khách hàng theo thời gian thực. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin sẽ có nhiều cơ hội và quyền năng mới, gắn với năng lực nắm bắt và đáp nhu cầu của khách hàng qua mạng.

Ngoài ra, nhu cầu và yêu cầu bảo vệ an ninh thông tin, an toàn mạng và sức khỏe cá nhân cũng gia tăng cùng với cơ hội để mỗi nước đẩy nhanh hơn tiến trình tái cơ cấu kinh tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thu hẹp khoảng cách phát triển với khu vực.

Hà Nội hành động
Trong bối cảnh đó, nhiều năm qua Hà Nội đã có nhiều nỗ lực chủ động nhận thức, chuẩn bị và nắm bắt các cơ hội, đáp ứng các yêu cầu mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là thúc đẩy chính phủ điện tử, phát triển CNTT, khu công nghiệp phần mềm và nhiều ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ ứng dụng công nghệ cao...

Ngay từ cuối năm 2015 và đầu 2016, TP Hà Nội đã quyết đoán xây dựng hệ thống mạng WAN tập trung của thành phố đến 584 phường/xã, 30 quận/huyện trên toàn thành phố thay vì sử dụng 170 chương trình phần mềm và sever riêng lẻ của các quận, huyện, trước đó; chuyển từ đầu tư NSNN sang thuê dịch vụ, sever, đường truyền, đặt hàng các doanh nghiệp tư nhân viết phần mềm, nghiệm thu xong mới thanh toán. Hà Nội đã hoàn thành hệ thống cổng thông tin điện tử chung, xây dựng những cơ sở dữ liệu cốt lõi và toàn bộ dữ liệu với 32 thông số cho 7,5 triệu dân cư của Hà Nội. Hiện 98% thủ tục thông quan và 70% đăng ký kinh doanh của DN đã được thực hiện trên môi trường mạng; hết năm 2017, bảo đảm 100% thủ tục đăng ký kinh doanh và kê khai thuế được thực hiện trên môi trường mạng; phấn đấu tới tháng 10-2018 sẽ hoàn thành ứng dụng các ứng dụng thông minh như Iparking (công nghệ phục vụ việc đỗ xe), xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai với 2,7 triệu ô đất và thửa đất…

Tăng cường nhận thức và năng lực của cộng đồng doanh nghiệp về cách mạng công nghiệp 4.0 phải là nhiệm vụ trọng tâm của Thủ đô. Kết quả khảo sát 2.000 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội trong quý I-2017 cho thấy: dù có 85% doanh nghiệp quan tâm đến cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng có đến 79% doanh nghiệp chưa sẵn sàng đón sóng cuộc cách mạng này. Bởi vậy, Hà Nội cần xây dựng các chính sách, cơ chế và các giải pháp có tính đột phát để khai thác và huy động tối đa nguồn lực cho đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng CNTT và truyền thông; phát triển các khu công nghiệp phần mềm và đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quản lý, khai thác, vận hành các hoạt động kinh tế-xã hội; Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, đưa Hà Nội trở thành Thủ đô khởi nghiệp, Trung tâm công nghiệp phần mềm, ứng dụng di động, Trung tâm dịch vụ an toàn bảo mật thông tin, Trung tâm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước và khu vực; Tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân, mọi doanh nghiệp dễ dàng và bình đẳng trong việc tiếp cận với các cơ hội số, phát triển mạnh kinh tế tư nhân và nguồn nhân lực số trở thành động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng bậc nhất của Thủ đô; khuyến khích doanh nghiệp hình thành và gia nhập chuỗi cung ứng đồng bộ, kết nối liên ngành và liên vùng, đáp ứng nhu cầu trong nước, cũng như xuất khẩu; Đồng thời, chú trọng công tác an ninh, an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu cung cấp trao đổi thông tin, phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, an ninh thông tin, chủ quyền quốc gia về không gian mạng; Từng bước xây dựng và phát triển Hà Nội dẫn đầu cả nước về mô hình thành phố thông minh, phát triển bền vững và đóng góp tích cực vào sự nghiệp chung của cả nước.....

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/nhan-dinh/item/33971202-kinh-te-thu-do-truoc-van-hoi-cach-mang-cong-nghiep-4-0.html