Kinh tế năm 2013: Cơ hội cho những doanh nghiệp tái cơ cấu tốt

(HQ Online)- Tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2013- Cơ hội và thách thức” được tổ chức tại TP.HCM ngày 1-3, các chuyên gia kinh tế đã phân tích, chia sẻ với các doanh nghiệp nhiều thông tin dự báo về bức tranh kinh tế năm 2013, có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp mạnh, tái cơ cấu tốt.

Các chuyên kinh tế tham gia hội thảo phân tích cơ hội và thách thức kinh tế Việt Nam 2013. Ảnh: T.H

Tại hội thảo các chuyên gia kinh tế đã phân tích khá kĩ về kịch bản kinh tế thuộc các lĩnh vực tín dụng, chính sách, lãi suất, tỉ giá, giải pháp tín dụng cho một số thị trường; thị trường bất động sản; xu hướng sáp nhập, tái cấu trúc doanh nghiệp, sử dụng nguồn nhân lực và những bài toán dành cho xử lý hàng tồn kho, nợ xấu…

Nhận định về bức tranh kinh tế năm 2013 có những cơ hội nào cho các doanh nghiệp Việt Nam, TS. Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã thẳng thắn cho rằng, năm 2013 nền kinh tế vẫn còn khó khăn, nhưng dễ chịu hơn, không căng thẳng như năm 2012. Tuy nhiên, cơ hội chỉ dành cho những doanh nghiệp mạnh, tái cơ cấu tốt, còn những doanh nghiệp quá "ốm yếu” sẽ không có chỗ đứng.

Chỉ ra những cơ hội cho doanh nghiệp trong năm 2013, TS Trần Du Lịch khẳng định, chắc chắn sẽ diễn ra tái cơ cấu thị trường một cách nghiệt ngã, bởi vì chính sách của Chính phủ là hỗ trợ cho thị trường phát triển, chứ không bao cấp. Những doanh nghiệp nào có hướng đi phù hợp, tái cơ cấu tốt đều có cơ hội phát triển.

Theo phân tích của TS. Trần Du Lịch, hiện nay Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7-1-2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu nhằm tập trung các giải pháp cho nền kinh tế. Hàng loạt các giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực, như: bất động sản, xử lí nợ xấu, giải quyết hàng tồn kho đã được đưa ra…, ông Trần Du Lịch ví von, thuốc đã có rồi, còn việc có uống không, và uống như thế nào còn phụ thuộc vào các bộ, ngành và doanh nghiệp.

Đứng về góc độ doanh nghiệp, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam đồng tình với cách nhận định, đánh giá của TS Trần Du Lịch. Ông Vũ nhấn mạnh, lãnh đạo các doanh nghiệp cần hành xử có trách nhiệm và trung thực hơn thì mới nắm và phát huy được cơ hội trong khó khăn hiện nay. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần có chiến lượng kinh doanh đúng hướng, phù hợp với nămg lực hiện có, đặc biệt là vấn đề con người, công tác quản trị phải thực hiện thật tốt.

Tuy nhiên, một trong 3 nút thắt của nền kinh tế năm 2013 cần được tháo gỡ là thị trường bất động sản lại chưa có chuyển biến nhiều. Theo TS Đỗ Thị Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, Nghị quyết số 02 của Chính phủ chưa được triển khai mạnh nên chưa có tác động đến thị trường bất động sản. Nhiều doanh nghiệp bất động sản mong muốn thoát khỏi thị trường, nhưng cũng khó thoát được vì vốn chồng vốn, nợ chồng nợ còn rất lớn. TS. Loan đề nghị, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo triển khai ngay gói kích cầu 20.000 đến 40.000 tỉ đồng cho thị trường bất động sản. Đồng thời, xem xét lại các khoản nợ cũ của các doanh nghiệp, để họ có hướng sản xuất, kinh doanh, trả nợ cho ngân hàng.

Đứng ở góc độ chuyên gia kinh tế ngân hàng, ông Deepak Mishra, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã phân tích rõ những bối cảnh của nền kinh tế thế giới và Việt Nam có những ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Việt Nam. Theo ông Deepak Mishra, nền kinh tế Việt Nam khá mở về vấn đề thương mại kể từ khi gia nhập WTO, nên cũng chịu ảnh hưởng nhiều rủi ro khi nền kinh tế thế giới khủng hoảng. Hiện nay mức độ rủi ro của một số thị trường châu Âu có xu hướng cao, nên các nhà đầu tư đang hướng về các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, tại Việt Nam, mức độ rủi ro trái phiếu giảm, nên các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang có xu hướng quan tâm đến thị trường trái phiếu của Việt Nam.

Về thuận lợi và khó khăn trong hoạt động XNK, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục XNK- Bộ Công Thương cho biết, năm 2013, tình hình XNK tiếp tục gặp những khó khăn do ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới và trong nước. Hầu hết các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam đều phải đối mặt với những vấn đề nội tại. Cụ thể, khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ còn mong manh, khu vực EU vẫn tiếp tục đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ công, tốc độ tăng trưởng của nhiều quốc gia có xu hướng chậm lại… sẽ gây ra khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trong việc phát triển thị trường, tìm đối tác, đầu ra cho xuất khẩu…/.

Lê Thu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/kinh-te-nam-2013-co-hoi-cho-nhung-doanh-nghiep-tai-co-cau-tot.aspx